Những cây giổi cổ thụ bị đốn hạ |
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định, đây là vụ phá rừng có tổ chức, theo ông thì có người dân ở địa phương hướng dẫn để người ngoài địa phương đến phá rừng. Ông Châu cũng cho rằng vụ phá rừng diễn ra khá lâu, khi được người dân báo tin lại để các đối tượng phá rừng thoát, không bắt được tại hiện trường đó là có lỗi của kiểm lâm, công an, BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh trong quá trình tác nghiệp.
Ông Châu đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở NN-PTNT hoàn chỉnh các hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan điều tra để khởi tố vụ án. Đồng thời, cử cán bộ kiểm lâm làm việc với Công an huyện Vĩnh Thạnh truy bắt cho bằng được đối tượng phá rừng trong thời gian qua.
Về xử lý trách nhiệm, Phó Chủ tịch Trần Châu yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của BQL RPH, chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian tương đối lâu. Kiểm điểm lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, người phụ trách chính lĩnh vực công tác bảo vệ rừng. Giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh kiểm điểm vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý bảo vệ rừng.
“Đây là bài học sâu sắc mà Sở NN-PTNT cần rút kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp làm sao phải gắn kết với cộng đồng dân cư cùng vào cuộc bảo vệ rừng”, ông Châu nhấn mạnh.
Hiện trường vụ khai thác trái phép 23 cây giổi cổ thụ: