| Hotline: 0983.970.780

Khủng hoảng rác ở châu Á: Bài 1 - Núi rác cháy âm ỉ ở Hàn Quốc

Thứ Năm 30/05/2019 , 08:45 (GMT+7)

Hầu hết các quốc gia châu Á đều đang gặp khó khăn trong việc xử lý rác bởi khối lượng chất thải ngày càng gia tăng.

Uiseong, một huyện nông nghiệp yên bình thuộc tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc, vốn không được chú ý. Nhưng hồi đầu năm nay, Uiseong trở thành tâm điểm của dư luận vì một núi rác cháy âm ỉ suốt quãng thời gian dài, làm bật lên cuộc khủng hoảng rác thải tại quốc gia này.

15-44-13_1
Núi rác ở Uiseong, Hàn Quốc. Ảnh: CNN.

Nằm giữa những cánh đồng lúa và bên cạnh sông Nakdong ở phía đông Hàn Quốc, một đống rác hình móng ngựa, nặng 170.000 tấn bốc cháy tự nhiên, thải ra không khí những đám khói và mùi hôi thối nồng nặc của hóa chất. Vào một sáng tháng 2 lạnh giá, 6 công nhân mặc đồ phòng hộ và mặt nạ chống độc leo lên ngọn núi rác cao hơn 15 m, phun vòi rồng nhằm dập tắt đám cháy. Nhưng ngay khi đám cháy này bị dập, ngọn lửa ở chỗ khác lại bùng lên, theo CNN.

Họ đã làm công việc trên trong gần ba tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Park Hyun-soon, một nông dân trồng cà tím sống gần núi rác, cho biết tro bụi từ đám cháy bám đầy nhà kính của bà, ngăn chặn ánh sáng, khiến cây trồng không thể phát triển.

“Chúng tôi gần như không bao giờ mở cửa sổ. Khi ra khỏi nhà, chúng tôi không thể ngửi thấy mùi của thiên nhiên mà chỉ ngửi thấy mùi rác cháy”, bà chia sẻ. “Mắt tôi đau. Đầu tôi đau. Tất cả dân cư đều đang phải chịu khổ”.

Núi rác ở Uiseong được cho là lớn nhất tại Hàn Quốc và sự hình thành của nó là cả một câu chuyện dài.

Năm 2008, Kim Seok-dong, một chủ doanh nghiệp tái chế, được cấp phép cho trữ 2.000 tấn rác thải trong khu vực. Nhưng vào năm 2016, giấy phép của Kim bị hủy sau khi người dân địa phương bắt đầu phàn nàn rằng nơi họ sống giờ đây tràn ngập rác. Kim cố tìm cách đấu tranh nhưng vào năm 2018, tòa án yêu cầu ông phải di dời số rác thải.

Trong quá trình Kim chống lại lệnh cấm của chính quyền, chủ nhà máy sản xuất năng lượng từ rác thải Lee Won-jeong năm 2017 đã mua lại bãi rác nhưng vẫn để Kim làm quản lý. Công ty của Lee đặt trụ sở ở Busan, phía nam Hàn Quốc. Ông khẳng định không biết gì về những vấn đề tại Uiseong. Lee cho hay sau thương vụ, Kim đã đổ lượng rác thải gấp 80 lần mức cho phép tại bãi rác ở Uiseong, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng và rác thải nhựa.

Khi núi rác bị phân hủy, khí gas tích tụ phía bên dưới. Tháng 12 năm ngoái, lửa bắt đầu bùng lên. Vụ việc vỡ lở, Lee đã sa thải Kim và ông này biến mất từ đó tới nay.

Kwon Hyun-soo, giám sát viên môi trường huyện Uiseong, cho biết chính quyền địa phương đang dùng mọi nguồn lực có thể để xử lý núi rác nhưng chúng quá lớn, nằm ngoài khả năng của họ.

Có 1,2 triệu tấn rác thải bị đổ bất hợp pháp trên khắp Hàn Quốc, theo thống kê từ Bộ Môi trường. Về lý thuyết, rác thải phải được xử lý theo một trong ba cách: Tái chế, biến thành nhiên liệu hoặc đốt. Nhưng một số sự việc xảy ra những năm gần đây khiến quá trình này bị gián đoạn.

Năm 2017, sự gia tăng đột biến lượng khói trong không khí khiến chính phủ Hàn Quốc thắt chặt quy định đối với các nhà máy biến rác thải thành năng lượng cũng như những cơ sở đốt rác. Hệ quả là số lượng cơ sở đốt rác giảm từ 611 vào năm 2011 xuống còn 395 vào năm ngoái và lượng rác thải không được xử lý tăng vọt. Hàn Quốc phải xuất khẩu rác sang Trung Quốc.

Nhưng cuối năm 2017, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại rác thải rắn, trong đó có giấy và nhựa. Tháng 4 năm ngoái, lệnh cấm mở rộng sang cả những vật liệu có thể tái chế như thép phế thải, phụ tùng ô tô hay tàu cũ.

Lượng rác thải nhựa xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm trên 90%. Rác bắt đầu tràn ra đường phố Seoul khi các công ty quản lý rác thải từ chối thu gom.

Tình trạng trên tạo ra một “chợ đen” nơi bên môi giới sẽ mời mọc xử lý rác với mức phí thấp hơn thị trường. Họ thu phí từ 130 đến 170 USD để đổ một tấn rác thải vào một khu vực dân cư thưa thớt, theo Lee. Đây không chỉ là một nguồn thu nhập béo bở mà nếu bị phát hiện, mức phạt cũng khá thấp, khoảng 3.000 USD. Lee ước tính Kim đã bỏ túi khoảng 22 triệu USD với cách làm này.

Sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm, Hàn Quốc đã xuất khẩu phần lớn rác thải không thể tái chế của mình sang Đông Nam Á, điển hình là Philippines và Thái Lan, với lượng rác thải nhiều hơn trước đây lần lượt là 10 và 30 lần.

15-44-13_2
Lửa bốc lên từ núi rác ở Uiseong. Ảnh: CNN.

Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, chính phủ Hàn Quốc ngỏ ý muốn nới lỏng quy định về đốt rác nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nhưng tuyên bố trên lại vấp phải sự phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường.

Kim Mi-kyung từ tổ chức Hòa bình Xanh Hàn Quốc, nhấn mạnh đốt rác sẽ “gây ra hàng loạt vấn đề môi trường và sức khỏe”. “Nếu chúng ta mở rộng sử dụng lò đốt, việc sử dụng nhựa cũng sẽ gia tăng bởi người ta chỉ cần đốt chúng là giải quyết được vấn đề”, bà nói

Hàn Quốc là một trong những nước sử dụng nhiều nhựa nhất thế giới. Năm 2015, mỗi người dân Hàn Quốc sử dụng trung bình 132 kg nhựa, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc với mức 93 và 58 kg.

Dù Hàn Quốc năm ngoái cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần tại siêu thị, tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng như vậy là chưa đủ. “Lượng lớn nhựa và rác thải nhựa được tạo ra ở mức độ công nghiệp. Đã đến lúc các ngành công nghiệp phải giảm thiểu sử dụng nhựa”, Kim quả quyết.

Trở lại Uiseong, Park, nông dân trồng cà tím, cho biết núi rác đã trở thành “một phần của cuộc sống thường nhật”. Tuy nhiên, việc quê hương mình tồn tại một núi rác khổng lồ vẫn khiến Park thấy “xấu hổ”.

Chính phủ cho biết họ có kế hoạch dọn dẹp 21.000 tấn rác khỏi núi rác bốc cháy trong năm nay. Chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với 149.000 tấn rác còn lại.Trong khi đó, Lee cho hay ông hy vọng có thể xây dựng một nhà máy ở khu vực để đốt số rác tồn đọng. Dù vậy, ông thừa nhận phải mất 5 năm để tiêu hủy toàn bộ núi rác.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất