| Hotline: 0983.970.780

Kiên cố hóa kênh mương để phát huy hệ thống thủy lợi

Thứ Bảy 11/05/2024 , 10:34 (GMT+7)

Nếu kênh mương xập xệ, dù hồ đập có nhiều và hiện đại đến mấy thì hệ thống thủy lợi cũng chẳng thể phát huy hiệu quả.

Hơn 55 tỷ đồng/năm để kiên cố hóa kênh mương

Xác định hệ thống kênh mương là “cánh tay nối dài” của hệ thống thủy lợi, những năm qua, Bình Định dốc lực tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương trên địa bàn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh có hơn 4.000km kênh mương nội đồng, đến nay, ngành chức năng Bình Định đã kiên cố hóa được gần 2.500km. Riêng giai đoạn 2021-2023 tỉnh này đã kiên cố được 389km kênh mương. Các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân và thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn là những địa phương có tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa cao.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, xác định nước tưới là tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nên trong những năm gần đây, Bình Định đã đầu tư 70 dự án với 138 hạng mục công trình thủy lợi có với tổng kinh phí hơn 4.100 tỷ đồng.

Trong đó, sửa chữa, nâng cấp 48 hồ chứa nước phục vụ tưới cho hơn 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, xây dựng mới 21 đập dâng, đảm nhận nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và tưới cho gần 19.000 ha. Bên cạnh đó, Bình Định còn xây dựng, kiên cố 134km kênh thủy lợi cấp 1, đảm bảo tưới ổn định cho 3.100 ha.

Bình Định có hơn 4.000km kênh mương nội đồng, đến nay, ngành chức năng tỉnh này đã kiên cố hóa được gần 2.500km. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định có hơn 4.000km kênh mương nội đồng, đến nay, ngành chức năng tỉnh này đã kiên cố hóa được gần 2.500km. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong công tác kiên cố hóa kênh mương, Bình Định ưu tiên hỗ trợ cho những xã thuộc diện về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, Bình Định phấn đấu kiên cố hóa 600km kênh mương, kênh mương nội đồng (kênh cấp 3), nâng tổng chiều dài kênh mương, kênh mương nội đồng được kiên cố đến năm 2025 là 2.900km trong tổng số hơn 3.900km, đạt tỷ lệ gần 74%”, ông Trần Văn Phúc thông tin.

Trong năm 2024, trên địa bàn Bình Định tiếp tục sẽ có gần 137km kênh mương được kiên cố hóa phục vụ tưới cho 9.081 ha cây trồng, với tổng kinh phí đầu tư là trên 55,6 tỷ đồng. Kinh phí kiên cố hóa kênh mương trong năm 2024 được Bình Định ưu tiên bố trí cho các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, như: xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân), xã An Quang (huyện An Lão) và các xã nông thôn mới nâng cao năm 2024, như: xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn), xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn), những xã đăng ký kế hoạch thực hiện kiên cố hóa kênh mương năm 2024 để hoàn thành tiêu chí thủy lợi.

Kênh mương được kiên cố, năng suất lúa tăng lên

Thị xã An Nhơn là 1 trong những địa phương có tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa cao nhất Bình Định. Từ năm 2013 đến hết năm 2023, trên địa bàn thị xã An Nhơn đã có hơn 386km kênh mương thủy lợi được bê tông hóa theo chính sách kiên cố hóa kênh mương của tỉnh.

Năm 2024, các xã, phường trên địa bàn thị xã An Nhơn tiếp tục đăng ký thực hiện kiên cố hóa 121 tuyến kênh mương với hơn 48km, riêng phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) sẽ thi công 9 tuyến kênh mương thủy lợi đã đăng ký với gần 4,5km.

Kênh tưới hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định) được kiên cố hóa nên thuận lợi việc dẫn nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

Kênh tưới hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định) được kiên cố hóa nên thuận lợi việc dẫn nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Quốc Cường, Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành cho biết: “Đến cuối năm 2023, trên địa bàn đã thi công xong 57 tuyến kênh mương với gần 20km, đáp ứng nhu cầu dẫn nước tưới cho hơn 400 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”.

Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, trước đây, hệ thống kênh mương trên địa bàn hầu hết được xây dựng bằng đất. Qua nhiều năm sử dụng, bị nắng, mưa, bão lũ bào mòn và do tác động của con người nên đã bị hư hỏng, ảnh hưởng đến việc dẫn nước tưới cho đồng ruộng.

“Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao hiệu quả tưới tiêu của hệ thống kênh mương, những năm qua, thị xã An Nhơn đã thực hiện kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương, mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo ra kết nối giao thông giữa các địa phương trong khu vực”, ông Bùi Văn Cư chia sẻ.

Huyện Tuy Phước là một  trong những địa phương có tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa cao nhất Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Huyện Tuy Phước là một  trong những địa phương có tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa cao nhất Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Một minh chứng cụ thể về hiệu quả của công tác kiên cố hóa kênh mương là tuyến kênh mương nội đồng dài 573m ở đồng Cây Xay đến Ngõ Lý thuộc thôn Bình An 2, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã được kiên cố hóa và đưa vào sử dụng từ vụ hè thu năm 2023. Từ đó đến nay, gần 30ha ruộng lúa ở đây không còn rơi vào cảnh thiếu nước.

Theo ông Nguyễn Phụng Tiên, Trưởng thôn Bình An 2 (xã Phước Thành), lúc tuyến kênh nói trên chưa được kiên cố, việc dẫn nước của tuyến kênh này không đảm bảo, tỷ lệ thất thoát nước rất cao. Lòng mương bị đất bồi lắng nghiêm trọng, trong khi cự ly dẫn nước từ hồ Cây Thích về khá xa, nên hầu hết các diện tích lúa ở cuối kênh thường bị thiếu nước, đặc biệt là trong những vụ hè thu.

“Do không đảm bảo nước tưới nên trước đây, cây lúa ở cánh đồng thôn Bình An 2 sinh trưởng và phát triển chậm, tỷ lệ cỏ dại mọc trong chân ruộng nhiều dẫn tới năng suất đạt thấp, bình quân chưa đến 240kg/sào (500 m2). Từ ngày tuyến mương được đầu tư kiên cố hóa, cánh đồng luôn có đủ nước tưới để gieo sạ 2 vụ/năm, năng suất lúa tăng đến hơn 320kg/sào”, ông Nguyễn Phụng Tiên chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.