| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra phòng chống thiên tai khu vực Đông Nam Bộ

Thứ Sáu 02/08/2019 , 10:32 (GMT+7)

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn vừa kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.

13-08-01_hinh_3
Kiểm tra cống xả lũ hồ Đồng Xoài (Bình Phước).

Đoàn bao gồm đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), Bộ Y tế.

Sau buổi làm việc với Ban chỉ huy PCTT - TKCN các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, đoàn đã thị sát hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), hồ Đồng Xoài (Bình Phước), hồ Sông Mây (Đồng Nai) và kiểm tra việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), TP Đồng Xoài (Bình Phước) và huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

Trong thời gian qua tại ba tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai không xảy ra thảm hoạ thiên tai, ngoại trừ mưa lớn, dông, lốc gây ngập lụt cục bộ và thiệt hại về giao thông ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, tại ba tỉnh trên vẫn còn một số việc chưa làm được như chậm thành lập đội xung kích PCTT cấp xã, khó khăn trong việc xây dựng năng lực cho nhân sự PCTT, thu quỹ PCTT đạt thấp (Tây Ninh mới thu được 16% theo kế hoạch), trang thiết bị PCTT chưa bảo đảm, còn thiếu xuồng, áo phao, máy khoan cắt bê tông, xe cứu thương...; một số công trình thuỷ lợi xuống cấp, hư hỏng chưa được duy tu, bảo trì do thiếu kinh phí; hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai còn thiếu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao việc triển khai công tác PCTT - TKCN và tinh thần sẵn sàng đối phó với thiên tai của ba tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

13-08-01_hinh_5
Nghe báo cáo về phương án xả lũ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).

Theo Thứ trưởng, trong 6 tháng cuối năm 2019, các tỉnh cần làm tốt 6 điểm sau:

Thứ nhất, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các cấp; Rà soát, điều chỉnh Kế hoạch, nhiệm vụ PCTT - TKCN của các cấp; xây dựng phương án ứng phó các loại hình thiên tai trên địa bàn theo cấp độ rủi ro thiên tai, sát với thực tiễn; đồng thời phát huy tốt vai trò thường trực công tác TKCN của cơ quan quân sự các cấp; tiếp thu ý kiến các cơ quan, hoàn thiện phương án ứng phó các tình huống thiên tai trong 6 tháng cuối năm 2019.

Thứ hai, triển khai lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là phòng chống bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Rà soát quy hoạch, chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, giảm thiểu tác động của thiên tai; kiểm tra, đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập (nếu có), đồng thời có phương án đảm bảo an toàn công trình PCTT, cơ sở hạ tầng, khu dân cư, khu vực sản xuất; điều chỉnh các bất cập của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông.

Thứ ba, tập trung nguồn lực, phối hợp với các địa phương, bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét làm cơ sở cho việc quy hoạch phân bố lại dân cư gắn với PCTT. Rà soát, chủ động di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai, có phương án sơ tán đảm bảo an toàn đối với các hộ chưa có điều kiện di dời.

Thứ tư, xây dựng quy chế phối hợp các lực lượng: Dân quân tự vệ, công an, thanh niên, các đoàn thể xã hội...; xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu. Chỉ đạo lực lượng công an các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đê điều, PCTT, tài nguyên nước, đặc biệt là tập trung xử lý; có phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó các tình huống thiên tai, nhất là bão mạnh, siêu bão, động đất...

Thứ năm, ngành Y tế ở ba tỉnh cần có phương án tổ chức lực lượng y tế cơ động, sẵn sàng cơ động cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị người bị thương, bị nạn; phát huy hiệu quả công tác kết hợp quân dân y trong PCTT-TKCN; sử dụng lực lượng quân y, lực lượng huy động ngành y tế để bảo đảm cho các tình huống khẩn cấp; đặc biệt chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương: người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ có thai.. tổ chức dự trữ thuốc, hóa chất vật tư y tế, chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai.

13-08-01_hinh_4
Kiểm tra thiết bị y tế, thuốc men cấp cứu khi có thiên tai tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

Thứ sáu, huy động các nguồn lực để tạo quỹ PCTT của địa phương; tổ chức thu và quản lý quỹ PCTT đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chi quỹ PCTT theo đúng quy định của pháp luật.

Các địa phương kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT để các địa phương thực hiện được thuận lợi; kiến nghị Bộ NN-PTNT bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước xung yếu như Tha La (Tây Ninh), Đa Tôn, Sông Mây, Gia Ui (Đồng Nai), Suối Láp, Suối Lai, Thọ Sơn, Sơn Phú, Hưng Phú, Ông Thoại, Bình Hà 1, Bù Nâu (Bình Phước)...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.