| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 21/10/2018 , 07:48 (GMT+7)

07:48 - 21/10/2018

Không thể nói khác, đó là: Một cái tát!

Một lão nông suốt gần 4 năm ròng kiên trì trên hành trình tố cáo sai phạm nhà thầu tại gói thầu A3 của dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Trong cuộc hành trình này, dù từng bị đe doạ, từng có người đến tận nhà đòi giết, thế nhưng, điều mà người đàn ông ấy – ông Phạm Tấn Lực (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mong mỏi chỉ là sự lắng nghe của các đơn vị chức năng.

Ông Lực vốn là bảo vệ tại gói thầu này, nhận thấy đơn vị thi công dùng loại đất không đảm bảo để đắp nền đường và sau nhiều lần phản ánh trực tiếp với các kỹ sư trên công trường nhưng bị bỏ ngoài tai, ông Lực quyết định nghỉ việc “vì cho rằng không thể nhận lương để làm ngơ với sai phạm”.

Câu chuyện này, dù sao cũng chỉ mới từ một phía kể lại, nhưng qua phản ánh của tác giả Quốc Triều trong bài viết đăng ngày 20/10 trên Dân trí, người viết vẫn tin vào sự chân thật của ông Lực – một con người giàu lòng tự trọng, giàu nghĩa khí và có trách nhiệm với cộng đồng.

Tâm lý thông thường, im lặng vẫn luôn là lựa chọn được cho là khôn ngoan, nhất là với những người yếu thế. Họ chẳng việc gì lên tiếng để chuốc lấy phiền phức, rắc rối vào mình. “Ốc chẳng mang nổi mình ốc, ốc còn làm cọc cho rêu”, cuộc sống mưu sinh vốn đã nhiều vất vả, ai còn hơi sức đâu lo chuyện bao đồng.

Tuy nhiên, ông Lực lại ngược lại, lựa chọn cái việc “vác tù và hàng tổng” chẳng những không được trả công mà còn phải xin tiền vợ con để phục vụ cho công việc đó.

“Nhiều người nói tôi làm không công, đã nghèo còn muốn làm anh hùng nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi muốn những việc làm sai trái được kiểm tra, xử lý. Tôi từng bị đe dọa, có người đã đến tận nhà đòi giết. Những gì tôi nói tôi chịu trách nhiệm, tôi chỉ mong các đơn vị chức năng lắng nghe” – ông nói với phóng viên Dân trí như vậy.

Lần theo đơn thư của ông Lực, nhiều cơ quan báo chí đã điều tra và phản ánh một số việc làm gian dối của đơn vị thi công. Trên cơ sở đó, BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã vào cuộc kiểm tra và quyết định “trảm” Giám đốc thi công của nhà thầu Giang Tô vì có sai phạm.

Tuy vậy, câu chuyện vẫn chưa dừng lại. Lão nông ấy vẫn trăn trở, vẫn canh cánh với chất lượng của những đoạn đường chạy qua quê hương mình. Và hành trình “đòi chân lý” của Phạm Tấn Lực vẫn kéo dài…

Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc BQL Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nói với phóng viên rằng, một số kiến nghị, phản ánh của ông Phạm Tấn Lực đã được xem xét, kiểm tra và có phản hồi. Những phản ánh của ông Lực có thể về mặt hiện tượng là đúng, tuy nhiên do ông Lực không đưa ra được giải pháp nên ông Thành đánh giá thông tin đó “không được toàn diện”.

Người viết cho đây chẳng khác gì “gáo nước lạnh” mà một người có trách nhiệm dội vào những nỗ lực của một người “không có phận sự” như lão nông kia, vốn mục đích cuối cùng cũng chỉ là vì chất lượng công trình chung. Người ta đã chỉ ra hiện tượng đúng rồi, nhẽ ra BQL dự án này phải tự vấn về trách nhiệm của mình ở đâu trong suốt quá trình giám sát, nghiệm thu công trình, chứ còn đòi hỏi ở một lão nông đưa ra giải pháp cho toàn diện về mặt thông tin thì thật tình… (!)

Ngẫm lại thấy những năm gần đây, xã hội đang trông chờ vào các Lục Vân Tiên thời hiện đại, từ chuyện săn bắt cướp đến tố cáo tiêu cực, chống tham nhũng… Chuyện tưởng đáng mừng mà thật sự đáng lo!

Nếu không có những người “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” ấy, chẳng lẽ sai phạm vẫn cứ tồn tại đương nhiên và nhởn nhơ trong xã hội? Sự xuất hiện của những “Lục Vân Tiên”, ở góc độ nào đó, là cái tát vào liêm sỉ và tự trọng của những người có trách nhiệm.

Có phải vì tiêu cực nhiều quá mà các cơ quan thanh tra, giám sát, các đơn vị chức năng làm không xuể, hay vì lý do nào khác mà chức năng đó bị “vô hiệu hoá”?!