| Hotline: 0983.970.780

Kiên tâm bám biển: Bài 1 - Ruộng năng canh, biển năng hành

Thứ Hai 24/06/2019 , 14:35 (GMT+7)

Từ bao đời nay, ngư dân miền Trung đã coi hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa là nguồn sống và kiên tâm gìn giữ. Ấy vậy mà bây giờ Trung Quốc đơn phương ra thông báo tạm ngừng đánh bắt trên các vùng biển, trong đó có 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, lập tức khiến ngư dân bức xúc.

Các thuyền viên tàu cá QNg 90954TS phấn khởi vì chuyến đi biển vừa qua được mùa.

Đó là khẳng định của ngư dân miền Trung trước việc Cơ quan quản lý nghề cá của Trung Quốc đơn phương ra thông báo cấm ngư dân đánh bắt cá trên các vùng biển, trong đó có 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân miền Trung cho rằng đây là thông báo vô giá trị và họ vẫn kiên tâm bám biển để vừa mưu sinh vừa gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 

Thông báo phi lý

Những ngày tháng 6, chúng tôi về các làng biển trong khu vực miền Trung để chứng kiến không khí hồ hởi khi những tàu cá về bờ từ ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa tàu nào tàu nấy đầy ắp cá. Nhất là vùng biển Nam Trung bộ, nhiều tàu cá bội thu nhờ trúng đậm luồng cá ngừ đại dương.

Trong những cuộc trò chuyện thân tình với các ngư dân, chúng tôi nhắc đến việc Cơ quan quản lý nghề cá của Trung Quốc tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8 trên các vùng biển, trong đó có vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, 2 ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung, ai nấy đều có phản ứng rất quyết liệt với thông báo nói trên. Với họ, đây là thông báo phi lý và tất cả đều quyết tâm bám biển.

“Ông bà xưa có nói: Ruộng năng canh, biển năng hành. Nếu vì thông báo này mà không vươn khơi thì gia đình chúng tôi lấy gì mà ăn, vả lại, trên biển mà vắng ngư dân thì như căn nhà không có chủ. Vì vậy, trước thông báo phi lý của Trung Quốc, chúng tôi càng kiên tâm bám biển hơn để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, đó là ý kiến của hầu hết ngư dân chúng tôi gặp trong chuyến công tác vừa qua.

Ngư dân Châu Anh Tuấn (42 tuổi), thuyền trưởng tàu cá KH 90019 TS, hành nghề lưới cản ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang, Khánh Hòa) là thế hệ thứ 3 của 1 gia đình đã có 3 đời làm nghề biển. Năm mới 15 tuổi anh đã theo cha ông ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa để bắt đầu vào nghề đánh bắt cá.

Ngư dân Châu Anh Tuấn (42 tuổi), thuyền trưởng tàu cá KH 90019 TS quyết tâm bám biển.

Sau nhiều năm miệt mài bám biển, hiện anh Tuấn trở thành một thuyền trưởng giỏi, là “đầu tàu” dẫn dắt 11 lao động trong những chuyến biển xa khơi mang về lộc biển để gia đình các thuyền viên có cuộc sống no đủ. Trước thông báo của Trung Quốc, anh Tuấn xem như đây là hành động “tước” miếng ăn không chỉ của thuyền viên tàu của anh mà của cả ngư dân miền Trung.

Ông Châu Bạc, chủ tàu cá QNg 90954TS ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), hành nghề câu mực khơi ở ngư trường Hoàng Sa cho biết, ông cũng có nhận thông tin về việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa.

Nhưng chuyến biển vừa rồi, tàu cá của ông cùng 47 thuyền viên vẫn đánh bắt tại ngư trường này như bình thường. Sau 3 tháng ra khơi, tàu cá của ông trở về với sản lượng gần 40 tấn mực khô, ai nấy đều vô cùng phấn khởi.

“Thông thường, tàu của tôi thường đi mỗi chuyến biển mất 3 tháng. Sau chuyến đi này, khoảng 10 ngày nữa chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi. Mình đánh bắt trên biển của mình, không xâm phạm sang ngư trường của nước ngoài thì có gì phải sợ. Không chỉ có riêng tàu cá của tôi mà tàu của những ngư dân khác ở Quảng Ngãi những ngày qua vẫn hoạt động đánh bắt trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa”, ngư dân Bạc nói.
 

Biển của ta, ta hành

Lão ngư Bùi Thanh Ninh (62 tuổi) ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người đang “cầm chịch” 12 tàu cá công suất lớn chuyên hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa kiêm nghề câu cá ngừ đại dương khi được hỏi về cái “thông báo phi lý” của Trung Quốc, ông Ninh tỏ vẻ không quan tâm, bảo: “Trung Quốc làm vậy là vi phạm Công ước của Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế.

Tôi nghe đài đọc báo và được biết là hiện nay có nhiều bằng chứng rất giá trị khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, ông cha chúng tôi từ xa xưa đã đánh bắt tại 2 ngư trường này, đến nay chúng tôi tiếp nối. Vậy mà giờ Trung Quốc cấm là cấm làm sao, biển của mình mà họ cấm ngư dân mình đánh cá, không thể phi lý hơn.

Mặc kệ thông báo, 16 chiếc tàu do tôi quản lý hiện vẫn đang đánh bắt tại 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa”. Như để xác tín câu chuyện của mình, ông Ninh rút trong túi ra chiếc điện thoại thông minh, bật định vị đưa cho chúng tôi nhìn những chấm xanh trên màn hình, rồi nói tiếp: “Những chấm xanh trên màn hình là những chiếc tàu cá của tôi đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả các thuyền viên trong đội tàu cá của tôi không nao núng trước thông báo cấm biển của Trung Quốc”, ông Ninh khẳng định.

Đang mùa vụ đánh bắt chính, thắng lợi nối tiếp thắng lợi, bởi thế ngư dân miền Trung đang chạy đua thời gian để kiếm lộc biển. Tại Cảng Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) vào thời điểm này hầu như tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ đều ra khơi. Chỉ có một vài chiếc trở về sau chuyến đi biển dài ngày với tôm cá đầy khoang. Theo ngư dân tại đây thì các tàu đánh bắt xa bờ của địa phương thời gian qua đánh bắt tương đối hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các thuyền viên và lợi nhuận từ 200 - 300 triệu mỗi chuyến cho các chủ tàu.

Nhiều tàu cá ở Quảng Nam ra khơi trở về thắng lợi.

Ngư dân Phạm Quyến, chủ tàu cá QNa 91234TS cho biết, tàu của ông có công suất 660 CV làm nghề câu mực ở ngư trường Hoàng Sa.

Với mỗi chuyến biển, ông Quyến và các thuyền viên thường đi liên tục trong 2 tháng. Trở về chuyến này, sau khi trừ các chi phí và chia tiền công cho bạn thuyền, riêng bản thân ông lãi khoảng 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Hiện đang vào mùa đánh bắt chính, không khí tại Cảng cá Quy Nhơn không lúc nào là không náo nhiệt. Tàu cập cảng, tàu xuất bến nườm nượp. Hàng năm, số lượng tàu cá thông qua cảng có đến 14.000 chiếc, bình quân mỗi ngày có 40 chiếc cập cảng, xuất bến, ngày cao nhất trong mùa vụ chính có đến 130 chiếc. Mặt hàng thủy sản thông qua cảng hàng năm trên 56.000 tấn, bình quân 153 tấn/ngày, ngày cao nhất lên đến 300 tấn.

“Những ngày qua, mỗi khi cập bờ bán sản phẩm, chúng tôi nhận thấy ngư dân không chút lo lắng, thậm chí không hề quan tâm đến thông báo cấm biển của Trung Quốc. Bán sản phẩm xong là họ cấp tập lấy tổn, lương thực mở ngay chuyến biển khác để tranh thủ đánh bắt trong mùa vụ chính”, ông Dũng cho hay.

Ngư dân Lê Văn Tèo, ở cồn Tân Lập, phường Xương Huân (TP Nha Trang, Khánh Hòa), chủ sở hữu 6 tàu cá mang số hiệu KH 97379 TS, KH 95959 TS, KH 94183 TS, KH 97759 TS, KH 95429 TS và KH 99977 TS, đều có công suất trên 400CV, trong đó 1 tàu hoạt động nghề mành chụp và 5 tàu hành nghề đánh bắt cá ngừ, khẳng định: “Không có chuyện cho tàu nằm bờ với thông báo hết sức vô lý từ phía Trung Quốc. Các tàu của tôi sau khi bán cá xong vừa qua anh em đã bám biển trở lại được mấy ngày rồi. Bao đời nay, từ ông cha đến chúng tôi vẫn đánh bắt ngoài đó thì nay không có lí gì phải bỏ biển”.

“Ngư dân Phú Yên cũng không ngoại lệ, toàn bộ trên 400 tàu có chiều dài trên 15m, chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây… đánh bắt ngư trường Trường Sa, nhà dàn DK đều đã bám biển. Ngư dân mình kiên tâm lắm, họ không bao giờ e ngại trước hành động ngang ngược của phía Trung Quốc và sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước, không xâm phạm vùng biển các nước”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất