| Hotline: 0983.970.780

Kinh hãi những con gia cầm trong lò giết mổ 'chui', dán mác thịt sạch vào siêu thị

Thứ Ba 26/07/2016 , 09:04 (GMT+7)

Hành trình của những sản phẩm thịt gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, được giết mổ tại các lò mổ chui bẩn thỉu, không đảm bảo VSATTP đến quầy bán thực phẩm sạch của các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội không khó như người ta vẫn nghĩ.

Kinh hãi lò mổ “chui”

3 giờ sáng, khu giết mổ của chợ đầu mối Bắc Thăng Long (còn gọi là chợ Hải Bối, Hà Nội) ngập ngụa trong sự ô uế.

Những hộ kinh doanh giết mổ đang tất bật với công việc hằng ngày. Gà, vịt, ngan sau khi bị cắt tiết được ném lăn lóc dưới nền gạch, giẫy đành đạch khiến máu tươi bắn tứ tung.

Tại một ki-ốt cuối chợ, một thanh niên mình trần như nhộng, ngồi trên chiếc ghế nhựa túm lấy từng con, nhúng nước nóng rồi vặt lông nhanh như máy. Lông, phân thải nằm lẫn với những con gà chỉ còn trơ lớp da trắng.

Cơ sở giết mổ của ông Lê Xuân Bảy (trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) nằm trong “bãi chiến trường chết chóc” ấy. Dù chưa có giấy chứng nhận cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, thế nhưng suốt nhiều năm qua, hàng vạn con gia cầm đã bị kết liễu tại chính nơi này. Ông Bảy là nhà cung cấp "thịt vịt sạch" cho siêu thị Metro. Số lượng vài chục con mỗi ngày.

Kỳ lạ thay, dù giết mổ ở một địa điểm mất vệ sinh, những con gia cầm của cơ sở Lê Xuân Bảy vẫn được cán bộ thú y phụ trách chợ đóng dấu kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP.

Và “hàng đưa vào siêu thị Metro cũng như đưa ra bên ngoài, chỉ khác nhau ở chỗ, hàng đưa ra bên ngoài nhiều khi không cần đóng túi, không cần tem mác”, chủ cơ sở này thừa nhận. Cũng theo ông Bảy, phía siêu thị đã biết cơ sở giết mổ gia cầm của ông chưa được cấp phép hoạt động. Thế nhưng, họ vẫn nhập hàng.

Ngoài cơ sở của ông Bảy, siêu thị Metro còn nhập thịt gia cầm từ một doanh nghiệp khác, đó là Cty TNHH Phát triển Thành Đồng II, số lượng vài chục con mỗi ngày. Mặc dù số thực phẩm trên được đóng trong túi, dán nhãn mác rất bắt mắt, nhưng nguồn gốc xuất xứ của những con gia cầm đưa vào siêu thị lại rất mù mờ.

Ông Nguyễn Đắc Sinh, GĐ Cty Thành Đồng II cho biết, công ty ông chỉ có giấy chứng nhận cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm động vật đủ điều kiện ATTP chứ không có giấy phép giết mổ động vật.

Số thịt gia cầm cung cấp cho các siêu thị Metro, Fivimat và Co.opmart Hà Nội được ông Sinh nhập từ khu chợ đầu mối ở Bắc Thăng Long (chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở giết mổ động vật đủ điều kiện VSATTP) về và không thể kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ.

Siêu thị biết nhưng cố tình làm ngơ?

Sau khi nhận được thông tin, bà Huỳnh Thị Phương Châu, đại diện truyền thông Trung tâm Metro Thăng Long, cho biết: “Hiện tại Metro đã dừng đặt hàng và đang tiếp tục làm việc với nhà cung cấp để xác minh vấn đề, đưa ra hướng giải quyết”.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Thanh, đại diện truyền thông Sai Gon Co-opmart, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Co.opmart Hà Nội đã lập tức ngưng kinh doanh sản phẩm này mặc dù nhà cung cấp có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Đây (Cty Thành Đồng II) là nhà cung cấp địa phương, sản phẩm của cơ sở này chỉ được kinh doanh tại Co.opmart Hà Nội. Liên quan đến vấn đề chất lượng, Co.opmart Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông để tìm hiểu thêm và có bước xử lý tiếp theo.

18-12-24_nh-4
Thịt vịt từ lò mổ lậu, sau khi sơ chế, đóng gói tại Cty Thành Đồng II được đưa vào một siêu thị lớn trên địa bàn quận Hà Đông

 

Cách đây 3 tháng, Báo NNVN đã từng điểm mặt hàng chục sản phẩm rau, củ, quả của siêu thị Metro được cung cấp bởi một cơ sở mất uy tín ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội), có tên Nguyễn Thị Tưởng.

Chủ cơ sở cho biết: “Rau vào siêu thị Metro và rau bán ra chợ đầu mối Minh Khai chỉ khác nhau cái mác” (đọc thêm bài viết “Rau không rõ nguồn gốc lại vào siêu thị Metro?”).

Những siêu thị nổi đình nổi đám ở Việt Nam cũng đã không ít lần bị báo chí “bêu tên” vì kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Nhưng xem ra, những lỗ hổng trong quy trình kiểm soát VSATTP tại các siêu thị dường như không được cải thiện. Thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng vẫn "đường đường chính chính" vào siêu thị với những nhãn mác bắt mắt, mỹ miều.

Siêu thị chẳng cần quan tâm sản phẩm xuất xứ từ đâu, có được giết mổ ở cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y hay không. Họ chỉ quan tâm những giấy tờ và thủ tục pháp lý (giấy chứng nhận cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm động vật đủ điều kiện ATTP và những dấu kiểm dịch của cơ quan thú y) để cơ quan chức năng không thể “sờ gáy”.

18-02-18_nh-2
Sau ghi được cắt tiết, gà được ném xuống nền gạch rất mất vệ sinh

 

18-02-18_nh-3
Tất cả các hộ giết mổ gia cầm ở chợ đầu mối Hải Bối (chợ Bắc Thăng Long) đều chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y

 

Còn cơ quan chức năng lại quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm, cấp giấy chứng chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật quá dễ dàng. Và, chính những con dấu kiểm dịch ấy đã trở thành “tấm áo giáp” hoàn hảo để thực phẩm bẩn vượt qua những hàng rào kỹ thuật đến tay người tiêu dùng với giá bán cao hơn so với ngoài chợ.

Được biết, sau vụ việc trên, Chi cục Thú y Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày với 4 cán bộ liên quan và tiến hành kỷ luật xem xét tiếp.

Với người tiêu dùng, hai chữ “siêu thị” giống như “lá bùa” để ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập vào. Nhưng, với quy trình truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng thực phẩm lỏng lẻo như hiện nay, nhiều siêu thị đang tự “châm mồi lửa” để “thiêu trụi” uy tín của mình trong tâm trí người tiêu dùng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.