| Hotline: 0983.970.780

Không thể khoán trắng cho dân

Thứ Năm 13/06/2013 , 10:00 (GMT+7)

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng, cách quản lý di tích theo kiểu “khoán trắng” cho dân đang mở đường cho việc “phá hoại” di sản.

Những hiện tượng vi phạm di tích như dư chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế, làng cổ Đường Lâm… mà dư luận phản ánh vừa qua là do việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa ở địa phương còn chưa nghiêm.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng cho rằng, cách quản lý di tích theo kiểu “khoán trắng” cho dân đang mở đường cho việc “phá hoại” di sản.

Nhiều di tích còn lộn xộn

Việt Nam đã tiến hành kiểm kê được khoảng 4 vạn di sản, di tích; trong đó, có 7 di sản vật thể được UNESCO vinh danh; 34 di tích quốc gia đặc biệt... Bộ VHTTDL cùng với các địa phương thường xuyên tiến hành quyết liệt các biện pháp ngăn chặn xâm hại di tích; huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích thông qua dự án chống xuống cấp, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa...

Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa ở một số địa phương vẫn còn chưa nghiêm; một số vụ việc vi phạm đã được báo chí và người dân phản ánh như trường hợp chùa Trăm gian, đình Ngu Nhuế...


Đình Ngu Nhuế mới

Mô hình quản lý di tích cũng còn nhiều bất cập; trong đó, việc quản lý nguồn thu, tiền công đức cũng như giải quyết vấn đề giữa bảo tồn di tích với xây dựng công trình mới đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, đặc biệt là khi tham gia lễ hội của một bộ phận người dân còn thấp. Số lượng người đi lễ ngày càng đông, một số người đi lễ còn xả rác bừa bãi, đặt tiền lễ tùy tiện...

Để xảy ra những hiện tượng này, theo các nhà nghiên cứu, một phần là do mô hình quản lý chưa thống nhất, nhiều địa phương còn khoán trắng cho dân. Trong khi đó, các cơ quan quản lý di tích chỉ làm công tác hậu kiểm. Điều này góp phần “giết” di tích một cách nhanh nhất.

Giao con cá hay giao cần câu?

Giao di tích cho người dân là giao con cá, còn giáo dục ý thức bảo vệ di sản cho người dân chính là giao cần câu cá. Đây là quan điểm của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu về di tích.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: “Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, có ba yếu tố là ý thức của người dân, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý. Hiện nay, chúng ta đang trông chờ quá nhiều vào ý thức của người dân mà không trang bị kiến thức về di sản cho họ. Chúng ta có hai cái yếu đang phá hoại di sản đó là thiếu ý thức về di sản và tri thức về di sản. Vai trò của các cấp quản lý di sản ở địa phương cần được phát huy hơn nữa trong việc trang bị kiến thức cho người dân”.

Lấy ví dụ về việc hàng ngàn người hát quan họ đồng ca, GS Thịnh cho rằng, người dân rất nhiệt tình, nhưng không hề biết nhiệt tình không đúng là phá hoại di sản. Điều này cũng đúng với các trường hợp di tích hỏng, xuống cấp, người dân cứ huy động được kinh phí là dỡ ra xây mới mà không biết là phạm Luật Di sản. Bởi vậy, cần thiết nhất là trang bị kiến thức cho người dân.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khẳng định, xu hướng của thế giới là nâng tính chuyên nghiệp của bảo tồn di sản. Ví dụ như Cục Văn vật của Trung Quốc không thuộc Bộ mà trực thuộc Chính phủ, tầm cao hơn một bậc. Tại nhiều nước trên thế giới thì một số di tích lớn của họ đều thuộc sự quản lý trực tiếp từ trung ương.

Vậy nên chăng chúng ta nghiên cứu, đề nghị đưa thẩm quyền của Cục Di sản cao hơn nữa.

Đáng tiếc, thiếu tri thức về di sản không chỉ từ người dân mà còn ở các nhà quản lý. GS Trần Lâm Biền đặt vấn đề: “Tại sao xảy ra quá nhiều vụ việc sai trái trong bảo tồn di sản, đó là vì cả người dân, cả cán bộ quản lý đều ít hiểu về di sản. Những người trông nom, tu bổ di tích cũng vậy, họ hiểu về di sản ít quá, gắn bó với di sản ít quá thì khó có thể bảo vệ di sản một cách kỹ lưỡng được!”.

PGS. TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cũng đồng quan điểm này. Ông Bài cho rằng: “Phải nhất thể hóa quản lý, không phân chia quản lý như hiện nay. Đặc biệt, phải thống nhất các kế hoạch quản lý, phải có chương trình hành động, quy hoạch bảo tồn, có báo cáo hằng năm và chất vấn. Đây là mô hình quản lý được xây dựng ở hàng trăm nước trên thế giới vì vậy, chúng ta cũng nên nghiên cứu.

Ở nước ta, di sản thế giới nên theo mô hình UNESCO, di tích làng xã thì giao cho cộng đồng. Nên có cơ chế giám sát cộng đồng đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, đầu tư công phải trở thành động lực thức đẩy chứ không nhân danh Nhà nước rồi giao trắng cho dân thực hiện xã hội hóa như hiện nay”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất