| Hotline: 0983.970.780

Khu ổ chuột giữa lòng thành phố xứ Thanh

Thứ Hai 15/10/2018 , 13:15 (GMT+7)

Nằm ở trung tâm TP Thanh Hóa nhưng từ bao đời nay, hàng trăm hộ dân tổ dân phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn sống trong thiếu thốn đủ bề.

Những ngôi nhà được xây dựng từ hàng chục năm đã xuống cấp nhưng không thể cơi nới làm mới do nằm trong diện di dời TĐC.
 

“Chui rúc"

Tổ dân phố Tiền Phong hàng chục năm nay sống sát bờ đê sông Mã. Họ đa phần là người dân làng vạn chài thuộc các hợp tác xã vận tải đường sông chuyên vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.

10-36-33_duong_vo_khu_o_chuot_tien_phong
Đường vào "khu ổ chuột" Tiền Phong

Từ năm 1959, trên bước đường vận tải, họ về đây cắm lều tạm, dần dần xây dựng nhà cửa, định cư lâu dài. Hầu hết những ngôi nhà ở đây xây dựng từ lâu không được nâng cấp, sửa chữa, xây mới. Nhà mọc lên san sát, ẩm thấp, chật chội.

Năm 2007, khi Luật Đê điều ra đời, cùng với trên 5 nghìn hộ dân khác tại Thanh Hóa, họ nằm trong diện buộc phải di dời tái định cư (TĐC). Trong lúc dự án di dân TĐC chưa được triển khai thì hơn 10 năm nay, cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Qua hai cuộc kháng chiến, cả tổ dân phố Tiền Phong có 30 người con ra đi và vĩnh viễn không về, được phong tặng Liệt sỹ; 7 người trở về mang trên mình đầy thương tích; 140 gia đình, cá nhân được Nhà nước tặng Huân Huy chương kháng chiến các loại.

Ông Nguyễn Đức Cảnh, tổ trưởng tổ dân phố Tiền Phong chua xót: “Nói là xóm “nước đen” cũng đúng; là khu “ổ chuột” cũng chẳng sai. Ở đây có 410 hộ dân nhưng số hộ có nhà ở kiên cố không nhiều. Có những mái nhà có đến 5 - 7 gia đình “chui rúc” sống qua ngày khổ sở vì không có nước máy; nguồn điện thì quá yếu không đủ nhu cầu. Là nhà ở nhưng những ngôi nhà ở đây không khá hơn những khu trọ tồi tàn của công nhân là mấy”. Thực tế, nếu tính hộ dân thực sự thì con số phải lớn hơn nữa bởi nhiều hộ gia đình phải “chui rúc” trong một mái nhà.

10-36-33_ong_phuc_su_dung_2_my_bien_p_nhung_vn_khong_du_dien_dung
Ông Phúc sử dụng 2 máy biến áp nhưng vẫn không đủ điện dùng
10-36-33_nhung_ngoi_nh_xuong_cp_khong_the_coi_noi_su_chu_ben_dong_song_m
Những ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp không thể cơi nới bên dòng sông Mã

Năm nay đã 73 tuổi, nhưng ông Đoàn Văn Phúc vẫn có cảm giác như mình chưa bao giờ được sống trong ngôi nhà của chính mình. Ông mua lại ngôi nhà này vốn là nhà kho HTX từ năm 1991. Kể từ đó đến nay ông chỉ một lần tôn nền cao lên thêm 40cm. Nền tôn cao, mái giữ nguyên khiến ngôi nhà chẳng khác gì một tổ chim, người đi trong nhà như muốn va vào mái ngói.

Trong khi đó, đê ven sông Mã đã bao lần nâng cấp khiến mái ngói ngôi nhà của vợ chồng ông giờ đây ngang với mái đê. Do nằm sát ngoài mái đê sông Mã, năm nào nước lũ cũng ngập gần hết ngôi nhà. Thế mà căn nhà có tổng diện tích chưa đến 80m2 ấy lại là nơi trú ngụ của 7 gia đình với gần 22 nhân khẩu.

10-36-33__mi_nh_chi_co_hon_mi_de_chut_dinh
Mái nhà chỉ cao hơn mái đê chút đỉnh
10-36-33_nhung_ngoi_nh_nm_duoi_mi_de
Những ngôi nhà nằm dưới mái đê
Một cán bộ ngành nông nghiệp Thanh Hóa cho biết, theo Luật Đê điều năm 2007 toàn tỉnh hiện có gần 6.000 hộ nằm trong khu vực hành lang, mái đê thuộc diện phải di dời, tái định cư. Tuy nhiên, để thực hiện việc di dời, tái định cư các hộ này cần một nguồn kinh phí khổng lồ. Vì vậy, 10 năm sau khi Luật Đê điều ra đời, việc di dời, tái định cư cho các hộ dân này gần như vẫn “án binh bất động”.

“Nếu Nhà nước cho thì chúng tôi đã vay mượn cơi nới nhà cửa rồi. Một ngôi nhà có đến 7 gia đình chung sống chật chội, ẩm thấp; ông bà, con cái, các cháu chui rúc khổ sở lắm! Cư dân ở khu phố này cũng chẳng ai có điều kiện để đi mua đất làm nhà nơi khác thành ra vẫn phải chịu kiếp quanh năm chống chọi với bão lũ. Riêng năm nay đã phải 2 lần cắm bạt trên bờ đê, nhiều nhà phải dắt díu nhau lên đấy ở khi lũ tràn về. 

Trước đây, khi là tổ trưởng dân phố tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, tạo điều kiện để chúng tôi tái định cư rồi trả góp cũng được nhưng đến nay chính quyền vẫn không có động thái nào. Nói không ngoa, ở đây, một ngôi nhà xây tạm bợ, đậy tấm lợp xi măng, bán ba bốn triệu đồng cũng chẳng có ai thèm mua”, ông Phúc nói.
 

Ước được… chết trong ngôi nhà kiên cố

Ông Phúc cho biết ở khu dân cư này không chỉ không có nước sạch mà điện lưới cũng không đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Trạm biến áp được xây dựng từ hàng chục năm nay, khi số hộ dân, nhân khẩu của tổ dân phố Tiền Phong còn ít hơn so với bây giờ. Không chỉ có con người sinh sôi, nhu cầu cuộc sống cũng tăng theo, nhiều nhà sắm tivi, tủ lạnh… khiến nhu cầu nguồn điện ngày một tăng.

“Trạm biến áp không được đầu tư thêm khiến nguồn điện rất yếu. Tôi có đồng trợ cấp thương binh nên dành dụm mua 2 cái biến áp nhưng buổi chiều vẫn không đủ điện để nấu cơm; nhiều hôm nắng nóng, quạt không quay nổi, mấy đứa cháu không chịu ngủ cho. Từ 10 năm nay chúng tôi nghe nói là tỉnh không đầu tư thêm trạm biến áp cũng như nước máy vì sẽ di dời khu dân cư này. Nhưng không biết còn phải chờ đến bao giờ nữa”, ông Phúc cho hay.

Mẹ liệt sỹ Trần Thị Minh, năm nay đã 90 tuổi chỉ ước mình được nhắm mắt trong ngôi nhà kiên cố, các con, cháu, chắt không còn cảnh quanh năm chạy lũ.

10-36-33_me_minh_uoc_duoc_chet_trong_ngoi_nh_kien_co
Mẹ Minh ước được chết trong ngôi nhà kiên cố

Từ đê sông Mã, để đến được nhà mẹ Minh, con đường đi vào chỉ vỏn vẹn mấy sải chân; xe máy đi vào phải luồn tránh hai bức tường cũ kỹ.

Nhà của mẹ Minh nằm ở cuối tổ dân cư Tiền Phong. Phía sau bức tường hậu ngôi nhà là sông Mã. Dòng sông đã ngoạm sát chân tường, những trận gió Bắc đầu mùa gió thổi vào ớn lạnh.

Mẹ Minh ngồi co ro trong căn nhà vỏn vẹn 50 - 60m2 nhưng có tới 5 gia đình cùng sinh sống. Căn nhà này được xây dựng từ những năm 1970, nay tường đã rêu phong. Mẹ có 10 người con thì một người hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 3 người đã chết. Những người con còn lại đều không được học hành đến nơi đến chốn, mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ, vé số, phụ hồ… đắp đổi qua ngày.

Cả con trai, con gái của mẹ chia nhau mỗi hộ một gian phòng chừng 10 - 12m2 để cho 16 nhân khẩu cùng sống. Do không đủ diện tích, các con của cụ chung nhau nhà bếp, nhà vệ sinh; hễ nhà này nấu thì nhà kia phải chờ hoặc sử dụng bình ga mini nấu nướng; nước sinh hoạt thì đều đặn vào những khu dân cư có nước máy để mua hoặc xin. Cuộc sống ở đây gắn bó với họ hàng chục năm nay nhưng còn thua xa những khu nhà trọ sinh viên, công nhân.

10-36-33_nguoi_dn_to_dn_pho_tien_phong_phi_di_mu_tung_cn_nuoc_sch_ve_su_dung
Người dân tổ dân phố Tiền Phong phải đi mua từng can nước sạch về sử dụng

“Năm nào cũng như năm nào, nước vào ngập hết các gian nhà. Các con của mẹ phải làm gác lửng để chuyển đồ lên trên. Năm nay 2 trận lũ đi qua, 3 - 4 giờ sáng cả nhà phải dậy chuyển đồ. Nước ra nhưng bùn đất đến gần 1m phải dọn dẹp khổ sở lắm. Mẹ chỉ mong được chết trong một ngôi nhà kiên cố. Khi mẹ nhắm mắt, con, cháu mẹ đã có nơi ăn chốn ở đàng hoàng”, mẹ Minh nắm tay chúng tôi, giọng đượm buồn.

“Theo quy định, khi sửa chữa nhà cửa người dân phải có đơn gửi lên các cấp chính quyền. Thế nhưng, nếu gửi đơn, nói rõ nguyện vọng nâng cấp, sửa chữa, cơi nới thì chắc chắn không được phép rồi. Nhiều khi tội dân quá, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, tổ dân phố cũng phải nhắm mắt làm ngơ cho họ cơi nới, nếu không thì có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng khi mưa lũ về”, ông Nguyễn Đức Cảnh, tổ trưởng tổ dân phố Tiền Phong cho biết.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất