| Hotline: 0983.970.780

Không thể ngờ mực nước sông Hồng quá thấp

Thứ Ba 09/11/2010 , 08:48 (GMT+7)

Chúng tôi làm một cuộc hành trình từ thượng nguồn sông Đáy mới. Bây giờ chưa phải là thời điểm nước cạn nhưng ở cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, nơi con sông Hồng đổ vào sông Đáy những cánh cửa thép khổng lồ đã bị đóng im ỉm. Bên ngoài, cửa sông bị bồi lấp đầy phù sa, chỉ còn là một vùng nước tù đọng.

Chúng tôi làm một cuộc hành trình từ thượng nguồn sông Đáy mới. Bây giờ chưa phải là thời điểm nước cạn nhưng ở cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, nơi con sông Hồng đổ vào sông Đáy những cánh cửa thép khổng lồ đã bị đóng im ỉm. Bên ngoài, cửa sông bị bồi lấp đầy phù sa, chỉ còn là một vùng nước tù đọng.

>> Hàng trăm tỉ... đưa tiễn một dòng sông

Anh Trần Văn Ninh - Phó phòng Quản lý vận hành công trình Vân Cốc - Cẩm Đình cho biết công trình được bàn giao năm 2008. “Cốt của hệ thống sông Đáy mới là dương 3m tức nước sông Hồng phải trên 3m mới vào được nhưng năm 2009 mực nước sông Hồng ở mức dưới dương 3m mất nửa tháng trời nên nước không thể chảy vào. Hiện tại mực nước sông Hồng là 5m40 nhưng chúng tôi vẫn phải đóng cửa cống lại vì nếu không nước trong sông Đáy sẽ chảy ra. Đa số thời gian vận hành phải đóng cống để giữ nước cho nông nghiệp. Trong thiết kế công trình có đủ chỗ cho tàu 200 tấn vào ra nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy có tàu to cả mà thỉnh thoảng mới có thuyền nhỏ đi lại trong kênh còn đa số đóng cửa cống không thể vào được". 

Trạm bơm Xuân Phú 19 tỉ vừa làm xong đã hỏng, phải lắp máy dã chiến

Cách đó chừng dăm trăm mét là trạm bơm Xuân Phú đồ sộ - công trình “ăn theo” nguồn sinh thủy của sông Đáy mới. Đập vào mắt tôi là một hệ thống 6 máy bơm dã chiến bò ngoằn nghèo đổ vào hệ thống trong khi tréo nghoe rằng chính ở trạm, 5 máy bơm vô cùng tối tân lại bị treo, nằm phủ bụi. Anh Vũ Thanh Xuân - Tổ trưởng Trạm bơm Xuân Phú kể 4 tổ máy lắp và một tổ dự phòng bỗng nhiên lăn quay ra chết với một triệu chứng bệnh là đang vận hành bình thường, át tô mát hệ thống nhảy vậy là chết.

Chúng cứ chết từng con một, đến khi cho chiếc máy dự phòng xuống một thời gian ngắn cũng chết nốt. Đơn vị đã phải lắp máy dã chiến từ tháng 7/2010. Trạm bơm này phục vụ 9 xã ven bãi của huyện Phúc Thọ nhưng hay hỏng khiến trạm dã chiến Xuân Phú 1 có 10 máy không đủ lượng nước bơm đành phải “tăng bo” 6 máy xuống đây. Năm ngoái khi 4 máy bơm của Thụy Điển chưa chết cũng phải treo máy toàn phần vì mực nước xuống dưới dương 3m trong khi hệ thống chỉ hoạt động ở mức 4,5m.

Sau khi máy hỏng rồi cũng có nhiều chuyên gia đến xem xét tuy nhiên phương án sửa chữa thế nào vẫn chưa có đành vẫn phải dùng bơm dã chiến. Là người sát sao nhất mực nước lên xuống của sông Đáy mới để tính toán bơm nước, anh Xuân nhận xét, hệ thống này vào mùa lũ chỉ chảy được 2-3 tháng từ sông Hồng còn lại đa số thời gian phải đóng lại kẻo chảy tuốt tuột hết ra sông Hồng.

Khi trả lời chúng tôi, ông Bùi Quý Dương - Phó Giám đốc Ban Quản lý Công trình Phân lũ sông Đáy đơn vị được bàn giao vận hành hệ thống hồi sinh sông Đáy lại kể: “Năm 2009 chúng tôi mới được bàn giao toàn bộ gồm cống Hiệp Thuận, Cẩm Đình. Hệ thống kênh cũng mới nhận bàn giao trong khi một vài khối lượng chưa xong như còn mấy km đoạn cuối từ km 10 đến km 12 sạt lở phải chờ nước rút lại đào, chữa lại. 11 bãi thải cũng chưa có.  

Ông Bùi Quý Dương-Phó giám đốc Ban quản lý công trình phân lũ sông Đáy: "Tác dụng của công trình tuyệt vời"

Sở dĩ cần hệ thống bãi thải vì sông Đáy mới dẫn nước từ sông Hồng về đem theo rất nhiều phù sa gây bồi lắng con kênh. Muốn cho con kênh dẫn nước được, hàng năm phải nạo vét, phải có nhiều bãi chứa bùn mới đảm bảo được lưu lượng nước chảy vào là 36m3/s còn không kênh sẽ bị lấp mất. Đáng nhẽ quy trình làm của 11 bãi thải này là huyện Phúc Thọ bàn giao cho Ban 401 thi công rồi giao cho chúng tôi vận hành nhưng huyện lại giao cho Cty Kim Thanh san lấp mặt bằng. San lấp xong, hệ thống này nằm gần vào vùng dự án biệt thự, sinh thái của Cty Kim Thanh nên họ muốn chây ì không chịu bàn giao cho chúng tôi.

Thêm nữa vi phạm trên tuyến kênh hiện xuất hiện rất nhiều như làm vó bè, trồng chuối, trồng dưa, bạch đàn, keo, cây lâu năm trên mái kênh, bờ kênh. Chúng tôi đã lập biên bản hết rồi gửi địa phương nhưng việc giải tỏa lại không thuộc thẩm quyền của chúng tôi mà của huyện Phúc Thọ. Trước tình trạng bị lấn đất bờ kênh chúng tôi cũng đã đề nghị phải cắm mốc phân giới công trình và đất của dân. Các cuộc họp phối hợp giữa công an huyện, UBND 11 xã mà công trình đi qua với đơn vị đều đi đến thống nhất phải cắm mốc. Mốc đã cắm rồi, đã bàn giao cho các xã rồi nhưng các xã cứ chần chừ…”. 

Anh Trần Văn Ninh: "Nếu mở cống, nước sông Đáy sẽ chảy ra sông Hồng ngay"

Về vấn đề xương sống, mấu chốt nhất là cao trình của sông Đáy mới gây bất bình dư luận, ông Dương bảo: “Chuyện công trình sống lại sông Đáy chúng tôi cũng nghe phản ánh nhiều nhất là từ các ông Chủ tịch xã nơi công trình đi qua, họ kêu ầm lên vì cống nó cao quá. Ở đầu hệ thống, họ thấy bồi lắng nhiều, chỉ có lạch con con chảy vào. Thực ra, bồi lắng mình phải nạo vét chứ tác dụng của hồi sinh sống Đáy là tuyệt vời, không có vấn đề gì cả, không phải như mọi người đàm tiếu... Giai đoạn 2 dự kiến mấy năm tới chúng ta sẽ lăn đê bên tả vào sát kênh, đào rộng ra tạo lòng sông mới lúc đó bỏ công trình phân lũ, chậm lũ chỉ con sông Đáy cấp nước cho mùa kiệt đồng thời dẫn lũ vào mùa lũ và dẫn liên tục ở mức bình thường ở mức 700m3/s, cao nhất là 2.500m3/s. Nguồn dẫn từ sông Hồng về biển qua sông Đáy được sống lại”.

+ Hôm nay 9/11, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Hoàng Văn Thắng sẽ cùng các cơ quan chuyên môn đi kiểm tra hiệu quả công trình sông Đáy.

+ Một chuyên gia thủy lợi xin được giấu tên cho rằng mực nước sông Hồng ở thời điểm khảo sát công trình sống lại sông Đáy khác, bây giờ khác: “Sông Hồng bây giờ bị nạn hút cát bừa bãi nhất là những đô thị khổng lồ như Hà Nội nên mực nước tụt xuống rất nhiều. Hàng loạt các công trình thủy điện, hồ chứa lớn ở phía trên cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sinh thủy. Ở thượng nguồn sông Hồng phía sát TQ, người dân sở tại chứng kiến có lúc nước dâng rồi rút trong một ngày đến 4-5m trong khi không hề có mưa chứng tỏ hồ đập bên đó xả lượng rất lớn và họ trữ nước thế nào ta cũng không sao khảo sát được. Tất cả những nguyên nhân đó khiến cho cốt đáy của sông Đáy mới chỉ mấy năm đã không thể lấy được nước từ sông Hồng vào nhiều như thiết kế”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.