| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát chặt chất cấm, tránh “thiệt hại kép”

Thứ Tư 18/04/2012 , 10:01 (GMT+7)

Cơ quan quản lý cần thống kê thiệt hại của những người nuôi heo chân chính, qua đó xử lý thật nặng những đối tượng sử dụng chất cấm...

Hội thảo khoa học về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn do Liên hiệp các hội KHKT Đồng Nai cùng Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Hội Hóa học và TCty CNTP Đồng Nai (Dofico) tổ chức hôm qua 17/4.

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến bức xúc bày tỏ việc sử dụng chất cấm đang gây “thiệt hại kép” qua đó nêu những nghịch lý của ngành chăn nuôi và bày tỏ những hiến kế về công tác quản lý…

Nghịch lý của ngành chăn nuôi

Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Đồng Nai vào thẳng vấn đề, thời gian qua, việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi, và việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV đã rất được quan tâm tuy nhiên thực tế vẫn còn xảy ra. Điều này gây tác hại lớn cho người sử dụng hôm nay và con cháu mai sau và còn gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Chính vì thế, việc thông tin kịp thời cho người tiêu dùng biết nhằm tránh hoang mang cho người sử dụng, qua đó cần phải làm rõ việc ai bán chất cấm, ai sử dụng chất cấm để có hướng xử lý kịp thời tránh làm ảnh hưởng đến nền chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Đồng Nai nêu nghịch lý: Thịt gia súc, gia cầm là thực phẩm không thể thiếu hàng ngày. Nhưng, trên thị trường bày bán một lượng sản phẩm chăn nuôi không nhỏ không được kiểm định chất lượng. Như vậy, người tiêu dùng bỏ tiền ra nhưng chỉ mua được sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm – đây là một nghịch lý lớn.


Người chăn nuôi chân chính đang bị “thiệt hại kép” do một số ít người 
sử dụng chất cấm

Đau lòng hơn, gần đây người tiêu dùng đã bị mất lòng tin vào sản phẩm thịt do những thông tin sử dụng natri sunphat (Na2SO4) làm tươi thịt ôi thiu. Mới đây nhất là việc một số người nuôi heo sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng chứa Clenbuterol và Salbutamol (là những chất mà Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục cấm sử dụng). Mục đích của người chăn nuôi sử dụng những loại chất được cho là “thần dược” này nhằm cho gia súc tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao, màu sắc tươi đẹp… Trong khi đó, các chất tăng trọng, tạo nạc này được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa. Theo ông Hải, người tiêu dùng vừa “tiền mất, tật mang” khi sử dụng sản phẩm thịt còn tồn dư chất cấm không gây chết người ngay lập tức nhưng về lâu dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thiệt hại kép

Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Cty chăn nuôi heo Phú Sơn chua xót nói: Chúng tôi là nạn nhân. Ông phân tích: Từ năm 2006, 2008 khi giá heo đang ở mức chấp nhận được thì có thông tin chất cấm khiến người tiêu dùng khựng lại, còn thương lái làm giá khiến cho giá heo hạ đến chóng mặt. Chỉ sau một ngày giá heo giảm tới 10.000đ/kg. Phú Sơn có khi đàn heo tới 4.200 con nái với 37.000 heo thịt, một tuần cung cấp ra thị trường hơn 700 con heo (trung bình 100kg/con) thì số tiền Phú Sơn bị vạ lây lên tới hơn 2 tỷ đồng/tháng.

Chính vì thế, trước tình hình người dân sử dụng chất cấm hiện nay, ông Mẽ đề nghị cơ quan quản lý cần thống kê thiệt hại của những người nuôi heo chân chính qua đó xử lý thật nặng những đối tượng sai phạm vì đã góp phần làm điêu đứng ngành chăn nuôi. Ông Mẽ cho rằng, vì mục tiêu kinh tế thì cái gì người ta cũng dám làm bởi nguy hiểm như buôn ma túy nhưng vì lợi nhuận người ta vẫn vi phạm. Chính vì thế phải xử lý thật nghiêm những người vi phạm mới mong có thực phẩm sạch còn người chăn nuôi chân chính mới không bị vạ lây.


Proconco luôn thể hiện được thương hiệu mạnh qua việc đảm bảo chất lượng TĂCN

Ông Tạ Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Cty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco (DN sản xuất TĂCN hàng đầu Việt Nam) cho biết, bao nhiêu năm qua, Proconco luôn khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng. Chúng tôi luôn cung cấp cho thị trường những sản phẩm TĂCN có chất lượng cao nhất qua đó mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người chăn nuôi nhằm cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn. Chính vì thế, việc sử dụng buôn bán chất cấm trong thời gian qua mà báo chí phản ánh đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường TĂCN khiến người làm chân chính cũng bị ảnh hưởng.

Từ khi thành lập (năm 1999) chúng tôi chỉ cung ứng 20.000 tấn/năm đến nay Proconco cung ứng tới 1,2 triệu tấn TĂCN/năm nhưng chưa bao giờ sản phẩm của chúng tôi bị phát hiện có chất cấm. Làm được điều này là do Proconco có quy trình sản xuất TĂCN hiện đại, nghiêm ngặt về quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Vì thế, ông Hùng kiến nghị cơ quan chức năng phải quản lý và kiểm soát chặt các chất phụ gia được phép nhập. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý kiểm soát chất cấm, và khuyến khích người chăn nuôi có ý thức để tạo ra sản phẩm sạch qua đó thành lập chuỗi liên kết từ trang trại tới bàn ăn…

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.