Dùng búa đục bắt hàu
Chiều ngày đầu tháng 7, nước thủy triều trên cửa sông An Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) - nơi bốn nhánh sông Trường Giang hợp lưu để lại khu vực ven bờ trơ đáy. Lúc này báo hiệu thời khắc phù hợp để hàng trăm người dân xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang và Tam Hòa bắt đầu mưu sinh. Người nổ máy giong ghe thuyền mang theo ngư lưới cụ tiến ra cửa sông; người cầm búa, đục đi dọc bờ bắt hàu.
Nước thủy triều rút, phụ nữ xã Tam Hải ra bờ kè bắt hàu. |
Dưới cái nắng chiều oi ả ngày hè, bà Nguyễn Thị Linh, xã Tam Hải tìm đến bờ kè, cầu cống được làm bằng bê tông quanh khu vực cửa sông để tách hàu bám vào dày đặc.
Bà Linh cầm trên tay chiếc búa, đục cùng rỗ nhựa đi dọc tuyến kè tìm nơi hàu trú ẩn để khai thác. Cách thức không mấy khó khăn, bà Linh cho đục vào từng con hàu rồi dùng búa đóng phát ra tiếng kêu lóc cóc khiến hau tách ra. Còn con nào dễ, bà dùng lực của bàn tay gỡ chúng.
Sau 30 phút làm việc, bà Linh mang về thành quả một rổ hàu chất đầy đổ vào bao tải. Công việc tiếp tục lặp lại như vậy cho đến khi nước thủy triều dâng lên.
“Nghề này vất vả lắm vì hàu rất sắc, nếu mình sơ sẩy thì bị cứa vào da thịt gây chảy máu. Hạn chế việc này chúng tôi phải mang tất vào chân, tay để bảo vệ”, bà Linh nói và cho rằng, lớp hàu bám vào tường bê tông nhiều nhưng có con sống, có con đã chết. Người thợ sẽ chọn đục những con lớn, con nhỏ thì để lại cho nó lớn hôm sau ra khai thác.
Bà Nguyễn Thị Linh dùng búa đục hàu bám vào cầu cống. |
Theo bà Linh, nghề bắt hàu phụ thuộc vào con nước thủy triều. Nước xuống thì để lại những con hàu trơ lên bờ tường, tuyến đê kè nhưng khi thủy triều dâng lên ngập hơn 1 m không bắt được chúng. Lúc đó những người khai thác hàu phải nghỉ việc.
“Một ngày nước xuống nhiều nhất khoảng 6 tiếng thì lên lại, ngày ít được hai tiếng. Có những lúc con nước xuống giữa trưa nắng đành phải phơi mình trong nhiệt độ cao để mưu sinh, nếu không làm thì mất cơ hội”, bà Linh nói và cho biết ngày bắt được từ 50 đến 60 kg hàu thu về khoảng 300.000 đồng. Đây khoản tiền tương đối lớn đối với những phụ nữ sống ở làng biển - nơi không có đất để canh tác nông nghiệp.
Cũng bắt hàu nhưng chị Trần Thị Xuân, xã Tam Hòa mang chiếc rổ và bao tải tiến về cánh rừng ngập mặn ven bờ để làm việc. Đôi chân được mang tất và đôi tay trang bị bằng gang tay vải len đi vào khu rừng. Chị di chuyển đến rễ, gốc cây bần, mắm, đước… để bắt hàu bám vào. Có con đã lộ thiên bám rất chắc, có con vùi mình vào bùn cát.
Loại dính chặt vào cây chị dùng sức lực của đôi tay bóc ra cho vào rổ. Chui rúc hết cây này đến cây chị Xuân đem về cho mình thành quả một rỗ hàu và đổ vào bao tải.
Chị Trần Thị Xuân bắt hàu bám vào gốc cây. |
“Nếu nước xuống vào ban đêm thì dùng đèn pin mang trên đầu rồi dọi bắt. Loại hàu được thương lái thu mua nhiều nên không lúc nào ế ẩm”, chị Xuân thông tin và cho biết bình quân mỗi ngày khai thác được 60-70 kg hàu, bán với giá 5.000 mỗi kg thu về 250 đến 300.000 đồng.
Khác với bà Linh và chị Xuân, bà Nguyễn Thị Minh, xã Tam Quang chọn cách ngâm mình trong nước mò hàu. Bà tìm đến những bãi bồi ven sông nước sâu khoảng 50 cm để bắt. Giữa dòng nước rộng mênh mông nhưng đôi tay, chân của bà khua liên tục để trúng hàu bắt bỏ vào thùng xốp nổi trên mặt nước. Chiếc thùng này được nối vào người bằng một sợi dây, người đi đến đâu thùng theo phía sau.
Bà Nguyễn Thị Minh ngâm mình trong nước bắt hàu. |
“Nghề bắt hàu đã giúp chị em chúng tôi có nguồn thu nhập khá ổn định. Thời gian làm việc 3 đến 5 giờ thu về khoảng 300 ngàn đồng. Ở xã có hơn 100 phụ nữ làm nghề bắt hàu và không phải đầu tư gì cả, cứ thủy triều cường xuống là chúng tôi đi. Hàu ở cửa sông được nhiều người ưa chuộng vì ngon, giàu chất dinh dưỡng”, bà Minh tâm sự.
Ốc đinh xuất ngoại
Cũng trên cửa sông An Hòa nước rút xuống để những bãi bùn đất, cát nhô lên thì vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng, xã Tam Giang mang đồ nghề và chèo lái thuyền ra sông bắt ốc đinh. Chạy khoảng 30 phút, hai người tìm được nơi nước cạn khoảng nửa mét. Đôi chân chèo lái ghe, hai tay cầm cào tự chế bằng cán tre dài khoảng 4 m, phía dưới gắn túi lưới.
Thuyền nổ máy đi một lối thẳng, anh Tùng cho cào xuống đáy, đôi tay nắm chặt cần sào. Khoảng 100 m, một đống ốc đinh, vỏ hàu, ngao, sìa lẫn lộn nằm gọn trong túi lưới và đưa lên đổ vào ghe. Lúc này, người vợ bắt đầu đổ vào rổ phân loại, chúng được xoay đi xoay lại nhiều lần cho ốc định lọt xuống, phía trong rổ còn lại vỏ hàu, ngao, sìa.
Theo anh Tùng ốc đinh này rất khó bắt, khi nước thủy triều lên chúng vùi trong bùn đất, chỉ nước cạn thì mới chui ra. Tuy nhiên, có những lúc nước cạn cũng không bắt được chúng, bởi nước ngọt nhiều chúng nằm trong bùn cát, chỉ nổi lên khi nước có độ mặn cao.
Kết thúc công việc khi mặt trời lặn, vợ chồng anh Tùng đánh bắt được hơn trăm kg ốc đinh. “Giá bán bình loại 65 con một lạng là 10.000 đồng một kg; còn ốc nhỏ, vỏ hàu đóng vào bao tải bán cho các sở sản xuất nung vôi giá 10.000 đồng một bao”, anh nói và cho biết ốc đinh đưa về các điểm thu mua và được bấm bỏ phần đuôi để sơ chế. Sau đó được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu ra nước ngoài làm món ăn.
Ốc đinh bắt về được cắt bỏ phần đuôi và xuất khẩu ra nước ngoài. |
Hàu là loài động vật nhuyễn thể thuộc nhóm thân mềm hai mảnh vỏ trong họ hàng nghêu, sò nhỏ sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển. Hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu. Hàu ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển, thịt hàu ngon và ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, có chứa protein, glucid, chất béo, kẽm, magiê, canxi… dùng để nấu cháo, nấu canh hoặc xào luộc, là món ăn rất ngon và bổ được nhiều người ưa thích. Hàu có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái vì chúng lọc tạp chất từ nước và là nguồn thực phẩm cho cộng đồng dân cư ven biển. Ốc đinh hay còn được gọi là ốc hút chúng thường có kích thước từ 1cm đến 2cm. Ốc đinh thường có dạng hình xoắn ốc, thịt ốc có màu đen thơm và ngon thường được thị trường Hàn Quốc cực kỳ ưa chuộng. Ốc đinh cung cấp một lượng lớn các khoáng chất cho cơ thể. |