| Hotline: 0983.970.780

Không thể để mất niềm tin trong nhân dân

Chủ Nhật 03/02/2019 , 08:30 (GMT+7)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nói với bạn đọc KTGĐ rằng, mỗi người chúng ta nên khắc cốt ghi tâm lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

327138218085982
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước


Đánh đến đâu tâm phục khẩu phục đến đó

Ông Thước nhấn mạnh, chính sự chuẩn bị cả về bài học kinh nghiệm sau những vụ việc nhỏ được xử lý rút ra làm bài học đến việc cũng cố lực lượng, tạo thế trận lòng dân, Đảng đã có những quyết định táo bạo, mạnh mẽ và rất đúng với phương châm đánh chắc, thắng chắc.

Như Trung tướng nhận định trên, phải chăng Đảng ta đang tiếp nối truyền thống của các bậc tiền nhân trong nghệ thuật đấu tranh cách mạng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ vì mục tiêu chung: dân tộc trường tồn, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc?

Đúng như vậy. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất quán quan điểm trước Trung ương và nhân dân rằng, cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc. Còn ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.

Cứ mỗi lần ngẫm lại lời nói ấy, tôi nhận ra rằng, đây chính là thời cơ chín muồi cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chỉ dấu ở đây là đường hướng rất rõ ràng, mạch lạc, xuyên suốt. Có quyết tâm ắt sẽ thành công.

Chúng ta cùng nhìn lại mà xem, cuộc đấu tranh chống tham nhũng Đảng ta đã phát động nhiều nhiệm kỳ rồi. Nhưng càng đấu tranh thì tham nhũng càng bùng nổ. Như thế là ngược đời. Đánh nó mà nó lại càng đẻ thêm là vô lý. Kỳ thực trước đây người ta nói mà không làm và làm không đến nơi đến chốn.

Đến Đại hội XII, sau cả một quá trình, Bộ Chính trị và BCH Trung ương đã có sự chuẩn bị lực lượng, thế trận và thời cơ chín muồi thì ngọn cờ chống tham nhũng phất lên và đánh đâu là tâm phục khẩu phục đến đó.

Bằng chứng là từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi BCH Trung ương.

Với quan điểm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, Đảng đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.

Rõ ràng đây là lúc Đảng ta kiên quyết hành động, thanh lọc trong sạch bộ máy lãnh đạo để nhận thấy những người tốt mà bồi dưỡng. Cuộc đấu tranh này không chỉ làm trong sạch bộ máy nhiệm kỳ XII mà còn là tiền đề để Đảng loại trừ một cách quyết liệt những phần tử thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy; sàng lọc tiếp, phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng cho một BCH Trung ương khóa XIII thực sự trong sạch, vững mạnh.
 

Đau đớn nhưng phải chấp nhận

Cuộc đấu tranh này là cực kỳ gian khổ như lời Tổng Bí thư nói là như đánh vào chính mình. Vị tướng từng kinh qua nhiều trận mạc, khi thời bình ông tham gia tích cực vào xây dựng Đảng. Trước những vụ việc đưa ra ánh sáng như vậy, ông có bất ngờ không và có cảm giác đau xót không?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Xử lý cán bộ thật đau lòng song vì sự nghiêm của kỷ luật đảng, chúng ta phải làm và sẽ tiếp tục làm”…

Đau xót thì có, còn bất ngờ thì không. Nếu không lôi cổ được những kẻ đầu sỏ, những tên quan lại tham ô ăn tàn phá hoại như thế ra ánh sáng để trừng trị, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước mà củng cố thế trận lòng dân thì như thế mới thực sự bất ngờ. Chứ làm được như những gì Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong trong cuộc chống tham nhũng trong 3 năm qua thì đó là một chỉ dấu tích cực cho việc Đảng đã nói là làm và sẽ quyết tâm làm đến nơi đến chốn.

Tôi có niềm rất lớn ở Đảng, ở người đứng đầu của Đảng ta hiện nay rằng, ai nhụt chí trong cuộc chiến này thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Tin tưởng quyết tâm cao độ đó để thấy rằng, Đảng đang làm tất cả để bảo vệ chế độ, xây dựng Đảng ta thực sự ngày càng trong sạch vững mạnh, giữ vững uy tín và niềm tin trong nhân dân và trước Quốc tế.

Nhưng thắng lợi đó phải trả giá bằng một sự đau đớn. Đau đớn đó phải chấp nhận vì tội lỗi do buông lỏng quản lý của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ qua. Bây giờ thấy được rồi thì phải kiên quyết lôi nó ra và hãy xem như một vết cắt trong nội tại của mình. Đánh địch trong nội bộ của mình, địch nhưng mà là ta. Mà ta không phải là loại lèm nhèm, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, là Bộ trưởng, là Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy, là Thượng tướng, là Thứ trưởng Bộ Công an…

Đau lắm chứ nhưng cũng phải chấp nhận cắt bỏ để không bị đau đớn hơn nữa, không để mất niềm tin trong nhân dân và sụp đổ chế độ này. Chúng ta đề phòng và kiên quyết bác bỏ những âm mưu, luận điệu sai trái của các phần tử xấu, thù địch xuyên tạc những việc làm chính đáng của Đảng ta để kích động, hòng chia rẽ nội bộ.
 

Tham nhũng len vào mọi ngóc ngách

Thưa Trung tướng, thực tế các mắt xích nó chằng chéo vào nhau, càng lên cao lợi ích càng lớn thì chúng ta càng nhiều khó khăn. Ông có liên tưởng như thế nào trong các trận đánh của thời chiến chúng ta đã bày binh bố trận như thế nàomà thọc sâu được vào lòng địch để lôi được tên đầu sỏ? Ông có hiến kế gì cho Đảng trong cuộc chiến này?

Tham nhũng len vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội, ngóc ngách bộ máy từ địa phương đến trung ương. Nhiều người nói tham nhũng đã hình thành các nhóm lợi ích, theo tôi nói nhóm là chưa đủ. Nói nghiêm túc là nó đã hình thành các tập đoàn mafia, tức là tham nhũng có ngay trong người và cơ quan chống tham nhũng. Kinh chưa?

1-47808180858952“Nói nghiêm túc là tham nhũng đã hình thành các tập đoàn mafia” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Các vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Trung ương Đảng xử lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, truy tố xét xử thì dễ thấy tính chất nó như mafia rồi. Các mắt xích trên dưới, ngang dọc nó đan xen ngay trong các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước. Các tập đoàn kinh tế lớn, ngân hàng bị xử lý vừa qua đều có sự nhúng tay của nhiều cán bộ cao cấp.

Chúng len lỏi và nham hiểm như thế thì làm sao chúng ta có thể làm nhanh được. Vì thế, không thể húc đầu vào nó được ngay mà phải là đánh đâu, thắng đó, phải là nghệ thuật, phương sách để đấu tranh giành thắng lợi, lôi ra ánh sáng những tên tội phạm nguy hiểm để trừng trị đích đáng.

Có được kết quả này, phải có một bộ máy tham mưu giúp việc công tâm, có năng lực trình độ cao.

Chúng tôi khi đánh trận thì phải có bộ tham mưu đọc được trận đấu, biết được địch ở đâu, ta ở đâu, tương quan lực lượng như nào mà chuẩn bị phương án tác chiến. Trước đây địch - ta rất rõ ràng. Còn bây giờ là trong địch có ta, trong ta có địch nên rất khó. Tài năng của Bộ Chính trị, BCH Trung ương là phải sàng lọc đánh địch mà không làm sụp đổ chế độ.

Đảng phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Không có sự kiện nào mà che mắt được hàng triệu nhân dân đâu. Không phải dân không biết, nếu Đảng không bảo vệ được dân thì dân sẽ không dám tố cáo. Lâu nay nhiều vụ án lớn đều do dân phát hiện, báo chí lên tiếng. Cho nên gắn bó giữa Đảng với nhân dân trong bối cảnh này là cực kỳ quan trọng.
 

Thiếu giáo dục, giám sát dẫn đến cán bộ hư hỏng

Thưa Trung tướng, không hiểu sao trước đây có những người có lý tưởng rất cao đẹp, tuổi trẻ tài cao, say mê cống hiến. Vậy vì cái gì mà khi vào các vị trí cao cấp lại hư hỏng?

Đại bộ phận những người sa vào pháp luật, phần lớn được đào tạo, rèn luyện từ các phong trào địa phương, đoàn thể mà lên. Lúc đầu họ có bầu nhiệt huyết và say mê cống hiến như sức trẻ anh nói. Song đến khi có chức cao thì họ sa vào những tội lỗi. Tôi cho rằng, cái này có trách nhiệm rất lớn của công tác tổ chức cán bộ, trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng, giám sát của Đảng của bộ máy nhà nước. Chính vì việc thờ ơ, coi thường cảnh báo của đồng chí tốt trong Đảng, sự mách bảo của nhân dân, báo chí, dần dần họ tha hóa trước sức mạnh của đồng tiền dẫn đến sa ngã.

Một cán bộ có sai, tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm, không thể vô trách nhiệm được. Chọn người tốt ra rồi không phải sẽ tốt mãi, nếu bỏ lỏng chức năng giám sát, thiếu đào tạo, bồi dưỡng thì rất dễ sa ngã. Muốn có cán bộ tốt được bền lâu thì phải làm tốt việc giám sát quyền lực. Trước những suy nghĩ sai lầm của cán bộ mà kịp thời chỉ bảo, uấn nắn thì họ sẽ phục thiện. Ông Đinh La Thăng lúc trẻ là một người tốt, một cán bộ đoàn năng động nhưng tổ chức Đảng đã buông lỏng quản lý, thiếu giáo dục, giám sát nên dẫn đến cán bộ này hư hỏng.

Vì thế, mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật

Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi BCH Trung ương, có một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật và đang chấp hành án tù.

 

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.