| Hotline: 0983.970.780

Không thể để thị trường đất đai trôi nổi

Thứ Sáu 13/04/2018 , 13:30 (GMT+7)

Các nhà tư bản, các doanh nghiệp lớn lợi dụng những kẽ hở tìm cách lấy đất chỗ này, chỗ nọ. Từ đất nông nghiệp, đất ruộng, đến những khu đất vàng đô thị...

Các tập đoàn kinh tế đang ra sức thâu tóm đất đai. Tại một số địa phương, doanh nghiệp chỉ việc vẽ lên dự án sử dụng hàng trăm hecta đất. Còn việc chấp thuận đầu tư cũng như giao quyền sử dụng đất sẽ có một bộ phận tham mưu đắc lực cho các cán bộ lãnh đạo kí duyệt, rất "đúng quy trình"!

Như NNVN phản ánh, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đổ xô về các địa phương để thao túng những lô đất vàng hay đầu cơ thâu tóm hàng trăm, hàng ngàn hecta đất núp dưới danh nghĩa thực hiện dự án ưu đãi đầu tư. GS.TS Nguyễn Văn Song (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trao đổi cùng PV vấn đề này.

17-16-06_20180412_145442
GS.TS Nguyễn Văn Song

Dưới góc nhìn của một nhà phân tích kinh tế, giáo sư đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Người ta tìm mọi cách mua cái gọi là "đất công" rất rẻ để bán ra thị trường với giá rất cao.

Các nhà tư bản, các doanh nghiệp lớn lợi dụng những kẽ hở tìm cách lấy đất chỗ này, chỗ nọ. Từ đất nông nghiệp, đất ruộng, đến những khu đất vàng đô thị. Ở đấy không có thị trường đất đai đúng nghĩa. Doanh nghiệp có thể bỏ ra một khoản tiền rất lớn để “bôi trơn”, để tìm đủ mọi cách định giá đất ở mức có lợi nhất cho họ. Thường là mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực.

Đó là sự thông đồng giữa doanh nghiệp và những người có quyền quyết định giá đất. Sự thông đồng nhằm mục đích trục lợi. Lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân từ đất đai rất nhiều. Điều này cũng phần nào lý giải hiện tượng tại sao quan chức một số tỉnh giàu lên nhanh như thế. Không có gì “kinh doanh” nhanh giàu bằng việc trục lợi từ đất đai.

Ở một nơi người dân hỏi tôi: Tại sao đất chỗ này trước đây xây dựng hết cả trăm tỷ đồng, giá thực thì phải đến nghìn tỷ, bây giờ giao cho doanh nghiệp chỉ 80 tỷ thôi. Tôi nói là doanh nghiệp còn phải chi ra nhiều hơn nhiều nữa đấy nhưng họ vẫn có lợi. Họ thông đồng nhau, kiếm chác. Nhiều mảnh đất vàng bị xâu xé, rơi vào tay những nhà tư bản lớn.

Vì thị trường đất đai đang có sự can thiệp của những người có quyền. Sự định đoạt đó khiến thị trường trở nên méo mó, biến dạng. Nó đã và đang gây ra những khúc mắc lớn trong xã hội.

Theo ý của giáo sư, tức là do chúng ta không có một thị trường đất đai lành mạnh nên các doanh nghiệp và một nhóm cá nhân quyền lực đang lợi dụng kẽ hở này để trục lợi?

Đúng vậy. Có thể thấy rằng, ở rất nhiều nơi thực tế này đang cực kỳ phổ biến. Chúng ta luôn nói rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, nhưng ai có quyền quyết định thu hồi đất, quyết định giá đất? Thực tế rõ ràng không phải người dân mà là những người đứng đầu các địa phương, những người có quyền. Nếu người dân có quyền sở hữu thì họ phải có quyền định đoạt, định giá. Chỉ khi người dân định đoạt cho giá trị của từng mảnh đất, mới là khách quan, lúc ấy mới thực sự là thị trường. Còn hiện nay, tôi cho rằng giá đất được thẩm định không phải do thị trường quyết định mà có những sự thao túng, can thiệp.

Vậy muốn có một thị trường đất đai đúng nghĩa cần phải làm gì?

Chúng ta chưa hình thành khái niệm thị trường đất đai đúng nghĩa hoặc chưa thể gọi khái niệm ấy bởi vì sự méo mó, không minh bạch của nó. Muốn có một thị trường đất đai đúng nghĩa thì cần những yếu tố như quyền sở hữu đất đai phải rõ ràng, giá đất được thẩm định và công bố sát với thực tế, tạo nên sự cân bằng.

Nói cách khác, phải minh bạch hóa thị trường đất đai, để tự thị trường điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường. Thị trường minh bạch sẽ dẫn đất đai đến với những người làm ăn thật sự hiệu quả. Không thể để thị trường đất đai trôi nổi theo cơ chế chính trị. Bởi thực tế ấy đã dẫn đến lợi ích nhóm. Lợi ích từ đất đai không rơi vào người dân, không rơi vào nhà nước mà rơi vào những người có quyền định đoạt, rơi vào những người ngồi phòng lạnh và nhóm lợi ích đứng sau đó điều khiển giá thị trường đất đai.

Khi giao hàng nghìn hecta đất cho doanh nghiệp, chính quyền có lý do đặt kì vọng các tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ trở thành đầu tàu dẫn dắt người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, sau khi “khoanh” hàng trăm hecta đất dưới danh nghĩa đầu tư nông nghiệp dường như các tập đoàn kinh tế vẫn đang chờ đợi một điều gì đó. Liệu các tập đoàn này có thực sự dẫn dắt nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp hay không?

Ai là người dẫn dắt nông dân trong cơ chế thị trường? Đương nhiên không thể là chính quyền và về nguyên tắc chính quyền đừng làm thay dân. Cũng không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự muốn đầu tư vào nông nghiệp. Tôi không bàn tới động cơ của các doanh nghiệp thâu tóm đất. Nhưng sự thật rõ ràng là chỉ có những người nông dân, những ông chủ trang trại thực sự mới có ước muốn đầu tư phát triển trên mảnh đất của mình. Nếu người nông dân được tạo điều kiện đúng mức chính họ sẽ tự phát triển lớn mạnh. Nhưng hiện nay người nông dân đang phải đối mặt với quá nhiều trở ngại về quyền sử dụng đất, quyền tài sản hay vấn đề hạn điền. Rất nhiều trang trại có quy mô lớn nhưng không có nghĩa là chủ trang trại được quyền sở hữu diện tích đất đó. Anh ta chỉ là người tập hợp nhiều quyền sử dụng đất lại với nhau mà thôi. Thế nên anh ta không thể tập trung đầu tư dài hạn mà chỉ là ngắn hạn, bắt buộc phải bóc lột đất đai nhiều hơn.

Hay như một số phong trào xây dựng các cánh đồng mà chúng ta đang hô hào hiện nay. Theo tôi đó thực chất vẫn là cách làm hớt ngọn. Nếu tôi được mua cánh đồng đó, có quyền sở hữu cánh đồng đó thì tôi sẽ làm khác. Đằng này tôi làm nhưng đất vẫn thuộc về người khác. Rồi còn mức hạn điền, rồi thời hạn giao đất và rất nhiều những rào cản về đất đai khác khiến nhiều cánh đồng chưa thể lớn thực sự được.

Vấn đề này còn gây trở ngại trong việc tạo vốn cho người nông dân phát triển sản xuất. Một người tập hợp quyền sử dụng đất không thể mang tất cả “sổ đỏ” của nhiều người khác để đi vay ngân hàng với thời hạn lâu dài, với số tiền lớn được. Nói cách khác, không thể dựa vào quyền sử dụng đất (như hiện tại) để tạo vốn, để vay ngân hàng đầu tư sản xuất kinh doanh được.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, vẫn chưa thể gọi là "bán đất" mà đơn thuần chỉ là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đất đai chưa phải là tài sản thật sự để người nông dân có quyền định đoạt.

Theo giáo sư, làm thế nào để người nông dân có thể giữ được đất canh tác và tự tạo dựng sự nghiệp thay vì dần mất đi tư liệu sản xuất trong làn sóng thâu tóm của các tập đoàn?

Vấn đề cốt lõi, tiên quyết trước khi bàn về những vấn đề khác là quyền tài sản đối với đất. Tôi chưa bàn đến quyền sở hữu vì vấn đề này còn khá xa nhưng muốn phát triển kinh tế nông nghiệp thì người sử dụng đất cần phải có nhiều quyền hơn nữa, ít nhất là quyền tài sản để họ dễ dàng thế chấp vay vốn, mua bán, chuyển nhượng.

Chỉ khi người nông dân có "quyền tài sản" đối với đất họ mới toàn quyền định đoạt giá trị của mảnh đất đó. Khi ấy doanh nghiệp muốn mua, bán, trao đổi phải theo giá thị trường. Sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp “khoanh” hàng trăm hecta đất để hoang, quá lãng phí.

Mặt khác, nếu như có quyền tài sản đối với đất người nông dân sẽ thay đổi cách đầu tư khai thác giá trị của đất. Họ cũng có điều kiện để tạo nguồn vốn đầu tư bằng chính giá trị của đất… từ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của chính họ và cho xã hội.

Xin cảm ơn giáo sư!

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.