| Hotline: 0983.970.780

Không thể cứ có đất là chăn nuôi!

Thứ Năm 12/08/2010 , 10:07 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi thời gian qua khốn khó tứ bề, có người nói đang kiệt sức, thậm chí phá sản. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi để tìm lối ra.

Ông Nguyễn Xuân Dương.
Ngành chăn nuôi thời gian qua khốn khó tứ bề, có người nói đang kiệt sức, thậm chí phá sản. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi để tìm lối ra.

Mãi chỉ là mớ hỗn độn nếu cứ chăn nuôi như hiện nay

Thưa ông, thực tế cho thấy, tình hình ngành chăn nuôi có vẻ bi đát quá?

Quá nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi lúc này. Nó là hệ quả tất yếu từ việc xuất phát điểm của ngành chăn nuôi chúng ta là quá thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán vẫn chiếm đa số. 80- 85% đầu con, 80% sản lượng ngành chăn nuôi là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Những con số đó nói lên điều gì? Nó chỉ ra rằng trình độ chăn nuôi chúng ta vẫn ở mức thấp so với các nước. Trình độ thấp dẫn đến năng suất chăn nuôi thấp trong khi giá thành đầu tư SX chăn nuôi lại quá cao lại dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

Chúng ta có quá nhiều người tham gia vào chăn nuôi nhưng hiệu quả lại thấp. Đường đường là nước nông nghiệp mà chúng ta vẫn phải sử dụng thực phẩm nước ngoài. Dịch bệnh lại xẩy ra thường xuyên. Như thế thử hỏi không khó khăn sao được.

Rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do giá thành TĂCN còn quá cao?

Không hẳn thế. Chúng ta đừng đổ cho giá thành TĂCN. Tất nhiên đó cũng là một phần nguyên nhân, nhưng cái chính là do phương thức chăn nuôi. Ngành chăn nuôi vẫn mãi chỉ là mớ hỗn độn như bây giờ nếu chúng ta vẫn sử dụng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Chúng ta phải có một môi trường chăn nuôi, phương thức chăn nuôi phù hợp với thời đại. Đây là thời đại công nghiệp thì phải phát triển chăn nuôi công nghiệp. Chăn nuôi nhỏ lẻ phải hạn chế. Loại trừ những vùng miền núi thì còn lại bắt buộc chúng ta phải thay đổi.

Dường như số chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều là do “cái khó bó cái khôn”?

Thế nên tôi mới bảo cần phải có cơ chế. Phải làm thế nào để dân chăn nuôi hiểu được rằng phát triển chăn nuôi mở rộng quy mô sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác chi phí thức ăn trên một đơn vị chăn nuôi sẽ có lợi hơn rất nhiều. Đơn cử, bây giờ chi phí bình quân của các Cty 2,2kg thức ăn/kg lợn, thấp hơn rất nhiều so với các hộ mua thức ăn bên ngoài.

Vừa rồi dịch tai xanh, CGC, nhiều người đã bỏ chăn nuôi mà ta vẫn gọi là “chết yểu” ấy. Đó không phải là tín hiệu đáng buồn. Bởi không nhất thiết dựa vào chăn nuôi để XĐGN, còn nhiều cách khác cơ mà. Họ có thể từ bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ rồi gắn với các HTX, chăn nuôi gia công cho các DN. Còn nếu cứ để họ tiếp tục chăn nuôi kiểu được chăng hay chớ thì khi có dịch sẽ lây vạ cho các cơ sở có quy mô lớn.

Phải có vùng khuyến khích, vùng hạn chế và vùng cấm chăn nuôi

Nói thay đổi thì dễ nhưng cụ thể thay đổi thế nào, thưa ông?

Phải có ngay chính sách. Để làm gì? Để thay đổi phương thức SX. Nông hộ thành gia trại, gia trại thành trang trại, trang trại thành công ty…Nói chung là phải chuyên nghiệp hơn. Phải có chính sách cụ thể, đủ mạnh để sắp xếp, quy hoạch lại. Phải phân chia thành vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng không chăn nuôi. Những khu vực như vùng đô thị, vùng du lịch không nhất thiết phải chăn nuôi.

Phải coi chăn nuôi đi kèm điều kiện. Tránh tình trạng cứ có đất là chăn nuôi, cách nghĩ ấy xưa lắm rồi. Bây giờ một hộ chăn nuôi tập trung bằng cả xã chăn nuôi nhỏ lẻ. Không ít trang trại chỉ có 1 ha đất nhưng nuôi 200 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Sơ sơ chừng ấy cũng cho 200 ngàn tấn, theo giá thị trường đã có hơn 6 tỷ đồng. Nếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì khi nào cho được chừng ấy, tiếc rằng số trang trại như thế còn ít quá.

Vậy cái chính vẫn là do thiếu cơ chế, chính sách? Nhưng chúng ta đã có hẳn chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 rồi còn gì?

Cơ chế chúng ta có thừa, chính sách có thừa nhưng đều không đủ mạnh. Ngay trước mắt chúng ta phải có cách nhìn nhận xác đáng về mục tiêu làm sao đến năm 2020, 60% đầu ra của gia súc, gia cầm từ các cụm chăn nuôi công nghiệp, 70% từ các gia trại, trang trại. Chúng ta sẽ trở thành nước công nghiệp thì phải đạt mục tiêu đó nhưng nếu căn cứ tình hình bây giờ thì khó quá.

Sau khi Chính phủ có quyết định về chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì hoạch định chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi. Lúc đầu chúng tôi xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi chung, tháng 7/2009 trình Chính phủ, nhưng xét thấy nguồn lực ngân sách không dồi dào gì nếu hỗ trợ tràn lan thế chẳng đem lại hiệu quả. Thế nên mới xây dựng lại chính sách cho các trang trại, còn nông hộ để các chương trình khác hỗ trợ. Vừa rồi lại trình tiếp nhưng vẫn chưa thấy ban hành gì cả. Thành thử mới chỉ có Nghị định của Chính phủ vừa ban hành về việc kêu gọi các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khả thi nhất trong quá trình hỗ trợ ngành chăn nuôi.

Ngân hàng sợ người chăn nuôi như sợ...hủi

Vậy giải pháp hiện nay là gì?

Chúng ta không có con đường nào khác ngoài sự thay đổi. Nếu ngành chăn nuôi chúng ta không muốn thua đau trên sân nhà, không muốn đứng nhìn thực phẩm nước ngoài cứ ồ ạt tràn vào thì phải hành động ngay. Phải tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi là quỹ đất và vốn. Nên dành quỹ đất cho chăn nuôi tập trung. Tại sao chúng ta có thể lấy đất xây dựng các KCN mà không thể dành đất cho nông nghiệp, cho chăn nuôi. Trong khi đó là những thứ thiết thực, là máu thịt, là đường sống của người nông dân. Cần 1ha xây dựng KCN phá ngô phá lúa vẫn làm, vậy mà cần chừng ấy đất để làm trang trại thì xa vời vợi.

Các cơ sở sản xuất chăn nuôi công nghệ cao phải được vay quỹ Ngân hàng Phát triển hoặc nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vay tín dụng. Hình thành quỹ bảo hiểm chăn nuôi, người chăn nuôi phải được tiếp cận với nguồn vốn nhiều hơn nữa. Bây giờ các ngân hàng thấy dân chăn nuôi như thấy hủi, họ sợ. Bởi vì sao? Vì chăn nuôi rủi ro cao quá. Mô hình chúng ta đã có nhiều, giờ chỉ thiếu chính sách để nhân rộng nữa thôi.

Mặt khác, công tác quản lý chăn nuôi phải được thắt chặt.

Nghe có vẻ cấp bách quá, thưa ông?

Không cấp bách là chết. Năm 2012, hàng rào về thuế WTO cơ bản sẽ tháo dỡ, chúng ta không thể dựng lên cái hàng rào vu vơ kiểu thực phẩm trong nước thì bẩn mà đi cấm thực phẩm nước ngoài được.  Hơn thế nữa, chúng ta đang trong quá trình xây dựng NTM. Nếu chúng ta làm tốt, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư góp phần vào xây dựng NTM. Còn như tình trạng người ở lẫn với lợn nhốn nháo như hiện nay thì không thể gọi là NTM được.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất