| Hotline: 0983.970.780

Khuynh hướng sản xuất lớn ở Đồng Tháp

Thứ Năm 06/10/2016 , 08:23 (GMT+7)

Đồng Tháp đã và đang thực hiện chủ trương cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp gắn với quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất...

Toàn tỉnh hiện có trên 200.000 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 85% hộ sử dụng từ 0,2 - 1,5ha, chỉ có khoảng 10% nông dân có diện tích đất nông nghiệp trên 2 – 10ha, khoảng 5% nông dân có diện tích đất từ 10ha trở lên.

Diện tích manh mún như vậy không thể nào nâng mô hình kinh tế hộ lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Với sản lượng lúa lương thực trên 3 triệu tấn/năm đã góp phần cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hàng triệu tấn gạo mỗi năm.

Một điều nghịch lý là sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng đời sống nông dân vẫn còn khó khăn, số nông hộ khá giả còn quá ít.

 

Khuynh hướng tích tụ

Hiện tại, nông dân Đồng Tháp đã thể hiện rõ hai khuynh hướng. Đa số nông dân ít ruộng đất đều muốn quay lưng lại với đồng ruộng, cho thuê đất, sang nhượng, chuyển nghề khác, số nông dân trẻ thì tập trung về các khu công nghiệp của tỉnh, TP.HCM, Long An, Bình Dương…

Bên cạnh đó rất nhiều nông dân đã không ngừng mở rộng diện tích sản xuất thông qua các hình thức sang nhượng đất, thuê đất để làm ăn lớn. Từ năm 2010 đến nay phong trào tích tụ ruộng đất của nông dân, DN, HTX đã phát triển rất mạnh, thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Nông dân có điều kiện sản xuất lớn mua đất để mở rộng quy mô sản xuất hoặc thuê lại ruộng, tăng diện tích với thời gian từ 3 - 5 năm nhằm có điều kiện đầu tư, cải tạo đất theo hướng chuyên canh. Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho nông dân mua bán, thuê đất được thuận lợi, đây là bước đầu mở đường cho tích tụ ruộng đất.

Anh Nguyễn Văn Khanh, một ông chủ lớn ở xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp (Những "thần nông" miền Tây, Báo NNVN ngày 5/10/2016) có trong tay 120ha đất bằng nhiều nguồn tích tụ khác nhau. Năm 2012 mỗi anh em trong gia đình được chia 10ha đất ruộng.

Anh vận động anh em cho anh thuê hàng năm 18 triệu đồng/ha. Ngoài ra anh còn thuê, sang nhượng thêm 40ha đất của các hộ liền ranh để sản xuất lúa. Từ đó anh mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc như máy cày, xới, gặt đập liên hợp, máy bơm.

Đồng thời anh còn có kế hoạch đầu tư thêm lò sấy lúa, xây dựng kho chứa để nâng cao chất lượng lúa gạo, lợi nhuận hàng năm gia đình anh Khanh thu hơn 2,3 tỷ đồng.

HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ, huyện Tháp Mười, đã triển khai mô hình thuê trọn gói đất ruộng của nông dân, mỗi năm 3 vụ 21 tấn lúa, chi phí đầu tư nông dân hoàn lại cho HTX 66 triệu đồng/năm.

HTX mạnh dạn thuê trọn gói với nông dân nhờ có đầy đủ phương tiện làm đất, bơm nước, thu hoạch, ghe vận chuyển lúa, có đội ngũ công nhân lao động phun xịt thuốc, kéo hàng, rải phân, điều khiển hệ thống bơm nước…

HTX gom những thửa ruộng nhỏ thành cánh đồng lớn chia thành nhiều ô mỗi ô từ 5 - 10ha.Từ đó, việc áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng được thuận tiện, giống lúa HTX được quyền tự chọn lựa cho phù hợp với thị trường được các DN bao tiêu đặt hàng. Ngoài ra nhờ canh tác theo cánh đồng lớn nên HTX đã giảm được các loại chi phí: làm cỏ, bón phân, phun xịt thuốc BVTV…

Từ vụ thu đông 2016, HTX Đức Huệ đã triển khai dự án mới, mở rộng địa bàn thuê lại ruộng đất tại các xã Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Đức của huyện Tam Nông. Trước mắt HTX đã ký hợp đồng thuê 400ha của nông dân, chi trả ngay tiền thuê đất 3 vụ cho nông dân 30 triệu đồng/ha/năm. Ước khoảng 10-15% lao động là nông dân cho thuê đất làm thuê lại cho HTX các khâu chăm sóc lúa trên đồng ruộng.

HTX Đức Huệ đã ký hợp đồng bao tiêu với nhiều DN trong và ngoài tỉnh các loại giống lúa được thị trường trong ngoài nước chấp nhận như: OM5451, OM6976, OM4900, OM576, Jasmine85, Nàng hoa 9, Nếp IR4625…

Ông Hồ Văn Mười, Tổ trưởng Tổ hợp tác Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cho biết: Gia đình ông có hơn 10ha đất, ông đã bàn bạc thống nhất với các nông hộ lân cận cũng có nhiều đất như ông để hình thành cánh đồng liên kết trên 150ha chỉ có 10 hộ nông dân tham gia.

Tổ hợp tác thống nhất chọn chủng loại giống sản xuất tập trung, ký hợp đồng nhận đầu tư giống với Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp đến cuối vụ sản xuất thu tiền lúa giống, Cty Lương thực Đồng Tháp hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho Tổ hợp tác.

Các HTX DVNN trong tỉnh như Tân Cường, Tiến Cường, Phú Bình, Tân Tiến… huyện Tam Nông; HTX Phát Đạt, Tân Bình… huyện Thanh Bình, đã xây dựng mô hình cánh đồng liên kết từ 300-500 ha. Quy mô sản xuất hàng hóa lớn đang ngày càng phát triển ở Đồng Tháp. 

 

Lợi ích thấy rõ

Nhìn lại quá trình tích tụ ruộng đất ở Đồng Tháp hơn 10 năm qua cho thấy những lợi ích mang lại cho nông dân rất lớn, bức tranh kinh tế nông nghiệp nông thôn đã chuyển sang gam màu sáng hơn.

Cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cơ giới hóa nông nghiệp. Nông dân nếu chỉ sản xuất 0,5ha rất khó thuê máy gặt đập liên hợp, máy cấy, dù phải đăng ký trước 15-20 ngày, ruộng dưới 1ha khó thực hiện dịch vụ trang bằng mặt ruộng bằng tia laser…

14-42-31_nh-2-tich-tu-ruong-dt-o-dong-thp
Bên cạnh đó nhiều HTX, THT mạnh dạn thuê đất mở rộng diện tích làm ăn lớn theo mô hình CĐL đã mang lại hiệu cao trong những năm qua
 

Triển vọng thành công mới sẽ đến với một đơn vị làm ăn tập thể năng động, dám nghĩ, dám làm… góp ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn. Nông dân tự nguyện chấp nhận kế hoạch sản xuất lớn của tổ hợp tác, HTX, cùng nhau xây dựng cánh đồng liên kết, sản xuất cùng một loại giống lúa, tham gia chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra.

Ruộng đất tập trung thành cánh đồng lớn dễ chọn giống chất lượng cao, năng suất cao để sản xuất, tránh tình trạng một cánh đồng 5-10ha mà sản xuất hàng chục chủng loại giống lúa khác nhau, điều tiết lịch thu hoạch của nông dân rất khó khăn do thời gian sinh trưởng từng giống lúa khác nhau, nhiều giống lịch thu hoạch phải cách nhau 5-7 ngày.

Đặc biệt là khâu tiêu thụ, DN không thể mua cùng lúc nhiều chủng loại giống với số lượng manh mún. Có một vấn đề quan trọng mà nông dân ai cũng nhìn thấy là sản xuất cánh đồng lớn năng suất cao hơn, giá thành hạ, chất lượng sản phẩm đảm bảo, thương hiệu gạo được khẳng định.

 

Những suy nghĩ

Mô hình kinh tế hộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử từ “khoán 10” cho đến phong trào “dồn điền đổi thửa” gần đây, thực chất là tạo điều kiện cho nông dân có đất tập trung sản xuất xóa bỏ tình trạng manh mún mỗi nơi vài sào đất nhất là các tỉnh miền Bắc.

Việt Nam xuất khẩu lương thực 6-7 triệu tấn mỗi năm đứng thứ 2, 3 trên thế giới là nhờ phát triển kinh tế hộ vững chắc, nhất là vùng ĐBSCL, vựa lúa của cả nước tham gia xuất khẩu. Nhưng hiện nay mô hình này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, lỗi thời.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thấp là đất đai quá manh mún. Đất manh mún mà lại trồng lúa thì càng không hiệu quả.

Theo GS Võ Tòng Xuân, hạn điền hiện nay không thể làm ăn lớn được, không sản xuất lớn thì khó mà cơ giới hóa nông nghiệp, không thể nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, không thể xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nên chăng, Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội cần xem xét có thể bỏ hạn điền, đất đai phải là hàng hóa đặc biệt để thu hút đầu tư, nông dân có quyền bán “quyền sử dụng” cho các nhà đầu tư theo giá thỏa thuận. Nhà nước tạo hành lang pháp lý về mua bán đất đai, thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay, việc bỏ hạn điền chúng ta không sợ trở lại tình trạng “phát canh thu tô” vì đa số lao động nông thôn đã tập trung về các khu công nghiệp.

(Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp)

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm