| Hotline: 0983.970.780

Không tự nghiêm khắc, nông sản VN sẽ hỏng vì thị trường Trung Quốc!

Thứ Sáu 29/11/2013 , 09:59 (GMT+7)

XK nông sản Việt Nam (VN) sang Trung Quốc (TQ) đã có đột phá mạnh mẽ liên tục từ 2004 đến nay. Tuy nhiên, nếu không tự nghiêm khắc với chính mình, SX nông sản VN có thể đi xuống vì thị trường TQ.

XK nông sản Việt Nam (VN) sang Trung Quốc (TQ) đã có đột phá mạnh mẽ liên tục từ 2004 đến nay. Tuy nhiên, nếu không tự nghiêm khắc với chính mình, SX nông sản VN có thể đi xuống vì thị trường TQ.

TS Trần Công Thắng (ảnh), chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với NNVN về định hướng XK nông sản VN sang thị trường TQ.

Theo ông Thắng, từ khi thực hiện hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2004, thương mại hàng nông sản giữa VN và TQ đã có sự phát triển nhảy vọt. Tính chung giai đoạn 2004-2010, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK nông sản VN sang TQ tăng tới 24% (so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK chung của nông sản VN là 16%).

So với năm 2004, kim ngạch XK nông sản VN qua TQ tăng cao gấp 4,4 lần và cao gấp 5,3 lần so với năm 2001. Bên cạnh đó, TQ ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong tổng kim ngạch XK hàng nông sản của VN, khi đến năm 2010, thị trường này chiếm 17% tổng kim ngạch XK của VN (so với 10% năm 2004).

Nông sản cũng đang ngày càng trở thành mặt hàng gánh vác nhiều hơn trong việc giảm nhập siêu của VN đối với TQ, khi năm 2010, VN xuất siêu sang TQ hơn 800 triệu USD.


Rau quả nhiệt đới đang ngày càng vươn lên thành mặt hàng chủ lực XK qua TQ

Bên cạnh các mặt hàng nông sản chủ lực có tính truyền thống của VN tại thị trường TQ như cao su, gỗ, hạt điều..., gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của một số mặt hàng nông sản mới XK sang TQ như rau quả, sắn và sản phẩm sắn, thủy sản, gạo, rau quả...

Từ một sản phẩm có kim ngạch XK thấp, sau 6-7 năm phát triển gần đây, năm 2010, kim ngạch XK sắn và sản phẩm sắn qua TQ đã đạt hơn 510 triệu USD, chiếm trên 92% tổng kim ngạch XK mặt hàng này của VN.

Trong 5 năm gần đây, kim ngạch XK rau quả của VN sang TQ cũng tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm 2011, trong đó 90% là các loại hoa quả nhiệt đới như thanh long, dưa hấu, vải, xoài... Thủy sản là mặt hàng mới thâm nhập vào thị trường TQ trong 3-4 năm gần đây và đã liên tục tăng đột biến, dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Sự tăng trưởng đột phá về kim ngạch XK nông sản sang TQ như vậy là rất mừng. Nhưng đáng lo là hầu hết nông san VN xuất sang TQ hiện nay đều là tiểu ngạch? Nguy cơ nào từ thực tế này thưa ông?

Đúng là XK tiểu ngạch, bên cạnh đặc thù dễ tính về yêu cầu chất lượng nông sản nên đã tận dụng được nông sản có chất lượng thấp của VN trong thời gian qua. Tuy nhiên, mặt trái là chúng ta đang có nguy cơ tự đánh mất hình ảnh của nông sản VN vì quá lạm dụng sự dễ dãi về yêu cầu chất lượng của phía TQ nên đang có tác động xấu về dài hạn.

Đơn cử như việc trong khi EU, Mỹ, Nhật... tẩy chay tôm VN vì tình trạng bơm tạp chất, thì thương lái TQ vẫn có thể vô tư thu mua loại tôm này mà không gặp bất kỳ rào cản nào. Hay chuyện họ sẵn sàng mua cả cao su bị lộn tạp chất.

Thậm chí thương lái TQ còn sang tận VN “xui” các cơ sở chế biến chè của ta làm bậy, SX chè trộn xi măng để tuồn về TQ tiêu thụ vô tư... Nếu chúng ta không tự nghiêm khắc với chính mình, nguy cơ hàng nông sản VN tụt hậu dần về chất lượng vì thị trường TQ cũng có thể xẩy ra.

Tới đây, liệu thị trường TQ có còn dễ tính về yêu cầu chất lượng nông sản nữa không?

Tất yếu càng ngày họ sẽ càng yêu cầu cao hơn về điều kiện chất lượng hàng nông sản chứ không còn dễ như những năm qua nữa. Điều này đã được chứng minh khi những năm gần đây, xu hướng phía TQ ngày càng yêu nhiều hơn hàng nông sản VN cần phải có hồ sơ xuất xứ hàng hóa (C.O).

