| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh

Thứ Sáu 30/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Tại hội thảo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 28/10, PGS Văn Như Cương đề xuất nên để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh.

Để các Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Thẳng thắn nhìn nhận đánh giá kì thi THPT quốc gia vừa qua, GS Trần Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, nhấn mạnh: Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã có một chủ trương rất tốt, rất đúng. Bố trí kỳ thi “2 trong 1”, như vậy đỡ cho dân chúng một kỳ thi, trong khi một kỳ thi có khoảng một triệu người di chuyển thì rất tốn kém.

Mục đích thi tốt nghiệp THPT là đạt yêu cầu, phân loại điểm để các trường ĐH, CĐ có thể chọn được sinh viên tốt cũng đạt yêu cầu. Như vậy kì thi “2 trong 1” là một sáng kiến rất hay và nên tiếp tục, song cần có một số bổ sung.

“Chúng ta không cần tổ chức thêm 100 cụm thi và nên giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức kì thi THPT quốc gia, vì mỗi tỉnh có nhiều huyện thì Sở GD-ĐT nên tổ chức cụm thi liên huyện để học sinh bớt phải di chuyển. Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ tiếp tục tiết kiệm được chi phí. Bộ tiếp tục giữ vai trò thiết kế đề thi. Trước đây khi Sở tổ chức thi thì vẫn còn hiện tượng giám thị “lơ” cho học trò chép, nhưng với tính chất cạnh tranh ở kì thi THPT quốc gia thì chắc tình trạng này sẽ được xóa bỏ” - GS Trần Phương.

Về công tác tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ trong năm tới, GS Trần Phương đề nghị Bộ GĐ-ĐT cho phép tất cả các trường tuyển sinh dựa trên kết quả kì thi THPT quốc gia và học bạ. Cả hai cách thức tuyển sinh này đều đảm bảo được rằng, những học sinh có trình độ tốt đều có thể được tuyển vào các trường CĐ, ĐH.

Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra “ngưỡng” để đảm bảo chất lượng còn các trường sẽ thực hiện. Năm 2015, Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép một số trường tổ chức tuyển sinh 2 đợt (tháng 2 và tháng 8). Chính vì thế năm tới cần phải cho phép tất cả các trường đều được phép tổ chức tuyển sinh 2 đợt.

Nên giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh

Khá gay gắt với những bất cập trong việc tổ chức kì thi THPT quốc gia vừa qua, PGS Văn Như Cương bày tỏ: Vừa rồi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều khẳng định kì thi THPT quốc gia đối với cả một quá trình học tập của học sinh là chuyện nhỏ và tôi rất tâm đắc với điều này. Trong quá trình đào tạo ở bậc phổ thông thì có nhiều khâu và khâu kiểm tra, đánh giá chỉ là một trong số đó.

PGS Văn Như Cương cho biết: “Tôi rất hoang mang bởi chúng ta chỉ làm một việc nhỏ nhưng vừa rồi chúng ta phải dùng toàn bộ sức lực của Bộ GD-ĐT, các giảng viên trường ĐH, giáo viên phổ thông… mà vẫn làm chưa ổn.

Vậy những chuyện lớn như cải cách cơ bản và toàn diện thì chúng ta lấy đâu ra năng lực để mà làm. Chính vì thế cần phải có một phân tích kỹ lưỡng vì sao chuyện nhỏ mà làm chưa được. Cái chưa được ở tôi muốn nói tới đó là giảm nhẹ căng thẳng, giảm về tài chính, lựa chọn được người xứng đáng đỗ tốt nghiệp và vào ĐH, CĐ”.

Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT nếu tiếp tục tổ chức kì thi THPT quốc gia thì nên để thí sinh đăng ký nguyện vọng khi làm hồ sơ ĐKDT để tránh rối loạn; công tác xét tuyển giao hoàn toàn cho các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ quy định về “ngưỡng” đảm bảo chất lượng vì điều đó là không cần thiết, sử dụng phần mềm hệ thống chung để xét tuyển…

PGS Văn Như Cương phân tích, sở dĩ không làm được là do giao việc không đúng. Vì Bộ GD-ĐT đã “ôm” lấy hoàn toàn kì thi THPT quốc gia. Ở phổ thông thì Bộ GD-ĐT đều giao cho các Sở GD-ĐT làm việc từ A đến Z và đến khi đến kì thi THPT thì Bộ lại ôm lấy. Ở ĐH thì Bộ GD-ĐT cũng giao toàn quyền tự chủ từ A đến Z trừ việc tổ chức tuyển sinh. Ông Cương đánh giá, rõ ràng đây là điều vô lý.

Vì vậy, ông cho rằng nguyên nhân chủ yếu là Bộ GD-ĐT đã “ôm” lấy công việc mà đáng lý phải tin tưởng giao cho cơ sở. Đề xuất giải pháp giải quyết, theo PGS Văn Như Cương: “Chỉ khi làm được điều này thì chúng ta mới thoát ra khỏi mớ bùng nhùng này”.

Từ đó, PGS Văn Như Cương đề nghị xem xét lại hai kì thi trước đây nhưng dưới một quan điểm khác đó là kì thi tốt nghiệp THPT giao cho Sở GD-ĐT và làm rất nhẹ nhàng, có thể làm một bài thi đánh giá tổng hợp gồm tất cả các môn học.

Đối với tuyển sinh thì giao cho các trường ĐH, CĐ làm. Đề nghị này của PGS Văn Như Cương nhận được sự đồng tình của nhiều người tham dự hội thảo.

Tiếp thu, bổ sung để điều chỉnh

Trước những ý kiến thẳng thắn của các chuyên gia giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Quan điểm của Bộ GD-ĐT là luôn lắng nghe một cách cầu thị, những gì hợp lý sẽ tiếp thu để bổ sung, điều chỉnh cho năm tới.

Ông Phạm Mạnh Hùng cũng bày tỏ: “Thành công của kì thi năm 2015 là kết quả công sức của toàn xã hội chính vì thế việc nói Bộ GD-ĐT “ôm đồm” tất cả các công việc của kì thi này là không đúng”. Theo ông, trong những thành công thì cũng có những điểm bất cập nhưng Bộ GD-ĐT cũng đã chủ động để giải quyết. Về việc tự chủ tuyển sinh thì thực hiện nhiều năm nay, đơn vị nào có đủ năng lực và trình đề án lên thì Bộ GD-ĐT đều xem xét và có ý kiến.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất