| Hotline: 0983.970.780

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà tròn 20 tuổi

Thứ Sáu 13/12/2024 , 21:37 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ ngày thành lập đến nay, Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà làm tốt chức năng bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng hệ sinh thái và cảnh quan.

Nhiều lãnh đạo, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều lãnh đạo, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 13/12, tại Vườn quốc gia Cát Bà tổ chức kỷ niệm tròn 20 năm ngày quần đảo Cát Bà chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá khu hệ động - thực vật Cát Bà mang nét đặc trưng của hệ động - thực vật núi đá vôi vùng Đông Bắc Việt Nam và giàu yếu tố đặc hữu.

Bên cạnh giá trị cao về đa dạng sinh học, Cát Bà còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên, hang động hùng vĩ, độc đáo, góp phần đưa Cát Bà trở thành một trong số ít các nơi phát triển mạnh các hoạt động bảo tồn, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, vào tháng 9/2023 cùng với Vịnh Hạ Long, Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới - đây cũng là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.

Khu vực trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà luôn được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo thành phố, đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông Nguyễn Đức Thọ cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn mà Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đang gặp phải và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, cùng toàn thể nhân dân thành phố hãy chung tay, chủ động, tích cực bảo vệ môi trường; giữ gìn, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của Khu dự trữ sinh quyển.

Riêng với Vườn quốc gia Cát Bà cần tập trung triển khai hiệu quả 3 nội dung, trong đó, đáng lưu ý là cần phát huy hơn nữa 2 danh hiệu cao quý của quần đảo Cát Bà sau khi hợp nhất Ban quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà về Vườn quốc gia Cát Bà.

Bên cạnh đó, cần bảo tồn có hiệu quả hệ sinh thái trên toàn bộ diện tích quản lý, đồng thời làm gia tăng tính đa dạng sinh học trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nghiên cứu phát hiện các loài mới, bảo tồn cấp bách nguồn gen các loài quý hiếm, đặc hữu và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhằm hạn chế các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và văn hóa.

Các đại biểu thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Ảnh: Đinh Mười.

Các đại biểu thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Ảnh: Đinh Mười.

Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận ngày 2/12/2004. Đây là Khu dự trữ sinh quyển được công nhận thứ 3 trong số 11 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, là ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hoá và phát triển của các hệ sinh thái biển và hải đảo với sự đa dạng cao của các quần xã động vật, thực vật trên đảo và dưới biển.

Sau 20 năm công nhận, các giá trị đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển được bảo tồn hiệu quả, phù hợp với các quy định của Chính phủ Việt Nam và đảm bảo chức năng bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái và đa dạng cảnh quan của Khu dự trữ sinh quyển. 

Trước đó, tại Vườn quốc gia Cát Bà đã diễn ra hội thảo khoa học về tăng trưởng xanh - 20 năm quản lý và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, nhằm đưa ra những thay đổi nổi bật sau 20 năm hoạt động. Mặt khác, để tham khảo bài học kinh nghiệm của các Khu dự trữ sinh quyển khác, tham vấn các bên liên quan để tìm kiếm các giải pháp cụ thể và phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, góp phần hỗ trợ hoạt động truyền thông giáo dục, nâng cao trách nhiệm bảo tồn và phát triển bền vững.

Trên quần đảo Cát Bà đã hình thành 10 hệ sinh thái nhiệt đới cận chí tuyến điển hình. Đến nay tại đây đã thống kê được 4.066 loài động vật và thực vật, bao gồm: 1.595 loài thực vật, 72 loài nấm, 63 loài thú, 209 loài chim, 58 loài bò sát, 32 loài lưỡng cư, 11 loài cá nước ngọt, 1 loài giáp xác cạn, 401 loài côn trùng, 36 loài thực vật ngập mặn, 102 loài rong biển, 5 loài cỏ biển, 400 loài thực vật phù du, 131 loài động vật phù du, 658 loài động vật đáy, 96 loài san hô, 196 loài cá biển. Trong đó, loài được biết đến nhiều nhất là voọc Cát Bà, được biết đến là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.