| Hotline: 0983.970.780

Kiên tâm bám biển: Bài 3 - Họ không đơn độc

Thứ Tư 26/06/2019 , 08:51 (GMT+7)

Đi tìm luồng cá, những chiếc tàu mải miết lênh đênh giữa trùng khơi, trông nhỏ nhoi như những chiếc lá, thế nhưng ngư dân không hề đơn độc.

Bởi, bên cạnh họ luôn có sự gắn bó giữa những đồng nghiệp trong tổ, đội đoàn kết và sự dõi theo của các ngành chức năng, để khi nếu gặp sự cố gì sẽ có ngay sự ứng cứu.
 

Sát cánh cùng ngư dân

Ở Bình Định, tuyến biên giới biển có chiều dài đến 134km; trong đó, đường biên giới trên biển có chiều dài 115km, vùng nội thủy rộng 1.881km2, vùng lãnh hải rộng 2.557km2.

10-06-39_nh_1_bi_3
BĐBP Bình Định sát cánh cùng ngư dân.

Theo Đại tá Lương Ngọc Chinh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định, hoạt động trên biển của BĐBP mang tính đặc thù, phạm vi đảm nhiệm rộng; điều kiện địa lý, địa hình ở tuyến biên giới trên biển khá phức tạp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và chủ quyền vùng biển đảo, nếu không có “tai, mắt” của lực lượng ngư dân thường xuyên có mặt trên biển thì nhiệm vụ của BĐBP còn khó khăn hơn. “Chính vì thế, việc phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân vào trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trên khu vực biên giới biển được cán bộ, chiến sỹ BĐBP Bình Định đặc biệt chú trọng”, Đại tá Chinh nói.

Với đặc thù là địa phương có trên 6.700 phương tiện tàu thuyền, trong đó có gần 2.300 chiếc công suất lớn chuyên đánh bắt thủy hải sản xa bờ, BĐBP Bình Định đã phối hợp với các ngành, các cấp và các địa phương liên tục tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ngư dân vươn khơi đánh bắt để vừa làm ăn vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong quá trình khai thác đánh bắt trên biển, tàu cá của ngư dân không may gặp sự cố tai nạn hoặc thiên tai thì lực lượng BĐBP luôn ứng trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đại tá Nguyễn Bá Bình, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Bình Định cho biết, thông qua sinh hoạt, trao đổi thông tin, đối thoại với ngư dân, BĐBP Bình Định đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật biên giới quốc gia, Nghị định 161 về quy chế khu vực biên giới biển, thông tin tình hình biển đảo và những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kết hợp bảo vệ biển đảo.

“Tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển của ngư dân và các dòng họ, gia đình ở các làng chài đăng ký bảo vệ chủ quyền vùng biển không chỉ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ, mà còn là những hình mẫu để nhân mô hình ngư dân liên kết làm ăn và bảo vệ biển đảo rộng khắp cộng đồng ven biển”, Đại tá Nguyễn Bá Bình nói.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh, người đứng đầu đội tàu cá 12 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), khẳng định: “Trong quá trình đánh bắt trên biển, nếu ngư dân gặp bất kỳ sự cố gì, liên lạc với các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ trên biển là ngư dân được ứng cứu ngay. Đây chính là niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển”.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh theo dõi đội tàu của mình đang hoạt động trên biển qua điện thoại thông minh.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, trước thông tin Trung Quốc đơn phương cấm biển, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt lệnh cấm trên.

“Ngư dân miền Trung sẽ không đơn độc mà luôn có những điểm tựa vững chắc trong những hải trình mưu sinh giữa biển khơi. Với sự sát cánh của ngành chức năng, của chính quyền, các lực lượng Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, ngư dân miền Trung sẽ không hề nao núng trước thông báo cấm biển của Trung Quốc. Tàu cá của ngư dân vẫn đồng loạt vươn khơi đánh bắt trên các vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta”, ông Lăng khẳng định.

Theo ông Lăng, từ năm 1999 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm phi lý này. Tuy nhiên ngư dân miền Trung không hề e ngại, vẫn kiên cường bám ngư trường thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên để ngư dân kiên cường bám biển, ông Lăng đề nghị các lực lượng chấp pháp thường xuyên sát cánh cùng ngư dân để họ yên tâm vươn khơi bám biển.
 

Kiên tâm bám biển

Khánh Hòa đã thông báo rộng rãi cho ngư dân về thông báo cấm biển của Trung Quốc và áp dụng nhiều giải pháp đối phó.

Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết: Ngành chức năng Khánh Hòa đã tổ chức họp dân để thông báo và khuyến cáo ngư dân vẫn cứ hoạt động khai thác bình thường trong vùng biển của Việt Nam, khi đi khai thác cần tập trung theo tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để kịp thời hỗ trợ cho nhau.

Ngành nông nghiệp Khánh Hòa khuyến khích ngư dân trang bị cho tàu cá của mình thiết bị giám sát hành trình, hiện tỉnh này đã gắn thiết bị giám sát hành trình trên 100 tàu cá và thông báo ranh giới vùng biển Việt Nam cho ngư dân biết để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác. Trước thông báo cấm đánh bắt cá từ phía Trung Quốc, hiện ngư dân Khánh Hòa vẫn vươn khơi đánh bắt bình thường, tất cả ngư dân đều thể hiện sự kiên cường bám biển.

“Đối với thông báo cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, địa phương một mặt là tuyên truyền cho ngư dân an tâm bám biển, đồng thời có kiến nghị về phía Trung ương điều động các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tăng cường tuần tra trên biển để ngư dân yên tâm bám biển, nhất là ở những vùng biển chồng lấn. Điều quan trọng nhất là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giám sát hành trình để quản lý hoạt động tàu cá trên biển một cách tốt nhất”, ông Võ Khắc Én chia sẻ.

10-06-39_nh
Ngư dân bội thu tôm cá.

Ngư dân Quảng Nam cũng không ngoại lệ, hiện vẫn miệt mài bám ngư trường để đánh bắt. Ông Phạm Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), cho biết: Sau khi nghe thông tin Trung Quốc cấm biển thì xã đã thông báo trên loa đài cho các ngư dân biết theo dõi và phòng tránh việc xô xát với nhau trên biển. Các tàu cá địa phương vẫn hoạt động bình thường, không có tàu cá nào nằm bờ. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này địa phương chưa nghe ngư dân báo về thông tin gì về việc bị Trung Quốc gây khó dễ cho ngư dân Việt Nam.

“Sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm, Sở NN-PTNT Quảng Nam chỉ đạo Chi cục Thủy sản gửi văn bản hướng dẫn xuống cho các ban ngành liên quan và các huyện để có hướng dẫn cho ngư dân. Trên tinh thần động viên, hỗ trợ chính sách, hướng dẫn cho ngư dân cách ứng phó, liên hệ với đất liền trong những tình huống bất trắc xảy ra. Vấn đề này hầu như ngư dân cũng đã quen vì đã gặp thường xuyên”, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho hay.

“Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân, Phú Yên đang từng bước tháo gỡ những khó khăn mà ngư dân gặp phải hiện nay. Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn tàu cá cập cảng và xuất bến an toàn; lực lượng kiểm tra, kiểm định nguồn gốc xuất xứ hải sản cũng được bố trí ứng trực thường xuyên tại các cảng cá, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân”, ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.