| Hotline: 0983.970.780

Không thể quay lưng với hạt lúa, củ khoai

Thứ Tư 02/02/2011 , 08:18 (GMT+7)

Người ta bảo ông là "thân làm tội đời", sống mẫu mực, tôi thì ngờ rằng ông sợ cái sự cám dỗ của một vị quan thời buổi này nên phải ở với dân, gần dân để họ giám sát mình, để mình luôn được nhắc nhở là không làm sai...

ĐBQH Vũ Quang Hải, Trưởng Đoàn ĐBQH Hưng Yên

ĐBQH Vũ Quang Hải, Trưởng Đoàn ĐBQH Hưng Yên, với những chất vấn, kiến nghị thẳng thắn và có những lúc gay gắt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên diễn đàn Quốc hội, không còn xa lạ với người dân cả nước. Vậy nhưng, mỗi lần kết thúc một kỳ họp ông đều nói với tôi: “Tiếc là mình chưa thể nói hết được”.

Quan Trung ương sống ở làng

Còn nhớ, trong giờ giải lao của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, tôi có hỏi một ĐBQH một tỉnh ĐBSH: Nông dân ĐBSH đang nghĩ gì? ĐB này trầm tư vài giây, nói: “Cậu sang hỏi anh Hải. Từ ngày anh ấy làm cán bộ đến khi làm Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên vẫn sống ở một làng thuần nông nghèo thuộc huyện Kim Động, vợ vẫn trồng lúa, làm vụ đông, ắt sẽ cảm nhận được chính xác người nông dân đang nghĩ gì”. Ở cái chức Chủ tịch, Bí thư Huyện ủy, rồi Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, ông cũng như nhiều người có chức quyền khác, có rất nhiều cơ hội để sống ở TP. Hưng Yên, hay ít ra cũng là thị trấn Kim Động vì ở đó nó mới xứng tầm với một...ông quan lớn, nhưng ông không làm vậy. Có người bảo ông “thân làm tội đời”. Sao ông phải khổ thế? ĐHBQ Vũ Quang Hải tâm sự:

Có anh em nói với tôi, quan huyện thì phải ở huyện, quan tỉnh phải ở tỉnh để có điều kiện… anh em gần gũi, sao anh quan Trung ương mà cứ ở làng mãi vậy? Tôi bảo, ở làng, tôi có không làm được việc đâu? Cơm ngon ở làng, canh, cà, gà, rau, tương, rượu ngon cũng ở làng, lên thành phố sống muốn kiếm những cái đó có dễ đâu, hay mỗi lần muốn ăn lại vác mặt về làng, nếu mà không giúp gì được cho làng, cho nông thôn thì chỉ có nước cúi mặt mà ăn thôi, vậy có sướng không?

Người ta bảo ông là "thân làm tội đời", sống mẫu mực, tôi thì ngờ rằng ông sợ cái sự cám dỗ của một vị quan thời buổi này nên phải ở với dân, gần dân để họ giám sát mình, để mình luôn được nhắc nhở là không làm sai...

Tôi đi lên từ một anh sửa chữa máy kéo trên đồng ruộng, đến Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy huyện ven sông Hồng- Kim Động. Chính vì ở làng nên tôi, gia đình tôi có điều kiện gần gũi với người dân nông thôn, hiểu được phần nào tâm tư tình cảm của họ. Thú thực là điều đó phần nào giúp tôi trở thành người cán bộ tốt, ít nhất là biết quan tâm đến nông dân, nông thôn trong mắt người dân. Và, sự thật là nông thôn đã cho tôi cảm xúc vô tận.

À mà hình như hễ nghe ông nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở bất cứ chỗ nào cũng thấy ông nhăn nhó, trăn trở...

Ở một huyện có trên 5.000 ha lúa, gần 2.000 ha cây mầu và là thu nhập chính của người dân buộc lãnh đạo phải tìm cách nào đó để nâng cao giá trị, tăng thu nhập. Tôi làm được nhiều cái, như cây vụ đông, lúa lai,… Nhưng có những cái thì làm không được như trồng ớt xuất khẩu. Ký hợp đồng rồi nhưng dân trồng không đủ, tiêu chuẩn không phù hợp, DN không tiêu thụ nữa, huyện đành phải dồn toàn lực thu mua cho dân, mang về trụ sở UBND huyện xếp đống lên đấy rồi đóng xe chở đi biên giới Lạng Sơn tiêu thụ. Dân có thiệt thòi, nhưng thấy huyện làm hết trách nhiệm họ cũng cảm thông phần nào. Hay việc nuôi bò sữa theo phong trào năm 2002, ở huyện tôi không đến mức thất bại nặng nề nhưng cũng đẩy người dân vào khó khăn. 

Không thể quay lưng với hạt lúa, củ khoai

Năm 2008, khi nền kinh tế nước ta lâm vào suy thoái, người nông dân - đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội bị tổn thương nặng nề. Và khi đó, tôi còn nhớ, bài phát biểu của ông tại hội trường Quốc hội về giá cả đầu vào tăng chóng mặt, trong khi sản phẩm của nông dân không bán được, nghẹn ngào đổ đi như muốn ứa nước mắt...

Tôi tự hỏi, nếu suy thoái kéo dài thêm 1 hoặc 2 năm nữa không những sản phẩm của nông dân làm ra không bán được, giá cả mọi thứ tiếp tục tăng cao mà còn các NMSX cầm chừng, phá sản thì sẽ có bao nhiêu lao động là con em nông dân phải trở về quê hương; Và sẽ có bao nhiêu công nhân cố bám trụ lại đô thị để mưu sinh từ gánh hàng rong đến các quán massage, vũ trường và các dịch vụ khác với bao nhiêu cạm bẫy đang rình rập… Các cụ đã rất có lý khi nêu vấn đề “hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”…

Tôi biết Đảng, Nhà nước đã dự liệu cả, song không hiểu sao tôi vẫn thấy trách nhiệm mình phải lên tiếng ở diễn đàn Quốc hội, để tiếng nói của người dân phải đến được tất cả những người có trách nhiệm. Vì thế tại kỳ họp nào tôi cũng nói. Tất cả các ý kiến ấy dù rất nhỏ bé song tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Những hạt lúa, củ khoai đã nuôi mình thành người hôm nay không thể khi có bát ăn bát để lại coi nhẹ được, lại ngoảnh đi.

Gần đây Đảng đã có hẳn một nghị quyết cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

Đảng ta đã có Nghị quyết TƯ7. Rồi các Nghị định, chương trình, đề án quốc gia đã tạo ra một hành lang cần thiết cho “Tam nông” phát triển. Nhưng thực tiễn diễn ra có phần chậm chạp hơn mong muốn. Có lẽ cái khó nhất là phát triển “Tam nông” trong cơ chế thị trường. Đã phát triển trong cơ chế thị trường thì cơ chế nào sẽ vận hành nó để chúng ta có sản xuất lớn? Tích tụ ruộng đất thế nào để không quay lại vấn đề người nông dân mất ruộng mà vẫn suy nghĩ chuyển đổi sản xuất lớn trên ngay quê hương của mình? Rất khó. Tôi cho rằng, nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa là xây dựng nông thôn mới với nền dân chủ đích thực là một bước đi phù hợp, nhưng phải có sự đầu tư xứng tầm và có hiệu quả.

Cái đáng làm nhất hiện nay

Có ý kiến cho rằng đầu tư chưa xứng tầm là do nguồn ngân sách còn eo hẹp, muốn lắm mà không được?

Do vậy vấn đề cho cái cần câu chính là phải tạo ra một cơ chế đủ sức hấp dẫn để vận hành nó theo cơ chế thị trường, để 3 nguồn đầu tư từ nhà nước, ngoài Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài chảy vào sản xuất lúa gạo, cao su, cà phê, cây công nghiệp, lâm nghiệp thương phẩm; Đầu tư vào chế biến và xuất khẩu để thúc đẩy sản xuất. Có như vậy, việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư mới mang lại hiệu quả cho nông nghiệp.

Đồng thời cũng giảm được lực hấp dẫn đầu tư đang có xu hướng chuyển đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản sang đầu tư các lĩnh vực khác có lợi nhuận cao hơn nhiều như: Khai thác tài nguyên, xuất khẩu tài nguyên thô, dịch vụ vận tải, viễn thông, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bất động sản, vật liệu xây dựng… Chứ như cơ chế chính sách hiện nay không khuyến khích được người ta.

Cứ cho là tới đây Nhà nước sẽ cho cái cần câu đủ sức hấp dẫn nhưng ai câu trong khi nông dân mình chịu thương chịu khó thật nhưng chuyện nghiệp thì chưa, sản xuất lớn thì chưa?

Đúng, với cơ chế vận hành theo cơ chế thị trường hiện nay thì cái thiếu của người nông dân đi dần vào sản xuất lớn là thiếu thông tin, thiếu kiến thức thị trường, thiếu sự liên kết, thiếu bàn tay của nhà quản lý, thiếu cái đầu của nhà khoa học. Do vậy, cùng với cho cái cần câu phải có sự đầu tư cho con người sản xuất hàng hóa. Đó chính là cái đáng làm cho nông dân nhất hiện nay.

Nhóm lợi ích, sự lấy đi và chênh lệch địa tô

Khi câu chuyện cái cần câu chưa được kiến giải đầy đủ, thì sự lấy đi của nông nghiệp nông thôn nông dân dường như đã quá lớn?

Giai đoạn 2000 - 2005, cứ mỗi năm có 74.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển sang đất công nghiệp dịch vụ. Bình quân giai đoạn 2005-2009 có thấp hơn song vẫn là con số đáng báo động về an ninh lương thực cho nhiều năm sau. Cộng với sự mất đất, là lao động việc làm cho người dân nông thôn, bài toán môi trường và chuyển đổi hậu công nghiệp. Tất cả đều chưa được giải quyết khoa học và hiệu quả. Ta thử đặt một câu hỏi lớn là nếu đem giá trị gia tăng thu được từ tăng trưởng GDP trừ đi các chi phí đó thì giá trị gia tăng đó còn lại bao nhiêu?

Vậy bản chất là gì thưa ông?

+ Tôi thật sự cảm động trước tấm lòng của ĐB Danh Út, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết và nhiều ĐBQH khác đã có nhiều lần đăng đàn vì một sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, thể hiện trách nhiệm lớn lao với nông thôn. Đó thực sự là những tiếng nói được cử tri gửi gắm, được họ mong đợi nói lên ở cái nơi mà họ trao quyền lực cho anh, đồng thời cũng là nơi tri ân với nông dân, nông thôn đã nuôi mình từ hạt lúa củ khoai. Có thể, các nhà quản lý nông nghiệp đã nghĩ xa hơn. Nhưng ở riêng tôi, nghĩ cái xa hơn phải bắt đầu từ cái gần hơn để không còn câu chuyện hết gạo chạy rông rồi mới nghĩ là nhất nông nhì sĩ… 

 + Ông bảo: “Cuộc đời ai cũng có một cái nợ, với tôi, tôi có một cái nợ với nông thôn. Gần 40 năm gắn với nông nghiệp nông thôn nông dân, đến tận bây giờ, chưa lúc nào tôi hết trăn trở. Trăn trở với nông thôn là bất tận".

Khi có nhiều khiếu kiện đông người thì mọi người hiểu bắt đầu nói rằng đó là khiếu kiện về chính sách. Vậy phải điều chỉnh. Điều chỉnh chính sách hướng đến công dân là một việc cần thiết của một nhà nước pháp quyền. Nhưng điều chỉnh chính sách ở đây là nhóm lợi ích điều chỉnh chính sách.

 Ta thử làm một bài toán nhỏ sau cái gọi là tái cơ cấu Vinasin. Đó là, nếu chỉ để lại hơn 40 Cty doanh nghiệp trực thuộc Vinashin thì có hơn 100 doanh nghiệp phải chuyển đổi, phải bán, phải tổ chức sản xuất lại để có tiền trả nợ. Tất nhiên, nếu đem cái giá xác định giá trị đất sau Nghị định 69 thì khoản chênh lệch địa tô là rất lớn. Vấn đề là chênh lệnh lớn đó vào doanh nghiệp để trả nợ thì sẽ có người nói rằng đấy Vinashin vay Vinashin trả! Nhưng nếu xét kỹ thì chênh lệch đó phần lớn lẽ ra phải thuộc về ngân sách Nhà nước và của người dân bị thu hồi đất vì họ chờ đợi để có được việc làm theo cam kết đã ký khi thu hồi đất nhưng sau mấy năm không có việc. Nếu không trả người dân phần nào từ sự chênh lệch địa tô đó, liệu có phải là sự lấy đi từ nông thôn hay không?

Chuyển đổi từ đất nông nghiệp (vốn không có thị trường) sang đất dịch vụ, đất ở, công nghiệp, đổi đất lấy hạ tầng đang là món lợi ích nhóm kếch sù mà nhiều doanh nhân đã, đang và sẽ còn khai thác. Ở đây, chính Luật Đất đai đã có khe hở để nhóm lợi ích khai thác triệt để, cụ thể là xác định những loại đất Nhà nước buộc thu hồi gồm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, công trình quốc gia… trong khi Hiến pháp quy định chỉ buộc thu hồi khi xây dựng các công trình liên quan đến anh ninh quốc gia. Điều này có khuyết điểm của những nhà lập pháp.

Và, nếu tới đây những vấn đề này không được hệ thống cảnh báo tài chính tốt hơn thì lợi ích nhóm vẫn là vấn đề các ĐBQH cần xem xét.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất