| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết xử lý

Thứ Tư 15/08/2012 , 10:34 (GMT+7)

Q.Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về tình hình nhập lậu trâu, bò từ Lào về Việt Nam...

Q.Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về tình hình nhập lậu trâu, bò từ Lào về Việt Nam qua khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, sau khi Cục này có chuyến kiểm tra thực tế tại bản Đin Đăm, huyện Nọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (Việt Nam), đồng thời có các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An và Cty CP Lương thực Hồng Hà (TCty Lương thực miền Bắc) - đơn vị được phép nhập khẩu trâu, bò từ Lào về Việt Nam theo đường chính ngạch.

>> Về đến Đô Lương đi đâu cũng được
>> Bạn sốt sắng, ta... ngồi nhìn
>> Mua bán lậu xuyên quốc gia

Địa phương, cơ quan thú y buông lỏng

Báo cáo khẳng định, việc nuôi trâu, bò vỗ béo nhập từ Lào về từ lâu đã trở thành nghề của nhiều hộ dân tại xã Nậm Cắn. Trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu thịt trâu, bò trong nước tăng cao, người dân xã Nâm Cắn còn tham gia dắt thuê trâu, bò qua biên giới cho các đầu nậu. Trâu, bò được dắt qua đường mòn cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khoảng 2km để đưa về các điểm tập kết thu gom. Hiện nay, trên địa bàn xã Nậm Cắn có 8 điểm thu gom trâu, bò nhập lậu từ Lào về Việt Nam. Trâu, bò được tập kết về các điểm thu gom sau đó được đưa về chợ Ú – chợ trâu, bò Đô Lương (Nghệ An).

Theo Trạm Thú y huyện Kỳ Sơn, toàn bộ số trâu, bò nhập lậu từ Lào về tập trung tại 8 điểm thu gom nêu trên không được cơ quan thú y quản lý, kiểm tra và tiêm phòng các bệnh, đặc biệt là bệnh LMLM. Việc kiểm dịch trâu, bò vận chuyển từ xã Nậm Cắn về chợ trâu bò Đô Lương gặp nhiều khó khăn do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan.

Huyện, xã đề nghị được đi qua cửa khẩu

Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn khẳng định: Bản thân một số hộ dân chung vốn mong muốn đưa trâu, bò qua cửa khẩu chính ngạch để được làm thủ tục đầy đủ nhưng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phải chịu thuế nhập khẩu 5% và thuế giá trị gia tăng. UBND xã sẽ vận động bà con thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan thú y và phối hợp với các cơ quan thú y thực hiện quản lý và kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom qua biên giới. Đồng thời đề nghị cơ quan thú y cử cán bộ thường trực tại xã Nậm Cắn để thực hiện kiểm dịch, tiêm phòng khi người dân có yêu cầu.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định: Đồng tình với quan điểm của Cục Thú y và sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã Nậm Cắn thực hiện quản lý, kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom trên địa bàn xã Nậm Cắn, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho vận chuyển trâu bò từ Lào về Việt Nam qua đường chính ngạch thay vì phải dắt qua đường mòn, sau khi vào địa bàn xã Nậm Cắn sẽ được tập kết tại các điểm nuôi nhốt để thực hiện các thủ tục kiểm dịch.

Triển khai chốt kiểm soát

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu trâu, bò từ Lào, giữa Việt Nam và Lào đã thống nhất về yêu cầu vệ sinh thú y và mẫu chứng nhận kiểm dịch; Cục Thú y đã nhất trí giao cho Cty CP Lương thực Hồng Hà (TCty Lương thực miền Bắc) sử dụng khu cách ly kiểm dịch bên đất Lào để Thú y Việt Nam và Lào phối hợp thực hiện kiểm dịch 1 lần (theo cơ chế một điểm dừng của Hiệp định GMS). Theo đại diện của Cty Hồng Hà, do thuế nhập khẩu quá cao nên Cty đang tạm ngưng nhập khẩu trâu, bò từ Lào về theo đường chính ngạch.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ chỉ đạo UBND xã Nậm Cắn tổ chức quản lý đối với trâu, bò thu gom qua biên giới, các điểm tập kết trâu, bò, phối hợp với Trạm Thú y Kỳ Sơn tổ chức quản lý, kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom; Trạm Thú y giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, tổ chức tốt công tác tiêm phòng đối với trâu, bò nuôi tại địa phương, thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với trâu, bò thu gom tại địa bàn xã Nậm Cắn vận chuyển về chợ trâu bò Đô Lương.

Khi trâu bò từ Nậm Cắn về chợ trâu bò Đô Lương có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y Kỳ Sơn thì chỉ kiểm tra lâm sàng, mã số thẻ tai, làm cơ sở để cấp giấy kiểm dịch ra khỏi tỉnh, không thu phí kiểm dịch.

“Lập chốt kiểm soát vận chuyển trâu, bò từ Lào về Việt Nam có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, kiên quyết xử lý đối với những tường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đầu tư cơ sở vật chất cho chốt kiểm dịch động vật tại chợ trâu bò Đô Lương, đồng thời các cấp, các ngành tại địa phương sớm phối hợp triển khai quản lý, kiểm dịch trâu, bò thu gom qua biên giới. Giao Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm dịch trâu, bò thu gom qua biên giới, phân công rõ trách nhiệm cho chính quyền các cấp, các ngành chức năng và cơ chế phối hợp, chậm nhất đến ngày 15/8/2012 phải triển khai thực hiện”, lãnh đạo tỉnh Nghệ An khẳng định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.