| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang vào vụ thu hoạch tôm nuôi

Thứ Sáu 23/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch tôm nuôi nước lợ với niềm vui trúng mùa, được giá.

Mặc dù giá tôm hiện nay có giảm so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao, nông dân thu lợi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/ha tùy hình thức nuôi.

21-00-31_gi-gim-nhung-vn-o-muc-co-nong-dn-vn-li-rong-30-40-trieu-dong-moi-h-tom-lu-1
Giá tôm giảm nhưng vẫn ở mức cao, nông dân lãi ròng 30-40 triệu đồng/ha

Dịch bệnh được khống chế

Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL luôn dao động ở mức cao, người nuôi tôm có lãi lớn. Đây chính là yếu tố kích thích nông dân quan tâm đầu tư mạnh cho vụ tôm mới.

Ông Chín Tặng (Trần Văn Tặng), một nông dân làm theo mô hình tôm - lúa nhiều năm qua ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang cho biết: "Mọi năm cứ thu hoạch lúa xong là tôi cho nước mặn vào để thả nuôi vụ tôm mới, ít quan tâm đến xử lý môi trường. Nhưng năm nay tôm được giá, nên tôi kêu máy vào múc sên vét lại hệ thống kênh mương, gia cố lại đê bao, đầu tư bài bản và thả nuôi đúng lịch thời vụ.

Hy vọng sẽ có một vụ tôm trúng mùa. Đến nay tôm nuôi đã được gần 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt và không có dịch bệnh xảy ra".

Tương tự, ông Lê Hồng Lữ ở xã Đông Hòa, An Minh cũng đầu tư mạnh cho vụ tôm nước lợ 2014 này. Ông Lữ cho biết, sau vụ lúa, gia đình không nóng vội mà chờ nước sông đủ độ mặn mới bơm vào vuông, rồi xử lý kỹ cho đến khi đạt yều cầu về chất lượng nước mới mua giống về thả. Hiện nay, tôm đã đạt 30 - 35 con/kg. Gia đình đã thu hoạch hơn 250 kg, bán được 50 triệu đồng.

“Tôm đang có giá, mình lựa con lớn thua hoạch trước để thu hồi vốn cho yên tâm. Hơn nữa, việc bắt theo kiểu tỉa thưa sẽ giúp cho số lượng tôm còn lại mau lớn. Vì nuôi quảng canh không cho ăn mồi, nếu để mật độ dày sẽ thiếu thức ăn, tôm chậm lớn lại dễ sinh ra dịch bệnh”, ông Lữ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, vụ tôm năm nay, ngoài khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, ứng dụng KHKT vào SX, trung tâm còn triển khai nhiều mô hình giúp nông dân nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Cụ thể, đối với mô hình tôm - lúa, trung tâm triển khai dự án nuôi tôm quản lý cộng đồng diện tích 42 ha tại xã Nam Thái, huyện An Biên.

Đây là mô hình giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, đã được trung tâm triển khai nhiều năm qua ở các địa phương đều mang lại hiệu quả cao. Còn đối với tôm nuôi công nghiệp (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), đơn vị triển khai hai mô hình là nuôi theo quy trình bán Biofloc và VietGAP (nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia).

Theo ông Toản, để đảm bảo vụ tôm thắng lợi, ngay từ đầu vụ trung tâm đã hưóng dẫn người nuôi phải tuân thủ lịch thời vụ cũng như quy trình kỹ thuật. Đồng thời khuyến cáo bà con khai báo khi có dịch bệnh xảy ra, để cơ quan chức năng chủ động xử lý, dập dịch; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp và các hộ dân thả nuôi hết diện tích theo quy hoạch, nhất là đối với tôm nuôi công nghiệp, nhằm đảm bảo sản lượng đã đề ra.

Nhờ đó, mà từ đầu năm đến nay trên đại bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn trên tôm. Các dịch bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng… đã được khống chế, chỉ xảy ra nhỏ lẻ ở một vài đại phương với diện tích không đáng kể.

Tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng có xảy ra hiện tượng tôm bị sốc môi trường, do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá cao. Tuy nhiên, phần lớn là tôm đã đạt khoảng 2 tháng tuổi, nông dân vẫn có thu hoạch và không bị lỗ vốn.

Giá giảm nhưng vẫn cao

Năm nay, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 89.000 ha tôm nước lợ, trong đó có 2.235 ha nuôi theo hình thức thâm canh công nghiệp, với tổng sản lượng thu hoạch là 52.000 tấn tôm nguyên liệu.

21-00-31_gi-gim-nhung-vn-o-muc-co-nong-dn-vn-li-rong-30-40-trieu-dong-moi-h-tom-lu
Nông dân huyện An Minh thu hoạch tôm sú nuôi quảng canh trền nền đất lúa

Đến nay, các địa phương đã thả nuôi được 87.400 ha, trong đó tôm công nghiệp là 1.096 ha, quảng canh cải tiến 15.619 ha, còn lại là tôm - lúa. Hiện nhiều địa phương đã bước vào thu hoạch tôm nuôi chính vụ, năng suất đạt khá cao, cộng với giá tôm ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi.

Ông Quảng Trọng Thao, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, hiện tôm nuôi quảng canh trên nền đất lúa đã vào vụ thu hoạch chính và kéo dài từ nay đến tháng 8 sẽ kết thúc mùa vụ. Còn tôm nuôi công nghiệp vẫn tiếp tục được thả nuôi. Những diện tích thả sớm cũng đã cho thu hoạch.
Tính đến đầu tháng 5, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 7.000 tấn tôm thương phẩm, trong đó có 2.847 tấn tôm thẻ chân trắng, còn lại là tôm sú nuôi quảng canh.

Tại các huyện vùng U Minh Thượng (vùng quy hoạch nuôi tôm - lúa chính của tỉnh), nông dân đã vào vụ thu hoạch cả tháng nay và hiện đang là đỉnh điểm, sản lượng khá dồi dào. Nhờ đó, tình hình khan hiếm tôm nguyên liệu phục vụ chế biến ở các nhà máy cũng đã giảm, kéo theo sự hạ nhiệt của giá tôm.

Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng hiện ở mức 100.000 đ/kg đối với loại 100 con/kg, loại 60 con 125.000 đ/kg, giảm khoảng 10.000 đ/kg so với cách đây 10 ngày và giảm gần 50.000 đ/kg so với giá đỉnh điểm đầu năm. Tương tự, giá tôm sú cũng lần lượt giảm từ 5.000 - 15.000 đ/kg tùy loại, so với cách đây hơn 1 tuần giá chỉ còn 280.000 đ/kg loại 20 con, loại 40 con 225.000 đ/kg.

Đây là mức giá tại nhà máy, còn tại vùng nuôi giá tôm sú loại 40 con có lúc xuống dưới 200.000 đ/kg, thẻ chân trắng 98.000 đ/kg loại 100 con. Trong khi tôm thẻ giảm đều ở tất cả các cỡ thì tôm sú lại chỉ giảm mạnh đối với cỡ lớn, loại 15 - 20 con/kg.

Mặc dù giá đang biến động theo chiều hướng giảm nhưng theo nhiều nông dân nuôi tôm thì mức giá hiện tại vẫn rất hấp dẫn người nuôi. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá bình quân vẫn tăng từ 9 - 33%.

 Với mức giá này, mỗi ha nuôi quảng canh, bình quân nông dân thu hoạch được 300 kg tôm thương phẩm, lợi nhuận không dưới 40 triệu đồng. Còn nuôi thâm canh công nghiệp, năng suất đạt tới 7 - 8 tấn, có hộ trên 10 tấn, bỏ túi vài trăm triệu là bình thường.

Theo ông Chín Tặng, tôm cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác ở ĐBSCL, bao giờ cũng vậy, cứ vào vụ thu hoạch rộ là giá lại giảm. Đây là chuyện bình thường. Nguyên nhân giá tôm giảm ngoài yếu tố mùa vụ, còn do tâm lý nông dân lo ngại giá tiếp tục giảm hoặc sợ dịch bệnh xảy ra nên thu hoạch vội, kể cả tôm cỡ nhỏ.

Hơn nữa, thời tiết bắt đầu vào giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, buộc nông dân phải thu hoạch để tránh rủi ro. Do đó, đã khiến cho nguồn cung tăng vọt.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất