| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 30/09/2014 , 09:37 (GMT+7)

09:37 - 30/09/2014

Khu hành chính ngàn tỷ thành “mốt”?

Mới đây, UBND một tỉnh đồng bằng sông Hồng có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh mình.

Sau hàng loạt các tỉnh, đều ở miền Nam, như Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa đua nhau xây khu hành chính ngàn tỷ, việc này đã thành “mốt” và đang lan tới các tỉnh phía Bắc.

Mới đây, UBND một tỉnh đồng bằng sông Hồng có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh mình.

Theo UBND tỉnh này, thì khu hành chính tập trung sẽ tọa lạc trên diện tích 19,5 ha, có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng (trên 100 triệu USD). Đây sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh, bao gồm 5 khu: Trụ sở HĐND, trụ sở UBND, trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trụ sở của khối các Sở, Ban, Ngành thuộc UBND tỉnh, Trung tâm hội nghị, đường nội bộ, cây xanh, quảng trường và khu dịch vụ…

Tòa nhà cao nhất trong khu hành chính tập trung này cao tới 20 tầng.

Xưa nay, những khu hành chính khiêm tốn, vừa đủ chỗ làm việc cho cán bộ, công chức, hài hòa với không gian xung quanh, đã trở thành những địa chỉ quen thuộc của người dân, hoàn toàn phù hợp vối hoàn cảnh của một đất nước nghèo, còn đang phải chắt chiu để “nâng niu, gom góp dựng cơ đồ (thơ Tố Hữu)”.

 Và mỗi lần có việc “đáo công môn”, được đón tiếp thân tình, với những thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả, nhanh chóng, không phải phong bao phong bì… luôn là niềm mơ ước của mọi công dân.

Trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh ấy hoàn toàn không “xuống cấp” như tờ trình xin ý kiến Thủ tường của UBND tỉnh, mà trái lại, còn hiện đại hơn rất nhiều tỉnh khác. Nay xây một khu hành chính tập trung ngàn tỷ, đồ sộ, điều nhìn thấy trước mắt là không cần thiết, và thừa.

Ví như đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chẳng hạn, mỗi khóa chỉ có trên dưới mươi ông, trong đó có đến 1/3 đại biểu là do Trung ương giới thiệu về ứng cử ở tỉnh. Các đại biểu đó đều làm việc ở Hà Nội, mỗi năm chỉ vài lần xuất hiện ở tỉnh để tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu còn lại phần lớn cũng là kiêm nhiệm cả.

Thế thì chỉ cần bố trí vài phòng trong trụ sở HĐND tỉnh hiện nay, đã là quá đủ rồi. Việc gì phải có hẳn một trụ sở trong khu hành chính ngàn tỷ, đồ sộ kia? Vả lại, đoàn đại biểu Quốc hội đâu phải là cơ quan hành chính?

Xây dựng một khu hành chính tập trung ngàn tỷ hoành tráng như một cung điện. Nhưng vấn đề là chất lượng của những công chức làm việc trong cái cung điện ấy có tương đương không? Và hiệu quả giải quyết công việc cho dân trong cái tòa nhà đồ sộ ấy có nâng cao được không?

Tháng 9 năm 2013, việc các tỉnh đua nhau xây khu hành chính tập trung ngàn tỷ đã được đưa ra mổ xẻ tại kỳ họp của UB Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã phải thốt lên “Dân mình còn nghèo, sao mình phải làm to như vậy?”. Nhưng lời than của ông hình như không thấu được đến tai lãnh đạo nhiều tỉnh. Và người ta vẫn cứ thích đổ tiền vào đó, mặc kệ sức dân có hạn, kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nợ công đầm đìa.

Vì sao như vậy?

Lời trao đổi với báo chí của GS.TS Nguyễn Hữu Trí, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính thuộc Học Viện hành chính quốc gia, đã phần nào hé lộ nguyên nhân đích thực của việc đó: Mọi lý do (trụ sở xuống cấp, quá tải…) chỉ là để biện hộ, bởi thực chất xây mới cũng thu nhập được tiền, phá (trụ sở cũ) cũng có tiền.

Thực chất đây là hình thức dự án. Qua nhiệm kỳ vị nào cũng cố chạy cho mình một vài dự án. Có dự án, kiểu gì cũng được cắt phần trăm phần nghìn.

Thiết nghĩ, không cần phải bình luận gì thêm.

Bình luận mới nhất