| Hotline: 0983.970.780

Kiện toàn BCĐ Chương trình NTM từ TƯ đến cơ sở

Thứ Tư 16/02/2011 , 09:20 (GMT+7)

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị đánh giá kết quả triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM...

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị đánh giá kết quả triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM đến tháng 2/2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác-PTNT Tăng Minh Lộc cho biết đến tháng 2/2011 Cơ quan thường trực Chương trình MTQG về xây dựng NTM (Bộ NN-PTNT) đã hoàn thành việc thành lập bộ máy tổ chức ở TƯ và Bộ. BCĐTƯ có 24 thành viên do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban. Bộ NN-PTNT cũng có QĐ thành lập Văn phòng điều phối Chương trình với 24 cán bộ chuyên trách (4 chuyên trách, 9 kiêm nhiệm từ các Bộ, ngành và 11 kiêm nhiệm từ các đơn vị trong Bộ).

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện việc xây dựng NTM đã được ban hành như Thông tư liên tịch giữa Bộ NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính hướng dẫn thực hiện QĐ 800/QĐ-TTg về việc giao cho 14 Bộ ngành TƯ triển khai 36 nhiệm vụ, BCĐTƯ đã hoàn thiện tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn với sự tham gia của cán bộ 17 địa phương, xây dựng kế hoạch vốn thực hiện CT năm 2011…

Theo Văn phòng điều phối Chương trình, đến nay hầu hết các tỉnh, TP đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, có 5 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Thuận, ĐakNông, Tây Ninh mới phê duyệt giữa tháng 2/2011. Về thành lập Văn phòng điều phối cấp tỉnh, có 19 tỉnh đã thành lập Văn phòng điều phối theo mô hình TƯ, 12 tỉnh không thành lập Văn phòng điều phối, 33 tỉnh chưa có QĐ thành lập Văn phòng điều phối hoặc tổ công tác giúp việc.

Tính đến tháng 2/2011 đã có 60 tỉnh chọn xã làm điểm chỉ đạo trước khi nhân ra diện rộng (766 xã/119 huyện), trong đó đa số các tỉnh lựa chọn 4-10 xã (khoảng 3-4%), 9 tỉnh lựa chọn trên 20% tổng số xã như Phú Yên 22%, Đồng Tháp 25%, Hà Giang 23%, Lào Cai 31%... Có 3 tỉnh không chọn xã điểm chỉ đạo là Quảng Ninh, Khánh Hòa và An Giang.

Ông Lộc cũng cho biết, năm 2010 hầu hết các tỉnh đã lựa chọn một số xã để triển khai công tác quy hoạch NTM để rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng như: Thái Bình, Bình Thuận, Hà Tĩnh…nhằm đảm bảo đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản quy hoạch NTM vào năm 2011 ở các xã triển khai xây dựng NTM. Đối với các xã điểm (5 tỉnh và 5 huyện) đã được BCĐ các tỉnh quan tâm triển khai trước một bước…

Tuy nhiên, theo ông Lộc trong quá trình triển khai còn có một số nhược điểm như nhiều nội dung trong QĐ 800/QĐ-TTg còn chưa được các Bộ ngành thực hiện theo phân công. Vì vậy các địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai Chương trình. Công tác tuyên truyền trong nhân dân, tập huấn cho đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình còn rất hạn chế. Nhiều nơi, việc đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí còn chưa chính xác, chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện về thực trạng nông thôn, triển khai quy hoạch cấp xã theo tiêu chí NTM còn lúng túng…

“Cục Kinh tế hợp tác - PTNT phối hợp với Học viện Xây dựng tổ chức tập huấn thử nghiệm bộ tài liệu xây dựng NTM ở 17 tỉnh nhưng mới chỉ cho một số ít cán bộ cơ sở mà chưa làm được đại trà. Theo đánh giá mới chỉ khoảng 10-15% cán bộ hiểu tương đối tốt về nội dung và phương pháp xây dựng NTM, số còn lại hiểu rất lơ mơ”, ông Tăng Minh Lộc.

Theo Cục Kinh tế hợp tác - PTNT, các tỉnh triển khai tích cực và đã có điển hình tốt như Thái Bình, TP HCM, Hà Tĩnh, An Giang, Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Nam… Điển hình là Thái Bình triển khai quy hoạch cho 100% số xã, Tuyên Quang hỗ trợ 100% xi măng, ống cống qua đường, công vận chuyển, kinh phí quản lý cho xây dựng giao thông nông thôn, Hải Phòng hỗ trợ 15-20% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng…

Các Bộ NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính đã trình Chính phủ về tiêu chí và phân bổ số kinh phí 1.600 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp 1.100 tỷ) cho các địa phương thực hiện CT MTQG xây dựng NTM…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM đánh giá, trong quá trình triển khai nhiều tỉnh khởi động khá rõ nét như phê duyệt cụ thể Chương trình vào Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, có tỉnh tự cân đối và bố trí ngân sách không chờ đợi hỗ trợ của TƯ. Có tỉnh đề ra hoàn thành xây dựng NTM sớm hơn kế hoạch, như Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành 70% số xã NTM vào 2015. Về nguồn lực xây dựng Chương trình, ông Hùng cho biết ngoài nguồn ngân sách TƯ sẽ có kinh phí hỗ trợ của các Tập đoàn, TCty Nhà nước. Có khoảng 20 Tập đoàn muốn tài trợ cho Chương trình dưới hình thức đầu tư trực tiếp việc xây dựng cơ sở hạ tầng nếu Chính phủ có cơ chế cụ thể…

Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM Nguyễn Đăng Khoa cho biết, tỉnh Bắc Giang đi trước một bước như phê duyệt Chương trình đến 2020 rất cụ thể với tổng kinh phí khoảng 21.000 tỷ đồng. Các tỉnh cần đưa mục tiêu xây dựng NTM vào Nghị quyết cụ thể nhằm đưa cả hệ thống chính trị tham gia Chương trình. Trong khi chờ nguồn vốn phân bổ từ TƯ, một số tỉnh đã chủ động bỏ vốn ra triển khai Chương trình rất tốt, như Hà Tĩnh còn nghèo, song đã bỏ 50 tỷ đồng quy hoạch NTM…Ông Khoa cũng đề xuất BCĐTƯ tổ chức hội nghị định kỳ giữa năm để đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai nhằm đẩy guồng máy hoạt động nhanh hơn…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, ngay sau cuộc họp này BCĐ Chương trình tiếp thu ý kiến các thành viên, hoàn chỉnh quy chế hoạt động của Văn phòng điều phối để sớm ban hành. Văn phòng điều phối phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ kiện toàn phương án bổ sung nhân sự trình cấp trên phê duyệt. BCĐTƯ sẽ tổ chức họp mỗi quý 1 lần nhằm đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. BCĐ cần xây dựng ngay Bộ chỉ tiêu về cơ sở dữ liệu nhằm giám sát, quản lý việc thực hiện Chương trình tại địa phương được tốt hơn. BCĐTƯ sẽ tiếp tục có kế hoạch tập huấn cho địa phương, kiểm tra thực hiện các đề án, dự án xây dựng NTM, đồng thời hướng dẫn địa phương củng cố BCĐ cấp tỉnh…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm