| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông huyện, 'đứa con rơi'?

Thứ Hai 20/07/2015 , 09:54 (GMT+7)

Theo nhiều Trạm trưởng Trạm KN, từ ngày chuyển về trực thuộc Trung tâm KN tỉnh đã tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của các huyện nên UBND các huyện ít quan tâm đến hoạt động của Trạm KN. 

Hơn 20 năm hình thành, phát triển hệ thống khuyến nông (KN), tỉnh Nghệ An được đánh giá có mạng lưới hoàn chỉnh với đội ngũ cán bộ đông đảo (6.132 người), hoạt động ở 3 cấp: cấp tỉnh (54 người), cấp huyện (166 người), cấp xã (469 người) và cấp thôn, bản (5.443 người).

Không kể tiền lương và phụ cấp cho cả đội ngũ làm công tác KN nói trên, chỉ tính riêng tiền do ngân sách Nhà nước cấp cho các hoạt động KN của tỉnh trong hơn 20 năm qua đã lên đến con số trên 40 tỷ đồng để xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ngoài ra ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng để tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nghiệp vụ khuyến nông... cho hàng ngàn lượt người.

Căn cứ Nghị định số 13/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ của công tác KN chủ yếu là xây dựng mô hình trình diễn, tuyên truyền phổ biến và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào SX nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Kể từ ngày thành lập (11/9/1993) đến nay đã gần 22 năm. Trong quãng thời gian đó có 2 giai đoạn, từ 1993 - 2009, KN cấp tỉnh trực thuộc Sở NN-PTNT, KN cấp huyện trực thuộc UBND các huyện, thành, thị. KN cơ sở mới hình thành sau này.

Từ năm 2009 đến nay toàn bộ Trạm KN cấp huyện chuyển về Trung tâm KN tỉnh quản lý. Cũng từ đó gần như mọi hoạt động của công tác KN bị hạn chế nhiều về nội dung, chất lượng và kinh phí đầu tư cho các hoạt động KN.

Theo nhiều Trạm trưởng Trạm KN, từ ngày chuyển về trực thuộc Trung tâm KN tỉnh đã tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của các huyện nên UBND các huyện ít quan tâm đến hoạt động của Trạm KN. Thậm chí có những cuộc họp bàn liên quan đến SXNN cũng không được mời tham dự. Do việc tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp quản lý của UBND huyện nên nội dung hoạt động KN ở cấp huyện nghèo nàn, không sát thực với điều kiện tự nhiên và nhu cầu công tác KN của mỗi địa phương.

Ông Đặng Trọng Thư, Trạm trưởng Trạm KN huyện Yên Thành, địa phương có diện tích SX lúa nhiều nhất tỉnh, cho rằng: Việc chuyển Trạm KN về Trung tâm KN tỉnh quản lý là không nên, nếu không nói là sai lầm. Vì mỗi một huyện có những đặc thù riêng, điều kiện tự nhiên và điều kiện SX khác nhau, nhu cầu SX cũng khác nhau, tập quán SX và cả trình độ dân trí của mỗi vùng, miền, mỗi địa phương cũng khác nhau. Từ đây các nội dung về công tác KN cũng khác nhau.

"Nếu để huyện trực tiếp lãnh đạo và quản lý sẽ có mấy cái được: Các nội dung KN được xây dưng theo yêu cầu SX, sát với thực tế địa phương. Có sự quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện của từng nội dung KN cụ thể. Được UBND huyện cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí theo yêu cầu và nội dung công tác KN. 

Để có cơ sở thực tế và có đề án tổ chức hệ thống KN từ tỉnh xuống huyện, xã, thôn bản hoạt động có hiệu quả, đề nghị Bộ NN-PTNT giao Trung tâm KN Quốc gia đi sâu vào thực tế ở địa phương, vùng miền khác nhau trong cả nước để đánh giá, kiện toàn tổ chức hệ thống KN cho phù hợp, hiệu quả nhất nhằm nâng cao vai trò của KN trong thời kỳ đổi mới.

Do có sự lãnh đạo trực tiếp của UBND huyện nên mạng lưới KN từ huyện xuống xã, đến các thôn, bản được quản lý chặt chẽ và đi vào hoạt động có nề nếp, có hiệu quả rõ ràng. Đặc biệt trong các sinh hoạt về chuyên môn, về chính trị - xã hội và cả quyền lợi của cán bộ công nhân viên đều được huyện quan tâm đúng mức như các phòng, ban khác trong khối hành chính sự nghiệp của huyện", ông Thư chia sẻ.

Đây cũng là lý do vì sao Trạm KN huyện Yên Thành đã chính thức có ý kiến đề nghị tỉnh chuyển trạm về trực thuộc UBND huyện quản lý.

Còn theo ông Hoàng Đình Nghĩa, Trạm trưởng Trạm KN huyện Quế Phong thì không nên so sánh hoạt động KN với BVTV và thú y. Vì chuyên môn của BVTV, thú y chỉ là việc phòng chống sâu bệnh đối với cây trồng và dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm. Nhiệm vụ của BVTV, thú y thuần túy là phát hiện và phòng chống, trực thuộc huyện hay tỉnh cũng được. Nhưng đối với công tác KN, hoạt động mang tính chất đa nội dung. Trong đó có cả KN về BVTV và thú y, mang nặng tính xã hội.

Cũng theo ông Nghĩa, từ khi tách Trạm KN huyện về tỉnh, hoạt động chuyên môn, sinh hoạt công đoàn cũng ở tỉnh. Sinh hoạt đảng và sinh hoạt thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh thì ở huyện...  Thực tế ở Quế Phong, một huyện miền núi cao, cách xa trung tâm của tỉnh hơn 200 km thì các nội dung hoạt động KN ít hơn so với thời kỳ trực thuộc UBND huyện quản lý. Thậm chí có làm tốt hay không cũng không đáng lo. Vì Trung tâm KN tỉnh không kiểm tra đến nơi, huyện thì không quan tâm như trước đây". 

Vì vậy, để các Trạm KN về UBND huyện quản lý là tốt nhất và khi đó mạng lưới KN xã, thôn, bản sẽ có sự phối hợp đi vào hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Được biết, hiện tại tổ chức hệ thống KN từ tỉnh đến huyện, xã ở các tỉnh cũng có sự khác nhau về cách thức quản lý. Qua theo dõi ở nhiều tỉnh cho thấy, KN tỉnh trực thuộc Sở NN-PTNT quản lý là đúng. Còn Trạm KN cấp huyện do UBND huyện quản lý vẫn là cách làm hay để phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của KN từ huyện xuống xã và thôn, bản dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của huyện.

Tại Hà Tĩnh, Trạm KN huyện được sáp nhập với Trạm BVTV, Trạm Thú y thành Trung tâm Chuyển giao và ứng dụng KHKT nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý. Đây cũng là một cách làm hay thể hiện qua nhiều năm hoạt động được các địa phương ở tỉnh này đánh giá tốt.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.