| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát châu chấu tre lưng vàng

Thứ Sáu 21/09/2018 , 14:35 (GMT+7)

Châu chấu tre lưng vàng (Ceracris kiangsu Tsai 1929) là một loài côn trùng gây hại nghiêm trọng cho cả cây trồng lâm nghiệp và nông nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

15-13-13_nh_1_5
Châu chấu tre lưng vàng phá hoại ngô

Cho đến nay, các quốc gia vẫn đang tích cực tìm kiếm giải pháp để ngăn chặn hiệu quả châu chấu tre lưng vàng. Với sự hỗ trợ của FAO, một dự án hỗ trợ kỹ thuật đã ra đời nhằm tăng cường ứng phó khu vực để kiểm soát đối loài côn trùng này.
 

Gây thiệt hại nặng nề

Tại Trung Quốc, các đợt bùng phát châu chấu tre đã được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông, Trùng Khánh, Chiết Giang và Giang Tô (2006 - 2007), tỉnh Hồ Nam (2012), một số khu vực thuộc tỉnh Vân Nam và Quảng Đông (2017).

Tại Lào, đợt bùng phát nghiêm trọng đầu tiên được ghi nhận vào năm 2014 tại khu vực Đông Bắc nước này (ở các huyện Ponthong và Viengkham thuộc tỉnh Luang Prabang). Tiếp đó là đợt bùng phát năm 2015 và 2016 khi dịch châu chấu đã lan rộng sang nhiều huyện khác, để lại hậu quả là 2.300ha cây trồng đã bị tàn phá. Tháng 5/2017, các đợt bùng phát tiếp tục được ghi nhận tại 23 huyện thuộc 5 tỉnh khu vực miền Bắc của Lào (Luangprabang, Phongsaly, Huaphan, Oudomxali và Xiangkhouang). Dựa trên số lượng ổ trứng phát hiện được cuối năm 2016 cùng với số đợt bùng phát đã được báo cáo năm 2017, Cơ quan Bảo vệ thực vật quốc gia Lào cho biết khả năng bùng phát dịch châu chấu tre lưng vàng sẽ xảy ra ở quy mô lớn hơn nhiều trong năm 2017.

Tại Việt Nam, các đợt bùng phát châu chấu tre lưng vàng cũng đã được ghi nhận tại 3 tỉnh giáp ranh với Lào (Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn) vào năm 2008 và đến năm 2016 đã bùng phát gây hại trên 4.000ha cây trồng, trong đó có khoảng 770ha cây nông nghiệp. Tháng 5/2017, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo phát hiện châu chấu tre lưng vàng xuất hiện mới tại tất cả các tỉnh đã từng bị ảnh hưởng và có thể gây ra đợt bùng phát nghiêm trọng tại các khu vực này trong năm 2017.

Cả Lào và Việt Nam đều rất lo ngại về việc châu chấu tre lưng vàng tràn qua biên giới vào cả các tỉnh đang bị ảnh hưởng và các tỉnh chưa bị ảnh hưởng cũng như nguy cơ ngay trước mắt về việc tăng số lượng quần thể châu chấu. Tình hình này càng đòi hỏi phải thiết lập một hệ thống giám sát và trao đổi thông tin giữa các quốc gia về diễn biến châu chấu tại Lào và Việt Nam để tiến hành các hoạt động đồng bộ nhằm kiểm soát châu chấu tre lưng vàng.
 

Kiểm soát, ngăn chặn chưa hiệu quả

Liên quan đến việc kiểm soát châu chấu tại Lào, Cơ quan Bảo vệ thực vật của Lào đã triển khai hệ thống giám sát để xác định ổ trứng và thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng ở gần những khu vực có phát hiện ổ trứng.

15-13-13_nh_3_3
Phun thuốc phòng trừ châu chấu tre lưng vàng

Các biện pháp kiểm soát này đã giúp ngăn chặn thiệt hại tại các khu vực được xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả kiểm soát vẫn bị hạn chế do một số vấn đề như: địa hình đồi núi với độ dốc cao gây khó khăn cho việc đi lại và tiếp cận vị trí châu chấu gây hại; mưa lớn và lũ lụt xảy ra trong khi đang tiến hành các hoạt động kiểm soát; các ổ trứng xuất hiện ngay gần nguồn nước, trang trại hoặc khu dân cư gây hạn chế khả năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học và khiến các đội kiểm soát khó hoạt động do thiếu phương tiện đi lại.

Tại Việt Nam, việc tăng cường giám sát và thực hiện các hoạt động kiểm soát đã được tiến hành tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn hạn chế do kiến thức kỹ thuật hạn chế và thiếu kinh nghiệm phòng chống; thiếu trang thiết bị để phát hiện châu chấu và triển khai các hoạt động giám sát, phòng chống châu chấu tre lưng vàng.

Thêm vào đó, việc kiểm soát kịp thời số châu chấu con mới nở chỉ có thể được thực hiện ở những khu vực nhỏ do khó phát hiện ổ trứng và khó tiếp cận các khu vực đồi núi dốc; kinh phí từ các địa phương đều chưa đủ để thực hiện các chiến dịch kiểm soát một cách hiệu quả.
 

FAO hỗ trợ dự án nâng cao năng lực kiểm soát châu chấu tre lưng vàng

Trước yêu cầu cấp thiết từ các quốc gia trong khu vực, FAO đã triển khai dự án “Hỗ trợ khẩn cấp tăng cường ứng phó trong khu vực nhằm Kkểm soát châu chấu tre lưng vàng tại Lào và Việt Nam”.

15-13-13_nh_2_4
Chuyên gia FAO tập huấn cách tìm tổ châu chấu tre lưng vàng

Với sự hỗ trợ của FAO, dự án hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực về kiểm soát châu chấu tre lưng vàng, ngăn ngừa không để châu chấu tre lung vàng gây hại cho cây trồng.

Theo kế hoạch, dự án xây dựng hệ thống kiểm soát châu chấu trong khu vực và cơ chế hợp tác nhằm theo dõi sự di chuyển/di cư xuyên biên giới của châu chấu tre lưng vàng trên cơ sở kiểm soát châu chấu bền vững trong khu vực; tăng cường năng lực quốc gia và cải thiện thể chế cho cả Lào và Việt Nam để đảm bảo công tác kiểm soát châu chấu tre lưng vàng được thực hiện hiệu quả hơn.

Đồng thời, dự án cũng giúp xây dựng phương thức hợp tác chung giữa Lào và Việt Nam về giám sát điện tử và xây dựng chiến lược kiểm soát nhằm hỗ trợ chia sẻ thông tin và tăng cường ở mức cao nhất các biện pháp giảm thiểu số lượng quần thể châu chấu ở ngay giai đoạn châu chấu non, qua đó giảm mức độ gây hại của châu chấu đến cây trồng.

Trước những khó khăn về kỹ thuật cũng như tài chính, việc hỗ trợ của FAO để thực hiện dự án này là hết sức cần thiết và kịp thời. Dự án hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh đã bị châu chấu tre gây hại, kiểm soát bền vững đối tượng dịch hại này. Dự án góp phần bảo vệ an toàn cho cây trồng lâm nghiệp cũng như nông nghiệp.

Đối tượng được thụ hưởng của dự án là cán bộ của Cục Bảo vệ thực vật, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh và nông dân. Cụ thể, cán bộ của Cục Bảo vệ thực vật có cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế, tiếp cận với các chuyên gia của FAO, thường xuyên trao đổi thông tin và kết quả dự án với cán bộ kỹ thuật của các quốc gia tham gia dự án.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và BVTV các địa phương tham gia dự án được nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn về phương pháp điều tra, phát hiện châu chấu tre lưng vàng, và áp dụng các biện pháp kiểm soát hiệu quả, bền vững.

Người nông dân tại những địa phương hàng năm bị ảnh hưởng do sự xâm nhập và gây hại của châu chấu tre lưng vàng cũng được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật kiểm soát.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.