| Hotline: 0983.970.780

Không vẽ nổi "chân dung nông dân thời hội nhập"

Thứ Hai 09/12/2013 , 10:13 (GMT+7)

Tại hội thảo “Chân dung nông dân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập”, hầu hết các nhà khoa học và làm chính sách nông nghiệp đã bất lực trước đề bài là vẽ lên chân dung người nông dân Việt Nam.

Tại hội thảo “Chân dung nông dân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập” do Viện Chính sách và chiến lược NN-PTNT (Ipsard) và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, hầu hết các nhà khoa học và làm chính sách nông nghiệp đã bất lực trước đề bài là vẽ lên chân dung người nông dân Việt Nam.

Nông dân Việt Nam và 5 “cái nhất”

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Ipsard và ông Hoàng Xuân Thành, đại diện nhóm nghiên cứu của Tổ chức Oxfam, có nhiều điểm sáng trong bức tranh nông thôn Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới:

Thu nhập của nông dân còn thấp nhưng đã tăng lên gần 44%, tỷ lệ nhà tạm đã giảm từ 16% năm 2008 còn 7% năm 2010. Khoảng cách chi tiêu y tế cũng giảm dần giữa nông thôn và thành thị, số người đủ tiền khám chữa bệnh đã tăng lên. Cùng với sự phát triển KT-XH, nông dân đã có những tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ do toàn cầu hóa mang lại.

Chưa đồng ý với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, để miêu tả chân dung nông dân, cần gắn họ với 5 “cái nhất”: đông nhất, hy sinh đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, hưởng lợi từ thành quả của đổi mới ít nhất và có nhiều bức xúc nhất.


Ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, sau nhiều năm đổi mới, nông dân vẫn rất khó khăn

Theo ông Cường, chân dung nông dân trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập phải đầy đủ các tiêu chí như: Trình độ khoa học công nghệ ở mức nhất định; thạo nghề, lành nghề nông, có kiến thức kinh tế thị trường; phải biết sử dụng công cụ phương tiện tin học vào sản xuất mới phù hợp… Tuy vậy, làm thế nào để chuyện từ chân dung như hiện nay sang hình mẫu đó, ai là người làm và bằng cách nào thì ông Cường nói chưa rõ.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng, bức tranh về chân dung nông dân của Ipsard và Oxfam là “những nét vẽ quá hàn lâm và xa lạ”. Còn để người dân tương lai như mong muốn thì cũng một chặng đường rất xa với cách làm như hiện giờ. “Ta đã xây cả nghìn trung tâm dạy nghề nhưng chỉ xây nhà 3-4 tầng chứ ai dạy gì không biết. Đâu đâu cũng dạy đan mây tre, cả nhà làm cả ngày được 30.000 đồng”, ông Hùng nói. 

Theo ông, chúng ta cứ nói phải chuyển giao khoa học cho nông dân nhưng biện pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật thì chưa được chú ý. Giơ cả một tập sách 100 nghề làm giàu cho nông dân, nào là sách dạy nuôi cầy hương, sách dạy nuôi giun, sách dạy trồng nấm, mỗi cuốn độ mươi chục trang.

Ông Hùng nói: “Kêu gọi các nhà khoa học phải làm sao chuyển tải tiến bộ khoa học đến nông dân bằng cách dễ hiểu nhất, sao để người nông dân đọc vừa hiểu vừa cười phá lên thì họ làm không được. Trong khi viện Hàn lâm khoa học công nghệ chỉ là một cái máy nghiền tiền”.

Chưa rõ nét về tương lai

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đã cố hình dung lên “chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ CHN-HĐH và hội nhập” là tiên tiến, tiếp cận được thị trường và các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, quá trình sơ kết 5 năm Nghị quyết về tam nông đang phơi bày ra một thực tế là “mục tiêu cao, đầu tư chưa đủ, chính sách nửa vời”!

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã từng có nghị quyết riêng về CNH-HĐH nông thôn. Và khi tập hợp lại những chủ trương chính sách trong 10 năm thực hiện nghị quyết thì tài liệu lên đến 10.000 trang, nặng 5kg.

“Nếu thực hiện được các chính sách trong 10 năm đó thì nông dân bây giờ đã khác xa, không như thế này. Tôi sợ 5 năm nữa (khi tổng kết nghị quyết về tam nông) không khéo lại nhận được một túi tài liệu như thế”, ông Doanh chia sẻ.

Theo ông, để điều đó không lặp lại thì rất cần nhìn nhận toàn diện mới có giải pháp. Ông nhấn mạnh: Phải làm rõ khả năng tiếp cận, hưởng lợi các nguồn tài nguyên, dịch vụ công, khoa học… của nông dân đến đâu? Sự tham gia của nông dân vào các tổ chức chính trị, kinh tế thế nào? Tổ chức hội (nông dân, HTX) giúp gì cho họ? Rồi vai trò DN cho nông dân khi bước vào sản xuất hàng hóa hiện đại…?

 “Đấy là những vấn đề rộng lớn đang bị bỏ ngỏ. Phải phân tích được mới có giải pháp cụ thể. Nếu chỉ loanh quanh mấy nông dân nghèo thì chưa nói hết cho nông dân được”, ông cảnh báo.

Còn ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT hy vọng, “tam nông” trong tương lai phải là “nông nghiệp hàng hóa, nông dân văn hóa và nông thôn hài hòa”. Muốn làm được điều này cần huy động các nhà khoa học đưa tiến bộ kỹ thuật đến cho nông dân một cách bài bản để họ thành thạo quy trình sản xuất từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản; có kiến thức về khoa học tiêu dùng.

Ông Doanh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không nên quá đề cao vai trò của kinh tế hộ, vì nó không còn phù hợp. “Nếu DN không thể hiện được vai trò dẫn dắt, tiêu thụ sản phẩm thì nông dân vẫn cứ “cuốn theo chiều giá” như hiện nay và luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi”, ông Doanh nói.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất