| Hotline: 0983.970.780

Khu rừng ngập mặn đẹp nhất Đông Nam Á

Thứ Hai 29/11/2010 , 10:39 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận, quy mô khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn được duy trì diện tích ổn định...

Cuối tuần qua UBND TP.HCM và UB Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB) đã tổ chức hội thảo quốc gia đánh giá hoạt động sau 10 năm rừng ngập mặn Cần Giờ được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt (giai đoạn 1964-1970), rừng ngập mặn Cần Giờ (RNMCG) bị chất độc hóa học hủy diệt gần như hoàn toàn bởi hàng chục ngàn tấn bom đạn, hàng triệu lít hóa chất khai quang. Nhiều loài cây đặc trưng của vùng đất này như đước, bần, vẹt… đều không thể sống sót. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam phải cần ít nhất nửa thế kỷ mới khôi phục được rừng ngập mặn.

 Tuy nhiên, sau giải phóng miền Nam, với quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM cùng với những giải pháp kỹ thuật phù hợp của các cơ quan chuyên môn, sự nỗ lực của người dân địa phương, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm RNMCG đã được khôi phục và trở thành “lá phổi xanh” của TP.HCM và các địa phương lân cận.

Kết quả từ năm 1978-2000, diện tích RNMCG đã được phục hồi với diện tích tăng lên đến 22.579,4 ha (chủ yếu là rừng cây đước), đồng thời khoanh nuôi bảo vệ để tái sinh rừng tự nhiên khoảng 10.000 ha. Có nhiều loài động vật hoang dã đã xuất hiện ở vùng rừng này. Với những công trình nghiên cứu, quan trắc và cải thiện vượt bậc trong thời gian ngắn, đến năm 1991 RNMCG đã được Chính phủ công nhận là “Rừng phòng hộ môi trường”.

Tháng 1/2000, RNMCG đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) rừng ngập mặn của thế giới. Đồng thời, từ khi được thế giới công nhận khu DTSQ đầu tiên của Việt Nam, đã có nhiều khu DTSQ khác tiếp bước ra đời như khu Cát Tiên, châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù lao Chàm - Hội An và Mũi Cà Mau.

Sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận, quy mô khu DTSQ RNMCG vẫn được duy trì diện tích ổn định với 75.740 ha, trong đó có trên 33.000 ha rừng ngập mặn đang được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt. Đến nay, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, trong đó có giá trị giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện nay, toàn khu DTSQ này có tới 182 loài thực vật bậc cao, trong đó có 37 loài ngập mặn; 9 loài động vật lưỡng cư; 31 loài bò sát; 19 loài thú và 145 loài chim.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, giá trị kinh tế của hệ sinh thái nhân văn khu DTSQ RNMCG đang tăng dần bền vững theo thời gian. Năm 1999, tổng giá trị nói trên đạt gần 3.000 tỷ đồng, năm 2005 là 6.500 tỷ đồng… GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký MAB Việt Nam đã tự hào cho biết, mô hình các khu DTSQ của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao việc áp dụng tư duy hệ thống trong điều phối liên ngành, quy hoạch cảnh quan phân vùng và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, hình ảnh Cần Giờ đã đi vào tiềm thức của cộng đồng các khu DTSQ thế giới, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao vị thế và niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên, ông Trí cũng cho rằng thách thức lớn nhất đối với RNMCG nói riêng và khu DTSQ nói chung là làm sao duy trì được sức bền hệ sinh thái này trước những tác động của ngoại cảnh dễ làm tổn thương hệ thống rừng. Thêm một thách thức nữa cũng không kém quan trọng là sức ép từ sự phát triển kinh tế với việc mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ trong khi hiệu quả bảo tồn và ý thức trách nhiệm còn yếu kém.

Bên cạnh đó, khu DTSQ RNMCG cần phát triển các gói sản phẩm kinh tế thân thiện với môi trường, áp dụng chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái. TS Viên Ngọc Nam (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cũng đề xuất việc sản xuất ở khu DTSQ RNMCG nên dựa trên quan điểm tổng hợp và đa dạng sinh thái về động vật, thực vật... Nên cho phép khai thác rừng già để trồng lại nhằm trẻ hóa và gia tăng hiệu quả về nhiều mặt như môi trường, kinh tế xã hội; đồng thời có thể nuôi tôm trong rừng ngập mặn theo cách thức nuôi sinh thái và cấp chứng chỉ cho thành phẩm. Khi cuộc sống của người dân được nâng cao thì vấn đề bảo tồn và du lịch cũng sẽ được cải thiện hơn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm