| Hotline: 0983.970.780

Không xây nhà ven sông, kênh rạch

Thứ Tư 06/06/2018 , 15:05 (GMT+7)

Đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, khu vực ĐBSCL xảy ra sạt lở liên tục. Một số địa phương đã đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát, đưa ra các giải pháp ứng phó cấp bách.

NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam xung quanh vấn đề này.

12-00-25_pgs_ts_nguyen_nghi_hung_-_pho_vien_truong_vien_khtl_mien_nm_-_nh_hd
PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng

Xin ông cho biết kết quả khảo sát gần đây về hiện tượng sạt lở ở ĐBSCL. Điểm nóng nào có nguy cơ cao cần cảnh báo?

Sạt lở thường ở ĐBSCL thường xẩy ra vào đầu mùa mưa lũ, nhưng đó là quy luật chung, chưa có một tổng kết nào chi tiết. Ở ĐBSCL sông rộng, dài, hệ thống kênh rạch chằng chịt. Vì vậy để hiểu được ở đâu có trạng thái nguy cơ là một thách thức rất lớn.

Nhiều năm trước đây đã có những đợt sạt lở lớn tại các khu vực ở Tân Châu, Sa Đéc, Long Xuyên, Vĩnh Long, Vàm Nao... Tài liệu cũ về lòng sông, kênh rạch (sâu, rộng) đã đo đạc đồng bộ không thể hết được và nếu đo được hết sẽ tốn kém kinh phí rất lớn. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, ở đoạn sông nào có hình dáng cong thường xẩy ra lở như ở Sa Đéc, Tân Châu là điển hình và hiện đã được bảo vệ kè nên ổn định hơn. Thế nhưng trong tương lai có thể có nhiều yếu tố khác tác động, khó đoán trước sẽ tái diễn hay không.

Có thể nói rằng, sạt lở là hiện tượng tự nhiên rất phức tạp và khó để xác định. Kể cả đến công nghệ tính toán hiện đại, thiết bị đo đạc hiện đại của thế giới cũng còn rất nhiều khó khăn, chưa kể đến chuyện sạt lở sau đó thay đổi tương tác giữa môi trường đất và môi trường nước.

Hệ thống sông Cửu Long có nhiều cồn bãi và hố sâu xoáy nguy hiểm vào mùa mưa lũ cần cảnh báo thế nào, thưa ông?

Cồn bãi do sông tạo nên và là một trong những thành tố tạo nên cảnh quan đẹp, hệ sinh thái phong phú, tạo điều kiện cho phát triển du lịch và sản xuất khá thuận lợi. Thế nhưng mức độ tổn thương do sạt lở ở cồn bãi cũng rất cao. Các cồn hiện nay có ảnh hưởng nhiều về sạt lở như cù lao Long Khánh, cù lao Ma, cù lao Ông Hổ, cồn Sơn, cồn Tân Lộc, cồn Tân Long... Mặt khác, hiện tượng cồn bị sạt lở do đào ao nuôi cá sát bờ khá nhiều. Do vậy, đối với việc bảo vệ các cồn, cần phải quan tâm quản lý đất, có hướng dẫn nhiều hơn để phòng tránh sạt lở gây ra thiệt hại.

Những năm gần đây xảy ra sạt lở liên tục, vì sao?

Nguyên nhân sạt lở có rất nhiều đến từ yếu tố vật lý như từng xảy ra trong tự nhiên và đến từ xã hội như khai thác cát, xây nhà lấn sông, chạy tàu thuyền, chất tải ven sông (bãi vật liệu...), tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể. Biến đổi khí hậu và tác động xây đập thủy điện hay chặt phá rừng ở khu vực thượng nguồn cũng gây ảnh hưởng, tác động nhất định đến toàn lưu vực và nhất là vùng đất phù sa non trẻ ĐBSCL. Rõ ràng mọi biến động về vật lý chắc chắn sẽ có thay đổi về sạt lở.

12-00-25_st_lo_khu_vuc_vm_song_o_mon_-_nh_vt
Sạt lở bờ sông Ô Môn

Đã có nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên trong điều kiện kinh phí đầu tư hạn hẹp, muốn đạt hiệu quả cao thì đâu là giải pháp hữu hiệu? Tính khả thi trước mắt (ở những điểm nóng) và lâu dài? 

Theo tôi, rõ ràng chúng ta không đủ nguồn lực để bảo vệ tất cả các điểm sạt lở bằng công trình. Chỉ ở những vùng tập trung đông dân cư, công trình văn hóa quan trọng, có giá trị kinh tế cao hay những vùng có mật độ dân cư cao mà không thể di dời được thì chúng ta mới sử dụng giải pháp công trình, kiên cố.

Còn giải pháp phi công trình hết sức cần thiết và yếu tố kỹ thuật luôn là sự cân nhắc lựa chọn ưu tiên. Tuy vậy đây là vấn đề khá khó, vì cần đến không gian và tùy theo tình hình từng chỗ áp dụng, ví dụ quản lý sử dụng đất ven sông, đất cồn bãi để có không gian bảo vệ bờ sông.

Điều cần lưu ý là chúng ta cần nghĩ đến hành lang an toàn ven sông, để cho sông, kênh có khoảng không gian hợp lý để chúng biến động, không nên xây dựng nhà kho, khu dân cư ở quá gần sông, vì nguy cơ sạt lở rất cao. Thay vào đó là tạo ra các công viên, các bãi cỏ tự nhiên, để tạo ra môi trường sinh thái tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ NN-PTNT, hiện trạng sạt lở bờ sông, kênh ở ĐBSCL có gần 400 vị trí với tổng chiều dài gần 650km; xói lở bờ biển 285km, tốc độ mất đất hiện tại gần 300ha/năm.

 

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất