| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/11/2020 , 05:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:50 - 03/11/2020

Không thể xem nhẹ sự tin cậy của cộng đồng

Nếu ông Phạm Phú Quốc không bị hình phạt gì, thì làm sao gìn giữ tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân cho người Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế?

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14, được cử tri cả nước quan tâm đặc biệt, chính là việc bỏ phiếu bãi nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc - Đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị TP.HCM.

Câu chuyện ông Phạm Phú Quốc bị phát hiện có quốc tịch Cyprus, thực sự là một cú sốc không chỉ riêng cho các Đại biểu Quốc hội đang tận tụy ngày đêm phụng sự Tổ quốc.

Ngoài vai trò Đại biểu Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc còn là một đảng viên được giao trọng trách lãnh đạo qua nhiều cơ quan Nhà nước tại TP.HCM như Tổng Công ty Bến Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Tổng Công ty Tân Thuận…

Thế nhưng, đi ngược lại sự kỳ vọng của đồng nghiệp, đồng chí và đồng bào, ông Phạm Phú Quốc đã lén lút tìm cách sở hữu hộ chiếu Cyprus.

Một Đại biểu Quốc hội như ông Phạm Phú Quốc lẽ nào không có sự hiểu biết nhất định về pháp luật? Theo luật Quốc tịch Việt Nam, chỉ những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài nhưng mong muốn giữ lại quốc tịch Việt Nam, thì có thể có hai quốc tịch. Còn công dân Việt Nam đang định cư trong nước không được phép có quốc tịch thứ hai.

Ngay cả những trường hợp đặc biệt, cũng phải được sự đồng ý của Chủ tịch nước mới được có hai quốc tịch, hoặc người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam hoặc người Việt Nam trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ nguyên quốc tịch nước ngoài.

Một công dân bình thường đang sinh sống tại Việt Nam, cũng không thể có hai quốc tịch. Chưa kể, Luật Quốc tịch Việt Nam còn quy định rõ ràng “cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam”. 

Vậy mà, ông Phạm Phú Quốc là quan chức đương nhiệm lại ngang nhiên có quốc tịch Cypurs. Nếu không bị truyền thông quốc tế phanh phui, chắc chắn ông Phạm Phú Quốc cũng không bao giờ khai báo với Quốc hội và khai báo với đơn vị ông đang công tác.

Ông Phạm Phú Quốc bị bỏ biếu bãi nhiệm, chứ không phải bỏ phiếu miễn nhiệm. Bãi nhiệm là cho thôi Đại biểu Quốc hội, do vi phạm kỷ luật nên không còn đủ tư cách đại diện cho quyền lợi chính đáng của cử tri.

Còn miễn nhiệm là cho thôi Đại biểu Quốc hội, theo đơn yêu cầu của cá nhân, do không còn đủ điều kiện để tiếp tục đảm đương nhiệm vụ tại Quốc hội.

Tuy nhiên, bãi nhiệm hay miễn nhiệm chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, chứ chưa kèm theo hình phạt nào. Cử tri cả nước đòi hỏi phải có biện pháp xử lý thích đáng đối với trường hợp ông Phạm Phú Quốc.

Bởi lẽ, ông Phạm Phú Quốc được tin cậy giao phó sứ mệnh Đại biểu Quốc hội lẫn quan chức Nhà nước. Nghĩa là ông Phạm Phú Quốc đã cam kết nhận lãnh từ công chúng sự ủy nhiệm song song, gồm sự ủy nhiệm quản lý và sự ủy nhiệm gương mẫu. Thế nhưng, ông Phạm Phú Quốc đã chà đạp lên tất cả sự chờ đợi và sự gửi gắm của cộng đồng.

Nếu ông Phạm Phú Quốc thôi Đại biểu Quốc hội mà không không bị thêm hình phạt gì, thì làm sao gìn giữ tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân cho người Việt Nam giai đoạn hội nhập quốc tế?