| Hotline: 0983.970.780

Kinh doanh xăng dầu: Hỗn loạn do hoa hồng mức... khủng!

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:54 (GMT+7)

Kết quả kiểm toán do Bộ Tài chính thực hiện tại 4 DN đầu mối NK xăng dầu lớn là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil và Cty Xăng dầu Đồng Tháp cho thấy, kinh doanh xăng dầu thời gian gần đây đang lãi lớn. Tuy nhiên, giá xăng vẫn chưa chịu giảm.

Kết quả kiểm toán do Bộ Tài chính thực hiện tại 4 DN đầu mối NK xăng dầu lớn là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil và Cty Xăng dầu Đồng Tháp cho thấy, kinh doanh xăng dầu thời gian gần đây đang lãi lớn. Tuy nhiên, giá xăng vẫn chưa chịu giảm.

Kết quả kiểm toán về kinh doanh của các DN đầu mối NK xăng dầu được Bộ Tài chính công bố sáng qua (19/12) không nằm ngoài dự liệu của nhiều chuyên gia kinh tế, tức là có nhiều khuất tất trong kinh doanh mặt hàng nhạy cảm này.

Theo Bộ Tài chính, đối với TCty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kết quả kiểm tra giá vốn thực tế tại thời điểm 26/8/2011 cho thấy, trừ mặt hàng xăng A95 lỗ 90 đồng/lít, còn lại các mặt hàng khác đều có lãi. Cụ thể, với xăng A92, giá cơ sở theo thực tế giá vốn NK (chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít) là 21.098 đồng/lít trong khi giá bán là 21.300 đồng/lít, lãi 202 đồng/lít.

Mức lãi với các mặt hàng khác là: dầu DO 0,25S: 365 đồng/lít; DO 0,05S: 540 đồng/lít; FO 3,5S: 167 đồng/lít; FO 3,0S lãi 454 đồng/lít... Tính tổng thể, từ 1/1/2011 đến 26/8/2011, báo cáo kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex lãi 130 tỷ đồng.

Tương tự, so sánh giá bán với giá vốn của TCty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), trừ xăng A95 lỗ 112 đồng/lít, các mặt hàng còn lại của DN này đều có lãi, mức thấp nhất là 232 đồng/lít (xăng A92) và cao nhất đến 1.110 đồng/lít (dầu hỏa). Với PV Oil, mức lãi cũng rất cao: 374,6 đồng/lít (thấp nhất) đến 869,33 đồng/lít (DO 0,25S).

Như vậy, “điệp khúc” lỗ và… lỗ của các DN đã được Bộ Tài chính làm sáng tỏ. Câu hỏi được đặt ra là, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát đang ở mức cao, tại sao DN không giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, đầu vào của nhiều ngành kinh tế quan trọng, để chung lưng với Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) giải đáp, sở dĩ các DN chưa thể giảm giá bán là chi phí “hoa hồng” cho các đại lý quá lớn, vượt mức quy định. Theo quy định, mức chi phí quản lý chung cho mỗi lít xăng là 600 đồng/lít, nhưng tại một số DN, chỉ riêng mức chi hoa hồng cho đại lý đã vượt cả mức chi phí chung này. Như Saigon Petro, chi phí kinh doanh 6 tháng đầu năm của DN là 737,8 đồng/lít, trong đó riêng thù lao cho đại lý lên tới 714,36 đồng/lít, làm giảm doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm của DN gần 28 tỷ đồng.

Đặc biệt, giai đoạn 1/7/2011 đến 26/8/2011, chi phí của DN cho mỗi lít xăng lên đến 1.181,41 đồng, cao hơn 6 tháng đầu năm tới 417,61 đồng/lít, trong đó riêng chi cho đại lý hơn 782,77 đồng/lít. Và như vậy, tổng chi phí kinh doanh của Saigon Petro vượt chi phí kinh doanh định mức từ 1/1/2011 đến 26/8/2011 là hơn 168 tỷ đồng. Tính chung lại, tại thời điểm 26/8, kết quả kinh doanh của các DN cơ bản không lỗ hoặc có lãi, như Petrolimex lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo đúng định mức thì có lãi 48 tỷ đồng; Cty Xăng dầu Đồng Tháp lãi 22 tỷ đồng…

Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành của các DN đầu mối NK xăng dầu khá cao. Cụ thể, Petrolimex đầu tư ra ngoài ngành chiếm tỷ lệ 35,7% trên vốn chủ sở hữu; PVOIL đầu tư tới 50,53% vốn chủ sở hữu và tới 85% vốn điều lệ…

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc tại sao không xử lý DN chi “hoa hồng” cho đại lý vượt mức quy định, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Thị Mai cho rằng, quy định về thù lao cho đại lý đã bị Bộ Công thương bãi bỏ. Điều này khiến các DN đua nhau đẩy mức chiết khấu lên cao, cạnh tranh không lành mạnh, làm tăng chi phí chung và làm hỗn loạn thị trường này.

“Chúng tôi đang đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh quy định này để dần minh bạch hóa thị trường, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với giá trị thực của xăng dầu”, bà Mai nói. Cũng theo bà Mai, những khoản vượt chi của DN sẽ không được Nhà nước cấp bù và không được tính vào chi phí hợp lý.

Ngoài ra, theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh mặt hàng xăng dầu của 4 DN trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, nhiều khoản chi ngoài “hoa hồng” cũng đều vượt quy định, “vô tình” làm lỗ của DN nhiều hơn so với thực tế hoặc làm thấp đi khoản lợi nhuận. “Cụ thể, với Petrolimex, khoản lỗ DN báo cáo nhiều hơn so với kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính là hơn 522,2 tỷ đồng; với PVOIL, khoản chênh lệch về mức lỗ là hơn 147 tỷ đồng; với xăng dầu Đồng Tháp, chênh lệch về mức lỗ là hơn 1 tỷ đồng; Saigon Petro, mức lợi nhuận trước thuế thực tế cao hơn 7,6 tỷ đồng so với báo cáo của DN”, ông Trần Hữu Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho hay.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank bổ sung 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế

Ngay đầu quý II/2024, Agribank bổ sung thêm 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.