| Hotline: 0983.970.780

Kiếp thương hồ

Thứ Tư 05/10/2011 , 11:37 (GMT+7)

Mới 4 giờ sáng, anh bạn người địa phương đã lay tôi dậy kêu ra chợ nổi. Mắt nhắm mắt mở, tôi lẽo đẽo theo bạn ra bờ sông và lên một chiếc ghe tam bản đã chờ sẵn.

Nằm giữa ngã ba sông Tiền thơ mộng, nơi phóng tầm mắt có thể thấy cả 3 tỉnh là Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long - chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang) là một trong những chợ nổi lâu đời nhất ở khu vực ĐBSCL. Ở đó, người ta dễ dàng gặp vô vàn những mảnh đời mưu sinh gắn liền với dòng sông con nước vơi đầy.

Mới 4 giờ sáng, anh bạn người địa phương đã lay tôi dậy kêu ra chợ nổi. Mắt nhắm mắt mở, tôi lẽo đẽo theo bạn ra bờ sông và lên một chiếc ghe tam bản đã chờ sẵn. Mặt trời lấp ló phía cù lao Tân Phong, tôi thấy ở ngã ba sông hàng ngàn chiếc thuyền, ghe đủ loại với những "cây bẹo" đặc trưng như một cách để tiếp thị hàng hóa riêng biệt vùng sông nước. Theo đó, thuyền nào thì quả nấy: chôm chôm, dưa hấu, nhãn xoài, măng cụt, sầu riêng hay vú sữa, khoai mỡ, bí đỏ chanh dây đều có đủ. Một vương quốc trái cây nổi trên mặt nước…

Buôn bán ở chợ nổi

Nhìn chiếc ghe của vợ chồng chị Thúy, anh Lâm nhỏ như chiếc lá dừa nước trôi trên mặt sông mới thấy thật mong manh. Vậy nhưng nó cũng có đủ thứ, từ hoa quả tươi đến lương thực, thực phẩm, gia vị nấu ăn, nước giải khát..., cho đến chậu cây cảnh hay mấy con gà, một chú chó luôn miệng sủa “gâu gâu”.

Một ngày chạy chợ của anh chị bắt đầu từ sáng sớm tới tối mịt. “Sáng lấy hàng về chợ bán, tan chợ lại đi. Theo kênh rạch đi khắp từ Vĩnh Long đến Rạch Giá, Rạch Sỏi (Kiên Giang) hay ngược dòng Vàm Cỏ Đông lên tận Long An, Tây Ninh, rồi lại về chợ Cái Bè này. Hết vòng mất chừng 8- 10 ngày”, chị Thúy vui vẻ cho biết lịch trình chạy chợ quen thuộc đã 19 năm nay của gia đình mình.

Nhìn chiếc ghe vừa là gian hàng di động, vừa là “căn hộ” của đôi vợ chồng, chúng tôi thấy khoảng trống duy nhất là một khoang nhỏ ở sát nóc ghe. Đó cũng là nơi ăn nghỉ của vợ chồng và cậu con 4 tuổi của anh chị. Mái bạt che sơ sài chỉ đủ giúp họ tránh nắng, còn nếu gặp mưa thì “không biết đâu mà trú”. “Bình thường không có chi. Nhưng về mùa này thì chỉ sợ những lúc mưa gió đến bất thình lình. Có đêm đang ngủ, trời bất ngờ nổi gió lốc, thuyền xoay như chong chóng, mình chỉ kịp gọi vợ dậy ôm chặt thằng con nhỏ rồi chạy ghe tấp vô bờ”, anh Lâm bộc bạch.

Vận chuyển hàng hóa

Trời mới tảng sáng, bạn hàng chưa nhiều, chị Yến (44 tuổi, quê ở Tam Nông, Đồng Tháp) đang thảnh thơi ngồi hóng gió, ngắm mây trời non nước rồi nhìn chúng tôi bắt chuyện: “Mấy mẹ con chạy ghe từ tối hôm trước giờ mới tới chợ nổi Cái Bè này. Giờ chờ mua hàng quay về Tam Nông, Tràm Chim bán. Sống đời thương hồ như thế này khổ cực, vất vả trăm bề. Thiệt thòi nhất là bọn nhỏ, học hành chẳng đến đâu. Cố gắng lắm, như thằng lớn nhà tôi mới học đến lớp 6 thì bỏ ngang, lênh đênh sông nước cùng ba, má. Tôi muốn con nhỏ em nó được học hành đến nơi đến chốn nhưng cả nhà ở đây rồi thì mình nó sống ở đâu mà đòi đi học? Thế là lại lênh đênh, chẳng khác gì đời tôi với ông bà nó mấy chục năm về trước”.

Đó không chỉ là hoàn cảnh riêng của chị Yến, chị Thúy, anh Lâm mà hầu như ai cũng thế. Đã mang kiếp thương hồ rồi thì khó có thể thoát ra được. Cuộc sống cứ như những con sóng dập dồn trên mặt nước sông Tiền kia, liên miên nối nhau đời nọ với đời kia không bao giờ dứt.

Những cảnh đời thương hồ

Mặc dù chợ nổi Cái Bè ngày càng được nhiều người, kể cả các du khách quốc tế biết đến vì thương hiệu du lịch độc đáo  nhưng cuộc sống của hàng ngàn người ở đây hết sức khó khăn, thiếu thốn. Học hành, truyền hình, nước sạch và những nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống vẫn còn khá xa lạ. Những vấn đề như ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng và bức thiết với đời sống thường nhật của người dân miền sông nước.

Tuy nhiên, đáng buồn thay, họ không có bất cứ tiếng nói hay phản ánh nào trước những sự việc ảnh hưởng tới mình như thế.

Thấy có khách ghé sát mũi ghe, anh Nguyễn Văn Hồng đang lúi húi xếp hàng bèn chui ra từ khoang thuyền chật ních những táo, chanh, dừa, vú sữa, chôm chôm..., phủi tay tiếp chuyện. Anh Hồng bảo, ghe của anh từ miệt vườn Ngọc Hiển, Cà Mau chạy về chợ Cái Bè này thả neo bán hàng. Mỗi chuyến dài cả tháng trời.

Riêng chuyện đời sống tinh thần, anh cười: “Sông nước mênh mông làm gì có điều kiện giải trí, tiếp cận thông tin. Lúc rảnh mở đài nghe, nghe nhạc ở điện thoại vậy thôi. Cả tháng có khi mới gặp vợ con một lần. Nhưng không đi thì không có tiền nuôi chúng. Mà cho chúng lên thuyền ở thì cũng không đành vì đời mình đã khổ quá rồi, ngẫm ra, có ai khổ hơn kiếp thương hồ bèo bọt đâu. Cuộc đời cũng như con thuyền, chỉ như chiếc lá mỏng manh, biết sóng to gió lớn thế nào mà trông”.

Không chỉ riêng những kiếp thương hồ, ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chợ nổi, những dịch vụ khác như bán vé số, bán tạp hóa, cạc điện thoại, sửa chữa đồ điện tử… cũng ăn theo cùng chợ nổi. Mặt trời đã lên cao, chợ tan dần vì các thuyền sau khi "ăn" no nê trái cây đã theo dòng sông xuôi ngược khắp các miệt vườn sông nước. Trên sông lúc này chỉ còn thấp thoáng vài ba thuyền nán đợi bạn hàng lỡ con nước và mấy chiếc thuyền du lịch chở khách Tây sang trọng với tiếng “see you again” (hẹn gặp lại) phát ra từ những khoang nho nhỏ của anh chàng hướng dẫn viên nghiệp dư mà thôi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất