| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Long An nỗ lực giữ rừng

Thứ Năm 01/11/2018 , 09:15 (GMT+7)

Long An có 22.786,6ha rừng, trong đó có đến 18.799,6ha rừng sản xuất, chiếm hơn 80% diện tích rừng của tỉnh. 

Ông Đỗ Văn La, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An cho biết, rừng sản xuất của tỉnh chủ yếu do người dân khai khẩn đất hoang, tự bỏ vốn đầu tư, Nhà nước hỗ trợ thủy lợi, xẻ kênh, mương. Thạnh Hoá là vùng khai khẩn nhiều nhất với hơn 9.000ha, kế đó là Đức Huệ hơn 6.000ha...

Anh Bùi Minh Quang, cán bộ kiểm lâm huyện Thạnh Hóa cho biết, vùng đất nhiễm phèn nặng không trồng lúa hay hoa màu được thì dân trồng tràm để ém phèn. Sau 1, 2 chu kỳ trồng rừng, đất có thể chuyển sang trồng lúa hoặc khoai mỡ. Khi đất nổi phèn lại xoay qua trồng rừng. Vì vậy, diện tích rừng SX thường không ổn định, chưa kể diện tích rừng còn thay đổi theo giá gỗ trên thị trường.

Ông Phạm Văn Vũ ở xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa chống sào đưa tôi xem rừng trồng. Ông chia sẻ, với 2,5ha rừng, 2ha lúa và 1,5ha khoai mỡ, gia đình ông có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Rừng thì 4 năm mới thu hoạch một lần. Cứ thế xoay vòng nuôi được 3 đứa con ăn học.

15-16-38_o_phm_v_vu_truoc_cnh_rung_3_nm_tuoi_ti_thnh_ho
Ông Phạm Văn Vũ chống sào ngắm khu rừng trồng sắp thu hoạch

Tuy nhiên, cùng là rừng trồng nhưng hiệu quả tùy thuộc vào kỹ thuật và kinh nghiệm của mỗi người. Trong khi ông Vũ trồng 25.000 cây tràm/ha thì bà Trần Thị Anh Thi, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa chỉ trồng 12.000 cây/ha nhưng giá trị thu hoạch như nhau. Bà Thi cho biết, quan trọng nhất là phải chọn được giống cây tốt, chăm sóc kỹ thì 4 năm có thể bán. Giống xấu, tỷ lệ cây chết cao hoặc bỏ không chăm sóc thì sau 5 năm mới thu hoạch.

Ông Đỗ Văn La cho biết, rừng trồng ở Long An hầu hết là tràm cừ, tràm gió, tràm bông vàng, bạch đàn, keo lai, bần… khắc phục tình trạng diện tích rừng khai thác giảm do dân chuyển đổi cây trồng, tỉnh đã đưa ra đề án trồng cây phân tán trên các trục lộ hoặc bờ lộ, ven sông. Đến nay toàn tỉnh đã trồng được hơn 242 triệu cây, riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã trồng vượt chỉ tiêu 1,5 triệu cây. Đặc biệt, cây trồng phân tán được huyện Tân Hưng bảo vệ rất tốt, quy định mỗi cây chết là chủ tịch xã phải… bỏ tiền túi ra trồng lại.

Ngồi tắc-ráng xé nước đi giữa rừng sâu, anh Kiên Trung Lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Mộc Hóa - Kiến Tường chia sẻ: "Khí hậu vùng này rất khắc nghiệt. Mùa lũ, mưa xoáy đổ cả vạt tràm, tắc nghẽn giao thông đường thủy. Mùa nắng chỉ một búng tàn thuốc cũng có thể gây cháy rừng. Có sống nơi đây mới hiểu câu ca dao “Tháp Mười nước mặn, đồng chua/Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”.

Anh Lâm bảo, anh không thể quên được trận cháy rừng nguyên sinh ở xã Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa năm 2015 mà nguyên nhân chỉ vì dân khai thác mật ong gây ra. “Chúng tôi cắm trong rừng ngày đêm, chỉ chạy ra bìa rừng sạc điện thoại để giữ liên lạc, liên tục hai tuần mới dập tắt lửa. Cháy rụi hơn 80 ha…”, anh Lâm kể.

15-16-38_mu_xoy_do_rung_dtm
Mưa xoáy đổ cả vạt tràm

Ông Nguyễn Văn Sung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa cho biết, sợ nhất là những khu rừng trồng mà chủ không phải dân sống tại chỗ. Hoặc những hộ khai hoang trồng rừng diện tích lớn hàng chục ha, không đủ người bảo vệ. Cây tràm có dầu nên khi bắt lửa thì bùng phát rất nhanh. Vào mùa khô các địa phương thành lập Ban chỉ đạo PCCCR, tổ chức liên quân giữa các lực lượng tại chỗ, như đại đội bộ binh, biên phòng cùng phối hợp chữa cháy.

"Mô hình “4 tại chỗ” (chỉ huy, hậu cần, phương tiện và lực lượng) hoạt động rất hiệu quả trong công cuộc bảo vệ rừng mùa nắng. Suốt ngày đi kiểm rừng, phát hiện cháy là nhào vô cứu nên kiểm lâm Long An được bà con tin yêu. Những năm gần đây, gỗ có giá nên dân ý thức tự bảo vệ rừng. Nhờ vậy mùa khô 2018, Long An không xảy ra vụ cháy rừng nào", ông Đỗ Văn La.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất