Bạn sẽ ngửi thấy vô vàn mùi hương nồng nàn hay thoảng nhẹ của các loại hoa, nhìn thấy màu xanh của chồi biếc, của dập dìu bướm bay, của cóc nhảy, của sên bò, của côn trùng ngọ nguậy…Lê Thị Trang, người phụ trách chương trình trong lòng tự nhiên tại nông trại hữu cơ Tuệ Viên, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội thông tin với tôi rằng hoạt động đó được diễn ra định kỳ vào chủ nhật, thứ hai, thứ tư hàng tháng.
Chị kể mới đây có đoàn phụ huynh đã dẫn khoảng 20 học sinh lớp ba đến, thoạt nhìn khu vườn họ đã nhận xét rằng không nuôi con vật nào, không có trò chơi gì nên đã bàn với nhau định quay về. Trong lúc đó thì Trang đã dẫn đám trẻ ra thăm vườn, cho chúng trải nghiệm đủ 5 giác quan từ nghe tiếng chim, tiếng côn trùng; sờ vào cái cây, ngọn cỏ; ngửi những loại lá, hoa có mùi đến hút mật hoa thanh táo. Bởi thế, khi nghe thấy bố mẹ bàn nhau định quay về, chúng đã nằng nặc đòi xin được ở lại để trải nghiệm tiếp trong khu vườn kỳ thú.
Nghe đến đoạn này, chị Nguyễn Thanh Phương, phụ trách kinh doanh cũng bật cười rồi bảo mình cùng chị Nguyễn Thị Phương Liên, chủ nông trại Tuệ Viên đã khởi xướng ra dự án trường học thiên nhiên vào năm 2014.
Thủa đầu, không ít đoàn các trường đến, thả học sinh xuống, chụp vài kiểu ảnh làm truyền thông rồi đi về mà không cho chúng tham gia vào các hoạt động trải nghiệm gì. Kiên trì và bền bỉ, nhiều lúc các nhân viên ở đây phải đón cả hai đoàn một lúc để trường này đến thấy trường kia chơi vui quá thì mới chấp nhận cho học sinh của mình tham gia.
Hiệu quả của mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn mang lại nhiều giá trị khác cho xã hội.
Chị Phương tâm sự: Cá nhân tôi may mắn hơn các cháu rất nhiều vì được sinh ra và lớn lên giữa một vùng đồi núi nguyên sơ của tỉnh Quảng Ninh. Khi đi ra ngoài rồi trở lại quê tôi mới thấy hết được giá trị của tự nhiên, mới thấy thương những đứa trẻ thành phố. Sống giữa Hà Nội, nơi mà người ta tưởng là đã đầy đủ mọi thứ nhưng trẻ con lại rất thiệt thòi. Bố mẹ đi làm suốt ngày, không có không gian hay công cụ nào để chữa lành các tổn thương trong tâm hồn cho chúng. Có những tổn thương không thể nhận diện bằng mắt thường.
Trẻ con đến đây chính vì sự mong cầu của người lớn. Họ mong cầu rất nhiều thứ. Người lớn cứ hô hào con mình hãy bảo vệ môi trường, thế nhưng chúng có kết nối đâu? Nó giống như việc ra ngoài đường, chỉ vào bất kỳ một người nào rồi bảo con hãy bảo vệ họ thì chắc chắn chúng không có tư duy gì trong việc đó cả bởi đấy không phải là người thân của chúng. Chuyện môi trường cũng thế, chúng có yêu đâu, có được kết nối đâu mà phải bảo vệ? Đó là sự thiếu hụt về nền tảng.
Lũ trẻ ngày nay bị những bệnh kỳ lạ như tự kỷ, tăng động rất nhiều. Nhưng vì không biết mà người lớn cứ đưa chúng vào một không gian kín để mong chữa bệnh cho con thay vì phải đưa ra môi trường mở của tự nhiên để chữa bệnh.
Buổi đầu tiên, trẻ đến đây được dạy đi chân mà không sợ bẩn, sờ vào phân mà không sợ bẩn, đứa nào cũng hét ầm lên. Chúng không dám đi chân đất, không dám sờ vào phân, không dám bắt con sâu, không dám làm bất cứ cái gì.
Tất cả những cái không dám ấy đều do bố mẹ đưa vào trong đầu chúng, bởi bản năng của đứa trẻ khi mới sinh ra không có nỗi sợ nào hết.
Việc của Tuệ Viên là làm thế nào cho trẻ chạm được vào với đất mẹ, vào với tự nhiên, được trải nghiệm trọn vẹn tất cả các giác quan mà chúng có.
Hành trình phát triển của dự án trường học thiên nhiên đã đi qua rất nhiều cung bậc, từ việc phụ huynh tới thấy không có gì để chơi, không có gì để làm, chương trình này không có gì hấp dẫn…đến chính bản thân họ cũng đã thay đổi. Cách đây 3-4 năm, khi bố mẹ đến đây sẽ không tham gia hoạt động với các con mà mỗi người ngồi một góc, ôm lấy cái điện thoại. Giờ thì đã thấy những hình ảnh quen thuộc như bố kiệu con trên vai, mẹ với con ngồi đun một cái bếp củi hay cùng làm các đồ thủ công. Đó là những thay đổi lớn.
Với những đứa trẻ đến đây lần đầu hãy còn sợ bẩn nhưng lần thứ hai, thứ ba, thứ tư đã chạy khắp vườn, chơi với nhau như những đứa trẻ thời ngày xưa. Lần đầu khi đến thích thì chúng bắt con cá ở trong hồ, thích thì chúng bắt con cóc ở trên đường, thích thì chúng hái cái cây ở trong vườn, nhưng lần thứ hai, thứ ba, thứ tư đã biết tôn trọng tự nhiên hơn. Đó là những thay đổi lớn.
Về kinh phí, trước đây vé vào vườn Tuệ Viên thu 10.000đ, với những hoạt động phát sinh thu 10-20.000đ, sau mấy năm giờ phụ huynh đã sẵn sàng chi trả hơn nên chúng tôi nâng thêm một chút 50-60.000đ tùy chương trình.
Có ba nhóm khách chính gồm gia đình lẻ, trường học và khách nước ngoài. Có các nhóm hoạt động chính gồm học về hệ sinh thái như cây, con, côn trùng…; học về môi trường, tái chế như ngôi nhà làm bằng chai nhựa, nhà cộng đồng làm từ viên nén thử bê tông, làm bình hoa, bình nước tái chế…; học thực hành nông nghiệp như trồng cây, làm thuốc sâu sinh học, làm phân bón hữu cơ từ rác, làm thảo dược, làm các loại trà, làm đồ handmade. Trước đây, lượng khách mỗi tuần khoảng 200-300 học sinh, bị gián đoạn sau 2 Covid hiện tại đang phục hồi lại, mỗi tuần chúng tôi đón khoảng trên dưới 100 học sinh.
Buổi đầu tiên, trẻ đến đây được dạy đi chân mà không sợ bẩn, sờ vào phân mà không sợ bẩn, đứa nào cũng hét ầm lên. Chúng không dám đi chân đất, không dám sờ vào phân, không dám bắt con sâu, không dám làm bất cứ cái gì.
Tất cả những cái không dám ấy đều do bố mẹ đưa vào trong đầu chúng, bởi bản năng của đứa trẻ khi mới sinh ra không có nỗi sợ nào hết.
Việc của Tuệ Viên là làm thế nào cho trẻ chạm được vào với đất mẹ, vào với tự nhiên, được trải nghiệm trọn vẹn tất cả các giác quan mà chúng có.
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI.