| Hotline: 0983.970.780

Không thể chín ép

Thứ Ba 25/11/2014 , 08:19 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) về Chương trình xây dựng NTM. 

Theo ông Hoàng, mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong năm 2013 nhưng thực tế 3 xã đã đạt chuẩn có phần “chín ép”.

Bình quân đạt gần 13 tiêu chí/xã

Là huyện đứng top đầu toàn tỉnh với 3 xã về đích NTM năm 2013, trong đó có Xuân Giang, một xã thuần nông xếp nửa cuối của huyện trong 3 năm thực hiện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ về thăm, đánh giá cao.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay, sau khi tiếp nhận chủ trương xây dựng NTM, Thọ Xuân tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền; giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể gắn với nhiệm vụ, chức năng của mình phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”.

Bên cạnh đó, tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm ở các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh về cách làm NTM.

“Trên cơ sở thực tế địa phương, chúng tôi đã ban một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ gồm những xã hoàn thành NTM năm 2013 được thưởng 1 tỷ đồng, năm 2014 là 700 triệu đồng, năm 2015 được 500 triệu đồng.

Đối với các trường học hỗ trợ xây dựng bếp ăn của trường mầm non, sửa chữa nâng cấp trường tiểu học, THCS từ 200 - 300 triệu đồng/công trình. Trung tâm văn hóa xã nâng cấp thì được hỗ trợ 150 triệu đồng/công trình. Chợ xây dựng mới được 200 - 400 triệu đồng.

Riêng những xã có thành tích trong SX vụ đông thì hỗ trợ kinh phí mua giống, xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương, giao thông nội đồng…”, ông Hoàng cho biết.

Bên cạnh ban hành chính sách, Thọ Xuân tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh khảo sát, đánh giá thực trạng từng tiêu chí đạt được trong năm, phân định rõ những tiêu chí khó thực hiện, từ đó đề ra các giải pháp cho từng xã, thôn phấn đấu.

Vì thế, sau gần 4 năm thực hiện, số tiêu chí toàn huyện đã tăng bình quân từ 5,6 tiêu chí/xã (2010) lên gần 13 tiêu chí/xã; có 3 xã đạt chuẩn NTM là Xuân Giang, Hạnh Phúc, Thọ Xương; 4 xã đạt 17 - 19 tiêu chí; 9 xã từ 14 - 16 tiêu chí; 20 xã đạt 7 - 13 tiêu chí.

“Mặc dù kết đạt được rất đáng khích lệ nhưng các xã về đích năm ngoái vẫn hơi gượng quá sức nên năm nay chúng tôi đã rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã phải xây dựng NTM bền vững, phải thực sự chín mới công nhận chứ không cho chín ép”, ông Lê Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng, trên tinh thần chỉ đạo đó, mặc dù đầu năm có 4 xã đăng ký về đích nhưng đến tháng 9/2014, qua rà soát có 2 xã Thọ Nguyên và Xuân Lam nguồn lực còn hạn chế, không thể "bám trụ" nên đã cắt giảm xuống còn 2 xã là Xuân Quang, Xuân Thành phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm nay.

“Những xã sau này xây dựng, đăng ký lộ trình thực hiện cũng phải dựa vào nguồn lực sẵn có, làm chậm nhưng chắc và tuyệt đối không được huy động quá sức dân”, ông Hoàng nói thêm.

Nhân rộng mô hình sản xuất

Song hành với phát triển các tiêu chí hạ tầng cơ sở, những năm qua Thọ Xuân cũng đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình SX, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Trang trại cây ăn quả 2ha (cam Vinh, bưởi Diễn, mía) của hộ ông Nguyễn Thế Thoại, xã Xuân Thành là một trong những mô hình điển hình mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình ông; đồng thời, giải quyết công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương. Về thị trường tiêu thụ, các sản phẩm này được thương lái đến đặt hàng nên xã Xuân Thành đang quy hoạch mở rộng diện tích lên 50ha và xây dựng thương hiệu để thâm nhập vào các siêu thị trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo NTM huyện Thọ Xuân, đến thời điểm này có 12 xã đã áp dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ vào SX với diện tích 860ha. Năm 2013 thành lập 3 cơ sở SX mạ khay ở Thọ Trường, Xuân Thành và Xuân Minh, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 10 HTX SX mạ khay cung ứng cho toàn huyện.

Một số mô hình mới được chuyển giao, nhân rộng như: Trồng ngô ngọt ở xã Xuân Sơn; mô hình trồng hoa lily ở xã Bắc Lương, Xuân Trường, Thọ Diên, Xuân Yên; mô hình vỗ béo cho bò mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hạnh Phúc, Xuân Thành; trồng nấm ăn và nấm dược liệu với quy mô 1.500m2 tại xã Xuân Giang; ớt xuất khẩu ở Xuân Hòa, Thọ Trường với diện tích 20ha; trồng khoai tây thương phẩm 25ha tại xã Bắc Lương, Thọ Nguyên…

Tuy quá trình thực hiện các mô hình phát triển SX còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 10 triệu đồng (năm 2010) tăng lên gần 18 triệu đồng (năm 2013).

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất