| Hotline: 0983.970.780

"Kiện tướng" hồ tiêu

Thứ Sáu 30/05/2014 , 08:30 (GMT+7)

Sau ông Trần Hữu Thắng (Xuân Lộc, Đồng Nai), vừa có thêm một nông dân trồng hồ tiêu của VN được Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) chứng nhận là người trồng tiêu xuất sắc.

Đó là ông Nguyễn Bá Thịnh, nông dân ở ấp 1, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

Nếu nói về năng suất tiêu, ông Thịnh còn thua xa khối nhà vườn trồng tiêu ở nước ta. Bởi với 2 ha tiêu đang cho thu hoạch (trên tổng diện tích 3,5 ha), trong vụ tiêu vừa rồi, ông Thịnh chỉ thu được 10 tấn.

Vị chi năng suất bình quân trên 1 ha là 5 tấn. Năng suất này thua xa người được IPC vinh danh trước đó là ông Trần Hữu Thắng (đạt 9 tấn/ha/vụ, cá biệt năm 2011 đạt 11 tấn/ha) và cũng thua xa nhiều nhà vườn ở Chư Sê (Gia Lai) khi năng suất bình quân nhiều vườn tiêu ở huyện này đã hơn 10 tấn/ha, có vườn tới 15 tấn/ha.

Vì sao ông Thịnh lại được IPC vinh danh là người trồng tiêu xuất sắc tại kỳ Đại hội thường niên năm 2013 của tổ chức này?

14-15-41_nh-nguyen-b-thinh
Ông Thịnh nhận bằng chứng nhận nông dân trồng tiêu xuất sắc của IPC

Giải đáp thắc mắc trên của chúng tôi, ông Thịnh cho biết, có 2 lý do mà IPC đã vinh danh ông: Trồng tiêu lâu năm không bị bệnh chết và sáng tạo ra thiết bị độc đáo “3 trong 1” giảm mạnh công lao động, nước tưới, phân bón, thuốc BVTV.

Năm 1996, ông Thịnh đưa cả nhà từ Thanh Hóa vào lập nghiệp ở xã Lộc An. Lúc đầu ông mua được 1 ha đất rẫy và quyết định trồng 200 nọc tiêu và cà phê. Sau đó, thấy giá tiêu rẻ quá mà cà phê lại đang được giá, ông chặt bỏ hết 200 nọc tiêu để trồng cà phê trên toàn bộ diện tích này. Mấy năm sau, cà phê xuống giá, hiệu quả thấp, trong khi giá tiêu lại tốt hơn, ông chặt bỏ hết vườn cà phê, quay lại trồng tiêu.

Năm 2002, tiêu lại mất giá, nông dân trong vùng ồ ạt bỏ tiêu trồng cao su. Ông Thịnh cũng tính theo phong trào này. Nhưng rồi, ông chợt nghĩ lại: “Nếu cứ trồng - chặt, chặt - trồng như thế thì hết cả cuộc đời cũng chẳng thể nào khá được”.

Nghĩ vậy, ông quyết định giữ và tiếp tục chăm sóc vườn tiêu, chờ khi giá tiêu tốt trở lại. Đối với ông Thịnh, có lẽ đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời, vì chỉ ít lâu sau, khi tiêu được giá trở lại, gia đình ông trúng lớn, trong khi nhiều hộ khác đã lỡ bỏ cây tiêu thì tiếc ngẩn tiếc ngơ. Từ đó, ông Thịnh quyết định gắn bó cả cuộc đời còn lại với cây tiêu.

Với người trồng tiêu, nỗi sợ lớn nhất là dịch bệnh. Bởi trên cây tiêu có những bệnh đến nay vẫn chưa có giải pháp nào chữa trị được. Vì thế, phòng bệnh cho cây tiêu luôn được những người trồng tiêu giỏi chú trọng đặc biệt.

Ông Thịnh cũng không là ngoại lệ. Trong quá trình chăm sóc vườn tiêu của mình, đồng thời quan sát những vườn xung quanh, ông đã phát hiện ra một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều vườn tiêu bị bệnh là nông dân thường có thói quen bỏ phân cho tiêu khi trời mưa dầm.

Theo quan niệm của đa số người trồng tiêu, những khi trời mưa dầm, nếu bỏ phân sẽ tiết kiệm được công sức bởi mưa sẽ giúp cho phân nhanh tan và ngấm vào gốc rễ cây tiêu. Nhưng bón phân kiểu đấy chẳng khác gì hại chết cây tiêu vì sau vài ngày mưa dầm, rễ đã nhũn, nếu gặp phân hóa học rễ sẽ bị xót, làm cây chết. Từ đó, ông Thịnh không bao giờ bón phân hóa học cho cây tiêu những lúc trời mưa.

Ông Thịnh cũng kiên quyết không lạm dụng thuốc BVTV hóa học vì dùng nhiều sẽ làm cây tiêu bị nóng rồi chết. Thay vào đó, ông tăng cường sử dụng các loại phân bón, thuốc có nguồn gốc hữu cơ, sinh học. Đây là bí quyết giúp cho vườn tiêu của ông Thịnh đã 12 năm nay chưa bao giờ bị bệnh, bị chết. Vườn tiêu của ông được coi là một hình mẫu của sự phát triển bền vững.

Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: “Nếu muốn tăng cao năng suất thì không khó, chỉ cần dùng nhiều phân hóa học. Nhưng khi ấy, vườn tiêu của mình sẽ đối diện ngay với nguy cơ dịch bệnh, sản phẩm lại không đảm bảo an toàn. Vì thế, tôi cứ giữ vững chủ trương hạn chế phân, thuốc hóa học, dùng chủ yếu phân hữu cơ, vi sinh. Tuy năng suất không cao như người ta nhưng mình giữ được vườn tiêu lâu dài vì không bị bệnh, sản phẩm lại an toàn”.

Cái thiết bị “3 trong 1”, ông Thịnh mới sáng tạo ra hồi năm 2011. Do vườn rộng, mỗi lần tưới cho tiêu, hai vợ chồng ông phải kéo dây rất vất vả. Một lần như thế, vợ ông đã bị chấn thương phải đưa vào bệnh viện chữa trị, tốn tới mấy chục triệu đồng mới khỏi.

Ông đành phải đi thuê người làm, nhưng nhân công vừa khó tìm lại không tận tâm với công việc, đang tưới dở cũng có thể bỏ ngang, đi về nhà chơi.

Cực chẳng đã, ông Thịnh đành phải tìm cách dùng sức máy thay sức người. Khi ấy, ở Đồng Nai đã có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho cây tiêu. Ông lặn lội sang Đồng Nai học hỏi rồi về áp dụng ngay trên vườn tiêu nhà mình.

Thấy hệ thống tưới nhỏ giọt này quá tiện lợi, ông nghĩ ngay tới việc lợi dụng hệ thống này để có thể đưa phân bón, thuốc BVTV theo dòng nước vào tận từng gốc tiêu, không phải mất công đi rải, đi phun như trước nữa.

Nhờ giữ được vườn tiêu phát triển bền vững, không bị dịch bệnh gây lại, cộng với sáng tạo trong việc tưới, bón phân, thuốc cho cây tiêu, hiện nay, trên 2 ha tiêu đang cho thu hoạch, cứ mỗi vụ tiêu, gia đình ông Thịnh thu lời bình quân 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi 1,5 ha còn lại cũng bước vào thu hoạch, chắc chắn lợi nhuận từ cây tiêu của gia đình ông sẽ còn cao hơn nữa.

Sau mấy tháng mày mò, nghiên cứu, ông Thịnh đã chế ra một cái bình áp lực. Bình này sẽ là nơi đưa phân hoặc thuốc BVTV đã hòa tan và hệ thống tưới tiết kiệm. Để hòa tan phân hoặc thuốc, ông xây một cái bể chứa trên cao, đáy của bể ngang bằng đỉnh của bình áp lực.

Bể được lắp một mô tơ điện có gắn chong chóng để hòa tan phân hoặc thuốc vào nước. Sau khi phân hoặc thuốc đã được hòa tan hoàn toàn, ông mở van xả cho dung dịch ấy chảy vào bình áp lực rồi bơm vào đường ống dẫn vào hệ thống tưới tiết kiệm, đưa đã hòa tan phân hoặc thuốc tới tận từng gốc cây tiêu.

Với thiết bị “3 trong 1” này cộng với hệ thống tưới tiết kiệm, ông Thịnh không những đã không còn mất nhiều công sức tưới, bón phân, phun thuốc cho vườn tiêu như trước nữa, mà còn tiết kiệm được khá nhiều nước, phân, thuốc BVTV.

Ông bảo, nhờ thiết bị và hệ thống tưới tiết kiệm, tính ra với nước, phân và thuốc, mỗi thứ ông đều tiết kiệm được ít nhất là một nửa so với trước đây, mà tác dụng của phân, thuốc khi đã hòa tan vào nước và thẩm thấu tới tận từng gốc tiêu cũng cao hơn hẳn.

Sáng tạo nói trên của ông Thịnh nhanh chóng gây được tiếng vang trong vùng. Được mọi người động viên, ông đã mạnh dạn mang giải pháp của mình đi thi và đã đạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo KHKT tỉnh Bình Phước, giải Ba toàn quốc. Hiện tại, ngoài thời gian chăm sóc vườn tiêu, ông còn thường xuyên được người trồng tiêu ở nhiều nơi mời tới giúp họ lắp đặt những thiết bị và hệ thống tương tự.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.