| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Nhân giống cá bống tượng từ nông hộ

Thứ Tư 31/12/2008 , 09:30 (GMT+7)

Mô hình nhân giống cá bống tượng thành công trong nông hộ đã mở hướng đi mới cho nông dân.

Ao nhân cá giống bống tượng tại Giồng Riềng

Huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang quanh năm được hưởng nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về, nên từ những năm 1990 bà con nông dân ở đây đã tận dụng diện tích mặt nước dọc các bờ kênh để nuôi cá bống tượng thương phẩm. Song, lâu nay vấn đề con giống vẫn là nỗi trăn trở của người nuôi cá bống tượng.

Ở thị trấn Giồng Riềng có 2 hộ đang ứng dụng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá bống tượng. Trong đó, mô hình do gia đình anh Nguyễn Văn Sĩ thực hiện đã đạt kết quả đáng mừng. Anh Sĩ cho biết: Với 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 800 m2 đất, gần chục năm qua gia đình chuyên sống bằng nghề SX cá giống. Song, do thiếu vốn, chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên hiệu quả thấp. Quá trình theo dõi, thấy cá bống tượng nuôi được cả trong mương vườn, kênh rạch và trong ruộng lúa, đem lại giá trị kinh tế cao. Vậy là năm 2006, anh mua 5 cặp cá bống thả nuôi vào ao đất.

Sau 1 năm, mỗi con nặng trên 300 gram. Quan sát thấy bụng cá to tròn, mềm nên anh Sĩ quyết định cho cá sinh sản bằng cách chuyển chúng qua bể có để giá thể. Chừng một tuần sau thấy có cá con nở. Nhưng do chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật nên trong giai đoạn ương, cá con bị hao hụt 1/3.

Cuối năm 2007, được Sở Khoa học - Công nghệ và chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, anh Sĩ tiếp tục lao vào công việc. Trước khi thả cá bố mẹ, anh rút cạn nước, vét sạch lớp bùn đáy, diệt tạp, rải 15 kg vôi bột /100 m2 kết hợp phơi đáy ao 2-3 ngày mới cấp nước vô ở mức 1,2-1,5 m. Kế đó, anh mua 45 cặp cá bố mẹ từ 12 tháng tuổi trở lên, trọng lượng đạt 350-450 g/con, không dị tật, dị hình thả nuôi. Trước khi cho cá đẻ, anh kiểm tra thấy bụng cá to, tròn, mềm đều, có gai sinh dục tròn, đỏ lớn hơn của con đực, vuốt nhẹ thấy có dịch màu trắng tiết ra thì tiến hành tiêm 2.500 UI HCG + não thùy cho 1 kg cá. Liều tiêm cá đực bằng ½ liều tiêm cho cá cái.

Tiêm xong, thả chúng vô bể đặt sẵn giá thể. 48 giờ sau, chúng bắt cặp sinh sản. Tuỳ thời tiết, cá đẻ dứt điểm có thể kéo dài 4-5 ngày. Cứ 24 giờ kiểm tra/lần, giá thể cho cá đẻ phải đặt trong bể có máy sục khí, phòng tránh trứng cá bị hư vì thiếu ôxy. Cá đẻ rồi thì đem giá thể lên bể ấp và cho máy sục khí hoạt động 24/24 giờ. Nước sử dụng ấp trứng phải xử lý bằng thuốc tím với liều lượng 1g/m3. Khoảng 36-48 giờ sau trứng nở, vớt giá thể ra và bắt đầu cho cá bột ăn lòng đỏ trứng gà, vịt trong 25-30 ngày đầu. Sau đó, chuyển dần sang cho cá ăn trùn chỉ. Được 45 ngày tuổi thì tập dần cho chúng ăn bằng cá tạp xay nhỏ, mịn đến khi xuất bán. Qua 4 đợt ấp, anh Sĩ thu được 15.300 cá bột và 35.000 cá hương. Tính ra, tổng số tiền bán cá giống được 75.450.000 đồng, trừ đi các khoản chi phí, anh còn lãi hơn 30.000.000 đồng.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng Phạm Huỳnh Lâm, hiện nay toàn huyện có 14.392 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích 7.374 ha, riêng số hộ nuôi cá bống tượng chiếm khoảng 1/3 diện tích, tập trung ở các xã Thạnh Hưng, Thạnh Lộc, Bàn Thạch, Ngọc Chúc… Mô hình nhân giống cá bống tượng thành công trong nông hộ đã mở hướng đi mới cho nông dân.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất