| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Yên Bái được trang bị 105 khẩu súng K59 và AK

Thứ Bảy 20/08/2016 , 07:30 (GMT+7)

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác gồm 50 súng AK, 55 súng K59, 118 súng bắn đạn hơi cay, cao su.

Liên quan đến vụ nổ súng tại công sở khiến Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn tử vong, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, NN-PTNT) Nguyễn Quốc Trị đã có báo cáo nhanh sự việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn.

  Lực lượng kiểm lâm tập huấn việc bảo quản và sử dụng súng AK - Ảnh minh họa
Lực lượng kiểm lâm tập huấn việc bảo quản và sử dụng súng AK - Ảnh minh họa


Theo báo cáo, vào khoảng 7 giờ 45 ngày 18-8, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, đã dùng súng bắn 2 cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái tại phòng làm việc là ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái. Sau đó, ông Minh đã tự sát. Vụ việc đang được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ.

Về lý lịch của ông Đỗ Cường Minh, Cục Kiểm lâm cho biết ông Minh sinh ngày 28-11-1963, quê quán huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật. Chính trị: Cao cấp. Từ tháng 8-1983 đến tháng 8-1985, ông Minh công tác tại Xí nghiệp đầu máy Hà Lào. Từ tháng 9-1985 đến tháng 7-1987, ông Minh công tác tại Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ tháng 8-1987 đến tháng 5-1990, ông Minh học trường Công nhân kỹ thuật Truyền thanh - Truyền hình tỉnh Hà Nam Ninh. Từ tháng 6-1990 đến tháng 5-1996, ông Minh công tác tại Đài phát thanh tuyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ tháng 6-1996 đến 6-2008, ông Minh công tác tại Chi cục Chi cục Kiểm lâm Yên bái và giữ chức Phó Chi cục trưởng từ tháng 6-2008. Từ tháng 4-2014, ông Minh giữ chức Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái.

  Ông Đỗ Cường Minh, nghi phạm gây ra vụ nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái
Ông Đỗ Cường Minh, nghi phạm gây ra vụ nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái


Về tình hình trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Cục Kiểm lâm cho biết đơn vị này được trang bị súng tiểu liên AK: 50 khẩu; súng K59: 55 khẩu; súng điện: 4 khẩu; súng bắn đạn hơi cay, cao su: 118 khẩu; dùi cui cao su: 79 cái; dùi cui điện: 98 cái; bình xịt cay: 91 bình; còng số 8: 83 bộ; áo chống đạn: 38 cái; mũ chống đập: 38 cái.

Sáng nay 19-8, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết quy định về trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm được quy định và thực hiện rất chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật. Bộ Công an cũng vừa thanh tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm trong toàn ngành, không có vấn đề gì.

“Tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc biệt và cá biệt, khi người đứng đầu cố ý làm sai. Nó như câu chuyện thủ quỹ quản lý tiền tự ý lấy tiền trong két do mình được giao nhiệm vụ giữ”- ông Tuấn lý giải.

 

Kiểm lâm được trang bị, sử dụng súng thế nào?

Theo Nghị định 25/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng gồm súng ngắn, súng tiểu liên và các loại đạn dùng cho các loại súng này.

Còn theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22-1-2014 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công an Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công vụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, cho thấy kiểm lâm được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và các loại công cụ hỗ trợ khác như dùi cui điện, dùi cui cao su, áo giáp, mũ chống đạn, găng tay bắt dao, khóa số 8, động vật nghiệp vụ.

Còn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui cao su, phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng bắt dao, mũ chống đạn.

Thông tư liên tịch quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hạt Kiểm lâm huyện, quận, thị xã, thành phố, Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kể trên có trách nhiệm giao vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ kiểm lâm có đủ tiêu chuẩn theo quy định để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của pháp luật.

Người đứng đầu các đơn vị có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm giao công cụ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách có đủ tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm đáp ứng điều kiện quy định, được huấn luyện chuyên môn, được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí thì được giao vũ khí. Họ chỉ được sử dụng vũ khí để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép.

Thông tư liên tịch này cũng quy định, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản tập trung tại kho của đơn vị, giao nhận vũ khí phải có sổ sách. Cán bộ kiểm lâm được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vũ khí, khi kết thúc nhiệm vụ, hết thời hạn được giao, thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu…, phải bàn giao vũ khí cho cơ quan.

Quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, thông tư liên tịch này quy định người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Điều 9 Nghị định 25/2012/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khi khi thi hành công vụ.

 

(nld.com.vn)

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm