| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát tốt dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm

Thứ Tư 31/07/2024 , 13:28 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh Bộ NN-PTNT sẽ có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để đảm bảo nguồn cung cho dịp cuối năm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí sáng 31/7 về các công tác của ngành nông nghiệp thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo chí sáng 31/7 về các công tác của ngành nông nghiệp thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Chia sẻ về các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói trước cần tập trung giải ngân đầu tư công để cải thiện hạ tầng của ngành, từ đó tạo ra các chuỗi liên kết, kết nối từ sản xuất đến thị trường.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

“Với việc sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, đường biên giới dài, thương mại sôi động thì việc phòng chống dịch bệnh cho động vật cả trên cạn lẫn dưới nước cũng như với cây trồng cần được quan tâm”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phân tích.

Cụ thể về vấn đề dịch tả lợn Châu Phi, Thứ trưởng cho biết đây là dịch bệnh có ở nhiều quốc gia và Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý từ năm 2019 đến nay.

Thời gian gần đây, dịch tả lợn Châu Phi có xảy ra ở một số địa phương, tuy nhiên lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng một phần nguyên nhân của dịch là do triển khai tiêm vacxin chưa tốt.

“Ở cùng một khu vực, những trang tại không tiêm vacxin xảy ra dịch, lợn chết nhiều trong khi ở nơi lợn được tiêm vacxin không bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng chia sẻ kết quả chuyến kiểm tra tại Hòa Bình vừa qua.

Trước tình hình đó, Thủ tướng đã có chỉ thị riêng về dịch tả lợn Châu Phi và Bộ NN-PTNT đã đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để người chăn nuôi có thể nắm được.

“Từ nay đến cuối năm, với những kết quả sản xuất của 7 tháng vừa qua, có thể tin tưởng, yên tâm về nguồn cung thực phẩm. Sang tháng 8, Bộ sẽ tổ chức hội nghị về phát triển chăn nuôi lợn trong những tháng còn lại của 2024 để đảm bảo được nguồn cung”, Thứ trưởng thông tin thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với động lực từ thành tự khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, ngành sẽ tập trung thúc đẩy các kết quả nghiên cứu vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và có giá trị gia tăng lớn trong tất cả các lĩnh vực.

Để tăng giá trị nông sản, việc thu hút, đưa thêm các doanh nghiệp vào các chuỗi liên kết cũng là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Song song đó là việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để có được những thương hiệu mạnh, tương xứng với sản lượng, chất lượng của nông sản Việt Nam.

Liên quan vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai, Thứ trưởng cho biết, khi xảy ra xâm nhập mặn, Bộ NN-PTNT đã có những dự báo và chỉ đạo rất chính xác. Chỉ có một số địa phương xuống giống không theo khuyến cáo mới bị ảnh hưởng. Còn lại, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật của Bộ NN-PTNT khuyến cáo giúp sản lượng lúa thời gian qua không bị ảnh hưởng nhiều.

“Bằng nhiều biện pháp, Bộ NN-PTNT đã cùng với các địa phương và bà con nông dân giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra. Giữ được sản lượng, giữ được chất lượng và giữ được thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi là công tác trọng tâm trong những tháng tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi là công tác trọng tâm trong những tháng tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Giá trị xuất khẩu vượt 34 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 34,27 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập khẩu 24,85 tỷ USD; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Về xuất khẩu, tính riêng tháng 7 đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với  tháng 7/2023; trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD (tăng 25,2%), lâm sản 1,4 tỷ USD (tăng 15,8%), thủy sản 880 triệu USD (tăng 13,2%), chăn nuôi 47,4 triệu USD (tăng 9,3%).

Tính chung 7 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 34,27 tỷ USD. Cụ thể, trong 7 tháng qua, gái trị xuất khẩu nông sản đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản đạt 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8%.

Về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,1%, tăng 21,6%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 11,3% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 4%.

Tổng quan toàn ngành, trong tháng 7, Bộ NN-PTNT đã tập trung hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa thu đông, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu sớm; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và đàn gia súc, gia cầm được quan tâm.

Song song đó, Bộ NN-PTNT cũng tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU.

Có thể thấy, sau 7 tháng của năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, giảm thiểu tối đa thiệt hại,

Từ đó, bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các giải pháp khơi thông thị trường, ký kết các đơn hàng mới đã có hiệu quả, kết quả tốt, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,8%.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.