| Hotline: 0983.970.780

Không thỏa đáng từ một quyết định thu hồi đất

Thứ Năm 02/07/2015 , 13:10 (GMT+7)

Cùng một khu đất, có cùng nguồn gốc khai hoang từ năm 1981. Thế nhưng phần đất của người kia được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, còn phần đất của bà Chung thì không.

Chưa hết, bà còn bị chính quyền địa phương thu hồi để quy hoạch khu dân cư mà không có chính sách hỗ trợ nào...

Thậm chí mới đây, chính quyền địa phương lại còn quyết định “tháo dỡ nóng” những vật dụng trên phần đất của bà Chung. Bức xúc, bà tìm đến Báo NNVN kêu cứu…

Trong đơn gửi Báo NNVN, bà Phạm Thị Kim Chung (sinh năm 1957) ở khu An Thọ, thị trấn Ngô Mây (Phù Cát-Bình Định) nêu: Bản thân bà là thương binh với thương tật 31%; mẹ bà là Nguyễn Thị Nương, liệt sỹ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ vào ngày 29/12/1970; bố bà là Phạm Tuân cũng là thương binh với thương tật 61%.

Ngoài ra, anh ruột và chị dâu của bà là ông Phạm Công Thiện và bà Trần Thị Hiền cũng là thương binh và chú ruột của bà là ông Phạm Tú cũng là liệt sĩ. Một gia đình có truyền thống cách mạng là vậy mà bị chính quyền địa phương o ép nên bà Chung rất bức xúc. Chi tiết này đã khiến chúng tôi nhanh chóng tiếp cận vấn đề.

Theo bà Chung: Từ năm 1981, bà Phan Thị Ngã khai hoang một khu đất ở khu An Thọ, thị trấn Ngô Mây để trồng điều. Bà Ngã sử dụng diện tích đất này ổn định, không ai tranh chấp vì đây nguyên là đất hoang hóa, và chính quyền địa phương cũng không can thiệp gì.

Năm 1997, bà Ngã cắt một nửa diện tích đất cho con trai là Tạ Hữu Thoãi, phần đất của anh Thoãi đã được UBND thị trấn Ngô Mây cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đến năm 2001, bà Ngã bán cho bà Chung 620m2 trong phần đất còn lại. Từ đó đến nay, bà sử dụng diện tích đất mua của bà Ngã ổn định, không ai tranh chấp.

Tuy nhiên, khi bà Chung làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ như của ông Tạ Hữu Thoãi thì bị UBND thị trấn Ngô Mây từ chối. Đến năm 2014, diện tích đất 620m2 của bà Chung mua của bà Ngã bị UBND thị trấn Ngô Mây thu hồi để quy hoạch khu dân cư mà không có quyết định thu hồi cũng như chính sách hỗ trợ nào.

Bức xúc, bà Chung làm đơn khiếu nại thì vào ngày 22/5/2015, UBND thị trấn Ngô Mây ra văn bản số 45/UBND trả lời vấn đề bà Chung khiếu nại, trong đó có nêu: Việc bà Chung nhận chuyển nhượng phần đất nói trên của bà Ngã năm 2001 là không hợp pháp, đất không thuộc quyền sở hữu của bà Phan Thị Ngã; hồ sơ mua bán không được cấp có thẩm quyền công nhận…

Tuy nhiên, bà Chung phản bác: “Trong Văn bản số 45, UBND thị trấn Ngô Mây cho rằng thửa đất nói trên do bà Phan Thị Ngã chiếm, sử dụng trái phép nhưng không nói thời gian nào. Phải chăng đây là sự lấp liếm.

Vì nếu đất khai hoang từ năm 1981 sử dụng ổn định, không ai tranh chấp đến năm 1993 thì nghiễm nhiên được Nhà nước công nhận là đất sử dụng hợp pháp. Sau đó, UBND thị trấn Ngô Mây lại thừa nhận năm 2010, thực hiện Quyết định số 15/QĐ-UBND (ngày 18/3/2008) của UBND tỉnh Đình Định, UBND thị trấn Phù Cát đã xem xét, đề nghị UBND huyện Phù Cát cấp giấy chứng nhận QSDĐ lô đất của ông Tạ Hữu Thoãi được mẹ là bà Ngã cho cũng nằm trong khu đất này. UBND thị trấn Ngô Mây không cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho tôi với lý do bà Ngã chuyển nhượng đất cho tôi là không hợp pháp vì đất không thuộc quyền sở hữu của bà Ngã.

Thế nhưng cũng trên diện đất mà UBND thị trấn cho là bất hợp pháp ấy lại công nhận và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho con trai bà Ngã là Tạ Hữu Thoãi. Văn bản số 45 của UNND thị trấn Ngô Mây đã thể hiện sự tiền hậu bất nhất”.

Chưa hết, bà Chung rất bức xúc khi đưa cho tôi xem cái giấy do ông Bùi Quang Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây ký ngày 16/6/2015 có nội dung: “Tiến hành tháo dỡ nóng trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Chung ở khu An Thọ đã cố tình đưa các vật dụng và san ủi mặt bằng trên đất của Nhà nước quản lý. Thời gian thực hiện vào 15 giờ ngày 17/6/2015”.

“Huyện Phù Cát sẽ thành lập tổ công tác có sự tham gia của các trưởng ngành về khu An Thọ, thị trấn Ngô Mây, xem xét lại toàn bộ sự việc, nhất là gặp trực tiếp bà Ngã xem có giao dịch mua bán đất giữa bà Ngã với bà Chung không. Sau đó về báo cáo để lãnh đạo huyện có hướng giải quyết”, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát nói.

Sáng 17/6/2015, khi tôi đến làm việc với UBND huyện Phù Cát về nội dung “tháo dỡ nóng” trên diện tích đất của bà Chung vào chiều cùng ngày, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, trả lời: “UBND thị trấn chưa báo cáo gì về vấn đề này. Chắc anh nghe nhầm, chuyện tháo dỡ nóng này, nếu có, thì UBND thị trấn phải báo cáo lên huyện xin ý kiến chứ!”.

Thế nhưng khi tôi đưa ra cái giấy “cưỡng chế nóng” của UBND thị trấn Ngô Mây, ông Anh mới “ngã ngửa” và lập tức gọi điện báo cáo với lãnh đạo, lúc ấy cả Bí thư lẫn Chủ tịch huyện đang đi công tác. Sau đó, thừa lệnh của lãnh đạo, ông Lương Ngọc Anh lập tức triệu tập Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây và các trưởng phòng: Tài nguyên môi trường, Tư pháp, Thanh tra, Kinh tế hạ tầng, Văn phòng UBND huyện Phù Cát…về họp nóng ngay buổi sáng hôm ấy, PV NNVN cũng được ông Anh mời tham dự.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, UBND thị trấn Ngô Mây “tháo dỡ nóng” trên đất của bà Chung là chưa thỏa đáng khi hồ sơ vụ việc chưa rõ ràng và chưa báo cáo cụ thể lên huyện. Ông Nguyễn Bá Lương, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng nêu ý kiến: “Cho là đất bà Chung mua của bà Ngã là đất lấn chiếm, nhưng phải xem xét thời gian lấn chiếm, nếu đủ điều kiện thì vẫn có thể cấp giấy chứng nhận QSDĐ”.

Còn ông Lê Văn Lang, Trưởng phòng Tư pháp thì đề nghị: “Hồ sơ vụ việc chưa được UBND thị trấn Ngô Mây thể hiện rõ, giờ đi cưỡng chế là sai. Giữa bà Chung và bà Ngã đã có giao dịch mua bán dù chỉ là giấy viết tay. Đề nghị rà soát lại quá trình sử dụng diện tích đất bà Ngã bán cho bà Chung và dừng việc cưỡng chế”.

Ông Phan Lê Lân, Chánh Thanh tra huyện Phù Cát cũng đồng tình với hai ý kiến trên, và cũng cho rằng hồ sơ chưa đầy đủ, chưa có báo cáo xác minh nguồn gốc sử dụng đất của bà Chung như thế nào. Vấn đề chưa thông thì không thể “tháo dỡ nóng”. Ông Lân đề xuất: “UBND thị trấn Ngô Mây cần làm lại hồ sơ và báo cáo lên huyện để huyện chỉ đạo hướng xử lý”...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.