| Hotline: 0983.970.780

Không thể vì lợi ích DN mà ảnh hưởng đến cả nền nông nghiệp

Thứ Sáu 04/03/2011 , 10:05 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng trong cuộc trao đổi với NNVN chiều 3/3.

* Ngày 12/3, các DN phải hoàn tất việc đưa 45 nghìn tấn nguyên liệu TĂCN nhiễm mọt phải ra khỏi Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng trong cuộc trao đổi với NNVN chiều qua (3/3) xung quanh việc xử lý hơn 45 nghìn tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi  bị nhiễm mọt Trogoderma granarium (TG).

>> Đề nghị tái xuất trên 45 000 tấn hàng nhiễm dịch thực vật 

Ông Hồng cho hay:

Mọt TG không phải là con mọt bình thường. Loại mọt này nằm trong đối tượng kiểm dịch thực vật của rất nhiều nước. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đây là loài côn trùng phá hoại cực kỳ nguy hiểm, chúng có thể phá hoại trên 100 mặt hàng gồm lương thực, hạt giống, ngũ cốc… Mọt TG có sức chịu độ nóng từ 45-50 độ C, chịu lạnh từ -16 đến -18 độ C, có khả năng chịu độ ẩm đến 2%, và trong môi trường không có thức ăn vẫn duy trì sự sống từ 4-5 năm.

 Nhưng dường như nó chưa thực sự phổ biến lắm? 

Mọt TG không nhiều nhưng có mức độ nguy hiểm rất cao. Nó là một trong 100 loài dịch hại nguy hiểm nhất trên thế giới. Trong pháp lệnh về BVTV của Việt Nam năm 2001 quy định: Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc danh mục đã công bố hoặc sinh vật gây hại lạ thì chủ vật thể phải áp dụng các biện pháp cần thiết để diệt trừ và ngăn chặn sự lây lan, không cho phép nhập khẩu mà phải trả về nơi xuất xứ hoặc tiêu hủy.

Đến Nghị định 02 năm 2007 có mở ra rằng: Nếu phát hiện hàng bị nhiễm sinh vật gây hại nhưng trong trường hợp có thể xử lý được triệt để thì mọi quyền xử lý do cơ quan kiểm dịch thực vật xử lý. Việc này được giao cho Cục BVTV toàn quyền kiểm tra xử lý. Mọt TG nằm trong danh mục 100 loài dịch hại nguy hiểm nhất thế giới nên ở các nước, nếu phát hiện mọt TG sẽ xử lý hết sức quyết liệt. Tháng 1/2011, Mỹ phát hiện 4 tàu Ấn Độ, Pakistan chở gạo có con bọ TG đã niêm phong và tái xuất. Trước đó, 2007 Trung Quốc phát hiện tàu Mỹ chở đậu tương có mọt TG đã cho dừng ngay việc nhập khẩu đậu tương của Mỹ. Các nước họ làm rất quyết liệt như thế cho thấy mọt TG có độ nguy hiểm cực cao.  

Các DN kêu rằng việc bắt họ tái xuất là quá mạnh tay? 

Chúng tôi đã xử lý rất hợp tình hợp lý. Đây không phải là lần đầu các tàu hàng có nguồn gốc từ Ấn Độ bị nhiễm bọt TG. Vào năm 2010, Việt Nam đã xử lí 16 lô hàng nguồn gốc từ Ấn Độ bị nhiễm loại mọt này với khối lượng 27.691 tấn. Bước sang năm 2011 lại phát hiện thêm 299 container bị nhiễm TG với trọng lượng 5.744 tấn. Đối với số hàng hóa nói trên, Cục BVTV đã áp dụng biện pháp tái khử trùng và cho nhập vào Việt Nam đồng thời cũng gửi 5 thông báo về việc đã không tuân thủ theo quy định của Công ước Quốc tế về BVTV và Tiêu chuẩn quốc tế số 13 về KDTV cho các cơ quan BVTV Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ. Các thông báo này đều cảnh báo việc Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp tái xuất các lô hàng nếu tiếp tục phát hiện mọt TG.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 1/2011, một số lượng hàng xấp xỉ 46 ngàn tấn gồm hạt ngô và khô đậu tương được nhập khẩu từ Ấn Độ trên hai con tầu mang tên Calisto và VTC planet lại bị cơ quan Kiểm dịch phát hiện nhiễm mọt TG. Cục BVTV đã đưa đoàn cán bộ Ấn Độ đi kiểm tra thực tế hàng hóa trên tàu Calisto, kết quả phía Ấn Độ công nhận hàng của họ vi phạm. Sau nhiều cuộc họp, lấy ý kiến chúng tôi quyết định tái xuất lô hàng trên. 

Nhưng tại sao những lần trước không áp dụng phương pháp này?  

Khi phát hiện lần đầu, lô hàng chưa nhiều nên chúng tôi đã chọn giải pháp xử lý triệt để mà không bắt tái xuất là vì các lô hàng ấy số lượng đang ở mức kiểm soát được. Tự thấy khả năng các Cty khử trùng còn có thể xử lý nên chọn giải pháp ấy để cùng nhau rút kinh nghiệm. Tuy nhiên lần này lượng hàng quá lớn, vượt khả năng xử lý. Mặt khác đây là việc tái phạm nhiều lần nên để đảm bảo an toàn chúng tôi buộc phải quyết định tái xuất.  

Quyết định này đã gặp phải sự phản đối khá quyết liệt của các DN, thưa ông? 

Các DN phản ứng dữ dội nhưng không thể khác được. Trong một cuộc họp vào ngày 22/02 do Bộ NN-PTNT tổ chức, đại diện các Bộ, ngành liên quan, gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Công thương, Văn phòng SPS Việt Nam để thảo luận về giải pháp đối với lô hàng trên. Tại cuộc họp, 100% ý kiến của tất cả các đại diện đều cho rằng biện pháp tái khử trùng không chắc chắn, nhiều rủi ro, vì vậy tái xuất là an toàn nhất, vì lợi ích của đất nước, đặc biệt nước ta là nước xuất khẩu nông sản nên phải thật thận trọng và chính xác. Chúng ta phải nghĩ đến lợi ích lâu dài. Nước ta may mắn là chưa có con mọt này. Trước đây khi chúng ta xuất khẩu gạo đi các nước, các nước nhập khẩu đã đến kiểm tra gắt gao. Họ mang Pheranol đặc biệt dẫn dụ côn trùng để kiểm tra ở các kho chứa hàng nhưng đều không phát hiện có mọt TG tồn tại. Điều đó nói lên rằng mọt TG nguy hiểm, ai cũng sợ. Nước mình chưa bị nhiễm nên phải giữ. 

Chúng tôi rất thông cảm với các DN. Nhưng chúng ta buộc phải lựa chọn giữa lợi ích cục bộ của DN với lợi ích của cả nền nông nghiệp, của hàng triệu nông dân. Ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra với nông sản xuất khẩu của chúng ta khi bị nhiễm con mọt này. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ lợi ích lâu dài và buộc phải sử dụng biện pháp tái xuất.

Vậy việc tái xuất 45 nghìn tấn nguyên liệu này theo quy định, bao giờ phải thực hiện, thưa ông? 

Theo quyết định, hạn cuối cùng là ngày 12/3, các DN phải hoàn tất việc đưa các lô hàng nhiễm mọt này ra khỏi Việt Nam. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.