Cụ thể năm 2008, mới chỉ có 12 nghìn bộ hồ sơ C.O hàng nông sản VN XK sang TQ thì đến năm 2010 con số này đã tăng lên tới 34 nghìn bản (tương ứng kim ngạch XK nông sản có C.O tăng từ 210 triệu USD lên 1 tỉ USD).

Bên cạnh đó, xu hướng “chính quy hóa” hoạt động XK nông sản VN sang TQ cũng đang ngày càng thể hiện rõ hơn, khi điều kiện giao dịch thương mại hai bên ngày càng chặt chẽ hơn. Khảo sát cho thấy lượng thương lái TQ qua VN mua nông sản ngày càng thông qua ký kết HĐ tăng lên, họ ngày càng kiểm tra hàng kỹ hơn cũng như yêu cầu về điều kiện bao gói, chất lượng khắt khe hơn...

 Điều này cho thấy việc chủ động xây dựng chất lượng hàng nông sản trong nước đang là yêu cầu tất yếu.

Thị trường XK nông sản sang TQ tiềm năng nhưng lâu nay cũng hay rủi ro, làm ăn với thương nhân TQ cũng rất khó lường... Ông nhận xét và lời khuyên gì về điều này?

Trước hết, cần phải nói rằng điều này một phần do thị trường TQ quá lớn so với lượng hàng nông sản mà VN đáp ứng được. Vì thế, chỉ cần khi nhu cầu hay diễn biến thị trường của họ thay đổi 1% thôi, sẽ có ảnh hưởng gây biến động có khi tới 40 – 50% ở VN.

Vì vậy, việc nghiên cứu diễn biến cung – cầu của thị trường TQ là hết sức cần thiết, nhất là ngay cả với một số mặt hàng, ta XK rất nhiều qua họ nhưng chẳng biết họ mua để làm gì?

Thứ hai, nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng này là do chúng ta XK nông sản qua TQ chủ yếu bằng đường biên mậu, trong khi chính sách thương mại biên mậu của TQ thường xuyên thay đổi, đặc biệt khi chính sách biên mậu của họ lại được giao về thẩm quyền của các tỉnh quản lí. Vì thế, việc hôm nay mở cửa khẩu này, ngày mai đóng lối mở kia hết sức thất thường.

Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo, thiếu thận trọng trong hợp tác làm ăn của DN của ta với thương nhân TQ cũng dễ phát sinh rủi ro lớn. Vì vậy, chỉ có con đường XK bài bản qua tín dụng thư, hợp đồng kinh tế có tính pháp lí mới có thể đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài trong hoạt động XK.

 Về lâu dài, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại hai phía VN – TQ nhằm tạo nên các mối liên hệ chặt chẽ, uy tín và ổn định giữa SX trong nước tới XK. Điều này cũng sẽ giúp rút gọn được các đầu mối trung gian trong buôn bán, nâng cao lợi nhuận cho nông dân trong nước.

Gần đây có tình trạng thương nhân TQ qua tận VN mua nguyên liệu nhiều loại nông sản. Liệu có nguy cơ nào trong vấn đề này không thưa ông?

Về phương diện an ninh, quản lí con người mà nói thì đúng là sẽ có sự xáo trộn nếu chúng ta quản lí không tốt. Tuy nhiên về mặt thương mại, tôi cho việc thương nhân TQ qua tận nơi mua nguyên liệu cũng là điều dễ hiểu, bởi họ đi buôn, ai chẳng muốn mua tận ngọn, bán tận gốc?

Một mặt nào đó, điều này khiến DN và cả thương lái trong nước sẽ phải tự nâng cao năng lực, tính cạnh tranh, từ đó hoàn thiện thêm năng lực của mình thông qua xây dựng liên kết với nông dân để vùng nguyên liệu bài bản, cải thiện chất lượng hàng hóa...

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định việc thương nhân TQ ồ ạt sang VN mua nông sản rõ ràng phát sinh nhiều hệ lụy. Bên cạnh việc nâng giá nông sản lên trong ngắn hạn thì đơn cử như thị trường thủy sản, sắn... đã từng bị mất kiểm soát vì thương nhân TQ, gây mất cân bằng cung – cầu nội địa...

Xin cảm ơn ông!

“Sự chênh nhau về một số chính sách thương mại biên mậu giữa VN và TQ cũng đang tạo khó khăn cản trở lớn cho XK nông sản VN sang TQ.

Chẳng hạn, VN xem những giao dịch kinh tế dưới 2 triệu đồng là hoạt động phi thương mại mang tính trao đổi của cư dân biên giới.

Tuy nhiên, phía TQ quy định, những trao đổi mang tính dân cư biên giới được phép lên tới 8.000 tệ (tương đương 20 triệu đồng)” – ông Trần Công Thắng.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất