| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát giết mổ gia súc: Trên nóng, dưới lạnh

Thứ Tư 14/03/2018 , 08:01 (GMT+7)

Hàng năm, tại các cuộc họp, định kỳ có, đột xuất có lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đều yêu cầu ngành NN-PTNT, các địa phương tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giết mổ gia súc nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người tiêu dùng.

Thậm chí, một số văn bản chỉ đạo còn nhấn mạnh: “Nếu Chủ tịch huyện, xã để xảy ra vi phạm về công tác giết mổ gia súc thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh”.

10-26-29_1
Tỷ lệ giết mổ gia súc tập trung dịp Tết tăng đột biến nhờ sự vào cuộc kiểm tra của các đoàn liên ngành (ảnh: TN)

Cấp tỉnh “nóng” như vậy nhưng thực tế xuống đến cấp huyện, cấp xã thì tinh thần chỉ đạo giảm hẳn, nếu không muốn nói một số địa phương bất lực trước... tể lô.
 

Cấp xã chưa xử phạt được trường hợp nào

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 40 lò giết mổ gia súc; trong đó, 2 lò giết mổ treo (xã Gia Phố - huyện Hương Khê và Thạch Đồng – TP Hà Tĩnh), còn lại là lò giết mổ trên bệ bê tông. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, có 3 lò ở Hương Khê là Gia Phố, Phúc Trạch, Phúc Đồng không hoạt động, phải đến khi đoàn liên ngành của tỉnh, huyện thành lập đoàn kiểm tra, lượng “cầu” của người tiêu dùng tăng đột biến thì 3 lò trên mới hoạt động.

Những ngày cận Tết, tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tại các lò mổ ở Hương Khê có khi tăng đến vài ba trăm phần trăm so với ngày thường. Số liệu này nhìn được mặt tích cực khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhưng cũng cho thấy một thực tế Hương Khê là “điểm đen” về công tác kiểm soát giết mổ gia súc nhiều năm nay. Bởi chẳng có địa phương nào tỷ lệ giết mổ bình quân bằng 0 như Hương Khê và cũng chẳng có tiểu thương ở đâu liều như tiểu thương ở đây khi bất chấp pháp luật hắt cả chậu tiết lợn lên người lực lượng chức năng đang trong quá trình kiểm tra công tác giết mổ gia súc tại chợ trong dịp tết.

Theo ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, những năm gần đây công tác giết mổ gia súc trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, trong đó nổi bật là các địa phương như: Thạch Hà, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh...

Tuy nhiên, cũng đang còn không ít huyện như Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ... tỷ lệ gia súc đưa vào lò giết mổ tập trung đạt tỷ lệ thấp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này trước hết là do sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt; các hộ hành nghề giết mổ chưa tự giác, thậm chí ra mặt chống đối cơ quan chức năng; giá lợn rẻ nên nhiều hộ chăn nuôi chung đụng nhau giết mổ tại nhà...

Câu chuyện cụ thể là năm 2017 khi đoàn liên ngành đến kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc tại huyện Đức Thọ, nhiều tể lô cửa đóng then cài nhưng bên trong vẫn hành nghề giết mổ lợn. Đoàn đề vào kiểm tra thì hộ dân yêu cầu lệnh khám xét.

10-26-29_2
Hầu hết lò mổ ở Hà Tĩnh đang thực hiện trên nền bê tông, cần đầu tư chuyển sang giết mổ treo để đảm bảo ATVSTP (ảnh: TN)

“Để tránh xảy ra xung đột, lúc đó Đoàn liên ngành phải mật phục đầu ngõ để hộ tể lô này đem thịt ra ngoài mới bắt giữ, xử lý được”, ông Khánh nói; đồng thời cho rằng: “Muốn tăng tỷ lệ gia súc đưa vào lò giết mổ tập trung thì cấp xã phải là đơn vị vào cuộc mạnh nhất. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có xã nào xử phạt được tể lô vi phạm hoạt động giết mổ gia súc tại nhà vì lý do anh em quen biết, nể nang”.
 

Hơn 30 xã quản lý giết mổ kém

Số liệu báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho thấy, toàn tỉnh đang có 34 xã bị “điểm mặt chỉ tên” quản lý hoạt động giết mổ tập trung kém. Để siết chặt hoạt động giết mổ tại các xã này, trước tết đoàn liên ngành tỉnh phối hợp các địa phương ra quân kiểm tra, xử lý các tể lô vi phạm.

Kết quả chuyển biến rõ rệt nhưng sau tết tỷ lệ gia súc đưa vào lò giết mổ tập trung “đâu lại vào đấy”, bởi nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân giảm; ngoài ra, các tể lô có tư tưởng ít đoàn kiểm tra nên lén lút giết mổ tại nhà. “Bất cập này là... truyền thống. Cứ thành lập đoàn kiểm tra thì tỷ lệ tăng, hết đoàn là giảm”, ông Khánh chia sẻ.

Cũng theo ông Khánh, hầu hết lò mổ trên địa bàn tỉnh xây dựng từ năm 2013 – 2014 nay đã xuống cấp; một số lò hệ thống xử lý môi trường chưa đảm bảo; công tác ghi chép sổ sách tại các lò chưa đầy đủ... nên ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ATVSTP.

Sắp tới để siết chặt hoạt động quản lý giết mổ tập trung, tỉnh sẽ nâng cấp 2 lò mổ bê tông Thạch Đồng và Thạch Tân (TP Hà Tĩnh) sang giết mổ treo; đồng thời khảo sát, đề xuất hỗ trợ lò mổ Gia Phố (Hương Khê) nâng cấp hệ thống xử lý nước, thay thế bàn bê tông bằng inox; đề xuất chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT cho lực lượng trực tiếp kiểm soát giết mổ tại lò...

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 79.800 con trâu; 211.800 con bò và 422.000 con lợn. Tỷ lệ giết mổ tập trung bình quân năm 2017 đạt 88% đối với trâu, bò và 66% đối với lợn.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.