| Hotline: 0983.970.780

Không thể cưỡng bước tiến công nghệ

Thứ Tư 26/10/2011 , 10:39 (GMT+7)

Hầu hết các chuyên gia nông nghiệp đều khẳng định tính ưu việt của cây trồng biến đổi gen và tính phổ biến của nó trên toàn thế giới.

* 300 TRIỆU DÂN MỸ ĐANG ĂN NGÔ, ĐẬU NÀNH BIẾN ĐỔI GEN!

* 7,1 TRIỆU HỘ NÔNG DÂN TRUNG QUỐC TRỒNG CÂY BIẾN ĐỔI GEN.

Hầu hết các chuyên gia nông nghiệp đều khẳng định tính ưu việt của cây trồng biến đổi gen và tính phổ biến của nó trên toàn thế giới. Thậm chí, có người còn đưa ra câu hỏi rằng: Có tới 90% diện tích ngô, đậu nành bên Mỹ là giống biến đổi gen và 300 triệu dân của họ hằng ngày vẫn dùng. Chả lẽ người Mỹ ăn thực phẩm thiếu an toàn hơn người dân VN?! 

Chuyên gia nông nghiệp nhiều nước đổ xô đến Mỹ để học hỏi về trồng cây ngô biến đổi gen

Theo TS. Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp VN, cây trồng chuyển gen nói riêng và CNSH nói chung đang là động lực lớn để nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh nền nông nghiệp lên vượt bậc. Không nói gì các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật, mà ngay cả các nước xung quanh ta như Trung Quốc, Ấn Độ, nền kinh tế Đài Loan… đã từng bước đưa CNSH tiên tiến vào cuộc sống như chuyển gen cây trồng bằng các gen kháng bệnh, gen thay đổi màu, chịu được hạn hán và có hàm lượng dưỡng chất cao đưa vào canh tác để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Tỷ lệ trồng cây biến đổi gen ngày càng cao như các cây lương thực chịu được thuốc diệt cỏ (63%), kháng côn trùng (15%)… đã phổ biến tới 7,1 triệu hộ sản xuất nông nghiệp ở Trung Quốc và 5 triệu hộ ở Ấn Độ, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm gấp 2 – 3 lần. Ngoài ra, công nghệ cấy mô đã từng bước tạo giống mới đồng đều, tăng năng suất rõ rệt. Nhất là trong chế biến các sản phẩm nông nghiệp, ngành CNSH góp phần lớn tăng giá trị nông sản sau thu hoạch rất nhiều lần, làm giảm giá thành, tránh ô nhiễm môi trường. “Dự báo đến năm 2015, sản phẩm chuyển gen thương mại hóa rất phong phú và sẽ chiếm ưu thế vì cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao” – TS. Minh nói. 

Khu nhân giống các loại cây biến đổi gen như bông, ngô... tại Ấn Độ

Tương tự, TS. Dương Hoa Xô – GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, một chuyên gia đầu ngành về CNSH, một lần nữa đánh tan lo ngại của một thiểu số người khi tiếp tục khẳng định rằng: “Đến giờ này, chưa có bất cứ cơ sở hay bằng chứng nào cho thấy cây trồng biến đổi gen gây ra những tác hại về sức khỏe cho con người cũng như môi trường. Tất cả lo lắng đều chỉ do nó là cái mới, mà cái mới thì dễ có ý kiến này kia, nhưng phải dựa trên chứng cứ khoa học để đánh giá đúng và không để bỏ lỡ cơ hội phát triển”.

 TS. Xô nêu luận chứng rằng, có tới 300 triệu dân Mỹ hàng ngày vẫn ăn ngô, đậu nành biến đổi gen mà chưa thấy ai kêu ca hay kiện cáo gì. “Cả thế giới đã trồng cây biến đổi gen từ lâu rồi, trong đó nước Mỹ đi đầu với 90% diện tích cây ngô và 85% diện tích cây đậu nành là cây trồng chuyển gen”. Nông dân Mỹ cũng đã biến hầu hết cánh đồng của mình trồng ngô, đậu nành bằng giống chuyển gen và hiệu quả kinh tế đã nâng cao gấp nhiều lần. Sản phẩm ngô và đậu nành biến đổi gen của Mỹ cũng XK đi khắp toàn cầu, trong đó có cả VN. TS. Xô cũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại toàn thế giới hiện đã có gần 30 nước trồng cây giống biến đổi gen và diện tích liên tục nâng cao.

Còn PGS.TS Nguyễn Thúy Hương – Bộ môn CNSH (Trường ĐH Bách Khoa TPHCM) thì cho rằng, đầu những năm 70 của thế kỷ 20, CNSH trên thế giới bắt đầu khẳng định vị trí quan trọng không những trong nền khoa học, công nghệ mà còn trong sự phát triển kinh tế, xã hội của loài người. Từ đó đến nay, CNSH trên toàn thế giới phát triển rất mạnh, không chỉ ở những nước phát triển mà ở cả những nước đang phát triển. Người ta kỳ vọng nhiều ở những thành tựu của CNSH làm thay đổi xã hội và thay đổi mức sống của loài người.  

Sản phẩm ngô biến đổi gen của Mỹ XK đi khắp thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế cực cao

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại về những tác động tiêu cực của CNSH trong đó có cây trồng chuyển gen cũng là điều dễ hiểu khi cái mới dễ làm người ta lo sợ, bàn tán. Chính vì thế, các nhà khoa học về CNSH trên thế giới đã thống nhất mục tiêu phát triển trong nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào 3 lĩnh vực cơ bản: CNSH phục vụ sức khỏe con người; CNSH phục vụ cho việc cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn tuyệt đối; CNSH phục vụ cho việc cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Trong “Chương trình công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn đến năm 2020”, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm rất rõ khi yêu cầu: “Đến năm 2015 – 2020, các tiến bộ kỹ thuật về giống mới của cây ngô, đậu nành và bông đưa vào sản xuất thì 50% phải là giống chuyển gen”.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp khẳng định, yêu cầu này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện, chúng ta không được phép trù trừ trong việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, chậm nhất là đầu năm 2012.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi người dân trên toàn thế giới, các nhà khoa học cũng định hướng cho sự phát triển CNSH là tiến tới nền công nghiệp CNSH. Theo hướng này, quá trình sản xuất các sản phẩm CNSH sẽ được sản xuất theo quy trình công nghiệp, có nghĩa là được sản xuất hàng loạt và có kiểm soát. Vì thế, việc đưa CNSH trong đó có cây trồng chuyển gen vào cuộc sống là một nhu cầu tất yếu, không thể thay đổi.

Trong khi đó, TS. Chung Anh Dũng – Phòng CNSH (Viện KHKTNN miền Nam) cũng khẳng định, CNSH đã và đang được xem là một công cụ chủ lực để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp trong tương lai. Xác định vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg (ngày 22/1/2008) phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng CNSH tại VN đến năm 2020”, trong đó nêu bật vai trò của ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, cụ thể là: Về cây nông nghiệp, tập trung nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gen (công nghệ chuyển gen và phương pháp chỉ thị phân tử) để tạo ra các giống cây trồng mới, cây trồng biến đổi gen có đặc tính nông học ưu việt khi ứng dụng rộng rãi công nghệ cao sẽ tối ưu hóa năng suất, chất lượng cây trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.