| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Việt Nam 45 năm xây dựng và phát triển

Thứ Sáu 18/05/2018 , 07:30 (GMT+7)

45 năm qua (21/5/1973-21/5/2018), lực lượng kiểm lâm nhân dân Việt Nam đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

13-53-20_thu_chuc_mung_ngy_kiem_lm_cu_bo_truong
 

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức của lực lượng kiểm lâm đã có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước qua từng thời kỳ. Đến tháng 8/1991, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được ban hành, tổ chức kiểm lâm dần dần được kiện toàn và không ngừng vượt lên hoàn thành những trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao cho. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành tham mưu cho các cấp chính quyền giao 8.786.572ha (rừng đặc dụng 972.357ha; rừng phòng hộ 3.196.343ha và rừng sản xuất 4.617.872ha) cho 452.168 hộ gia đình và 27.312 tổ chức. Rừng đã được phục hồi và bảo vệ tốt, đưa độ che phủ của rừng từ 28% năm 1992 lên 35,7% vào năm 2002.

Đây là một sự chuyển biến mang tính chiến lược trong việc bảo toàn vốn tài nguyên rừng. Sự chuyển dịch từ nền kinh tế lâm nghiệp quốc doanh bao chiếm đất đai sang nền lâm nghiệp xã hội hóa có tính chất toàn dân, với hình thức tổ chức sản xuất đến hộ gia đình đã tạo nên sự ổn định về sản xuất cũng như đời sống của nhân dân.

Đến năm 2006, thực hiện Nghị định số 119/2006/NĐ-CP, lực lượng kiểm lâm được tổ chức thống nhất từ TƯ đến cấp huyện và thực hiện phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Công chức kiểm lâm được hưởng chế độ thương binh, liệt sỹ; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp thâm niên;...

Ghi nhận thành tích nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/2018), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã tặng bằng khen cho 40 tập thể; 71 cá nhân; Tổng cục Lâm nghiệp tặng Giấy khen cho 55 tập thể và 133 cá nhân; UBND các tỉnh, thành phố tặng nhiều bằng khen cho lực lượng kiểm lâm; Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tặng thưởng nhiều bằng khen, danh hiệu cho các tập thể và cá nhân trong lực lượng kiểm lâm, đặc biệt, lực lượng kiểm lâm được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhất.

Chúng ta đều biết, để giữ được rừng, lực lượng kiểm lâm phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, với bọn tội phạm phá hoại rừng. Tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng ngày càng quyết liệt.

Lực lượng kiểm lâm đã tăng cường chốt chặn ở các địa bàn trọng điểm. Không quản rừng sâu, núi cao, không quản khó khăn gian khổ và những nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, nơi nào có rừng là nơi đó có bàn chân cán bộ kiểm lâm, bất kể mưa, nắng, đêm, ngày, nơi nào có dấu hiệu vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng là kiểm lâm có mặt.

Việc ngăn chặn vấn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu, thì việc chống giặc lửa cũng khó khăn bấy nhiêu. Để từng bước và đi đến chặn đứng tai họa này, lực lượng kiểm lâm đã làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài việc tham mưu để Nhà nước, Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản về phòng cháy, chữa cháy rừng, Cục Kiểm lâm đã lắp đặt và vận hành trạm thu ảnh Modis để phát hiện sớm điểm cháy, thông báo điểm cháy trên website kiểm lâm. Phối hợp với các cơ quan báo chí cảnh báo kịp thời để người dân và lực lượng chức năng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn.

Chính điều này đã giúp kiểm lâm các địa phương kịp thời phát hiện và dập tắt các điểm cháy rừng phát sinh. Kiểm lâm các địa phương đã trực tiếp hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, do vậy diện tích rừng bị cháy hàng năm giảm.

Sự gian lao của lực lượng kiểm lâm đã đổi lại bằng hàng triệu mét khối gỗ, hàng tấn động vật hoang dã bị xử lý tịch thu, trả lại rừng và hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách. Rừng được phục hồi và phát triển đó là công sức của toàn xã hội, nhưng công lớn thuộc về lực lượng kiểm lâm, những người lính giữ rừng với bước đi không mỏi suốt 45 năm đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ rừng.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước về bảo vệ rừng là xã hội hóa và quản lý, bảo vệ rừng tận gốc. Hàng chục nghìn buôn, làng, thôn, bản được kiểm lâm giúp đỡ đã xây dựng và thực hiện tốt quy ước bảo vệ rừng. Người cán bộ kiểm lâm hôm nay không đơn thuần là người thừa hành pháp luật mà còn thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng, hướng dẫn người dân làm giàu từ nghề rừng.

13-53-23_dsc40x60_1555
Kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng

Nhưng nóng bỏng và gay gắt hơn cả là việc kiểm lâm phải đối mặt với bọn tội phạm. Có nhiều vụ chống trả từ lâm tặc đã gây thương tích thậm chí hy sinh tính mạng, thiệt hại tài sản cho lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng đại đa số cán bộ kiểm lâm vẫn vững vàng trên trận tuyến giữ rừng. Trong suốt 45 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đã có trên 2 triệu vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện, xử lý.

Lực lượng kiểm lâm có cơ cấu gồm Cục Kiểm lâm, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng, 63 Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; 6 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, 25 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố. Lực lượng kiểm lâm được cơ cấu gồm 272 phòng, 84 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, 404 hạt kiểm lâm huyện, 47 hạt kiểm lâm liên huyện, 19 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, 11 hạt kiểm lâm rừng phòng hộ. Toàn lực lượng kiểm lâm có 10.260 biên chế (8312 công chức, 936 viên chức, 1.012 lao động hợp đồng).

Trước thực tế là tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tệ nạn phá rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng, chưa kiểm soát được. Thời cơ và vận hội mới đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ NN-PTNT; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để lực lượng kiểm lâm có thể hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề mà Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao cho, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp:

Lực lượng kiểm lâm trong thời gian vừa qua đã đóng một vai trò quan trọng để ngành lâm nghiệp đạt được các chỉ tiêu trong chương trình mục tiêu đề ra: Tăng trưởng của ngành đạt 6,57%, độ che phủ của rừng đạt 41,45%, trồng rừng đạt 225.000ha, khai thác gỗ rừng tập trung đạt 28 triệu m3, công tác bảo vệ rừng đã giảm 38% về số vụ và 68% về diện tích thiệt hại, giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD.

Hiện nay, đúng là lực lượng kiểm lâm đang gặp rất nhiều khó khăn trong ngăn chặn các hoat động phá rừng ngày càng tinh vi, manh động của lâm tặc, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt cũng như đòi hỏi của xã hội đối với lực lượng kiểm lâm ngày càng cao. Vì vậy lực lượng kiểm lâm cần phải thay đổi phương thức, nhận thức về nhiệm vụ của mình. Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng mà kiểm lâm ở các địa bàn phải triển khai thực hiện gần như toàn bộ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực lâm nghiệp; cần phải trau dồi kiến thức về chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ kiểm lâm; phải chấp hành tốt các cơ chế, chính sách..., góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, đảm bảo đạt giá trị xuất khẩu lâm nghiệp 10 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng trên 6%, tỷ lệ che phủ rừng phải đạt 42%.

(Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm)

Xem thêm
Người dân phát hiện, giao nộp 3 cá thể khỉ đuôi lợn

Ngay khi phát hiện 3 cá thể khỉ đuôi lợn, người dân đã giao nộp về cho Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) để chăm sóc và bảo tồn gen quý hiếm.

Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất