| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/12/2014 , 09:04 (GMT+7)

09:04 - 29/12/2014

Kinh hoàng chuyện ra văn bản

Theo báo cáo của Chính phủ năm 2014, thì từ đầu năm 2013 đến nay, trong tổng số 1.574 văn bản được kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện 312 văn bản trái pháp luật.

Trong đó 186 văn bản sai căn cứ pháp lý, 64 văn bản sai hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung.

Con số đó nói lên điều gì?

Mỗi năm, ở nước ta, có cả vạn văn bản được ban hành, trong đó phần lớn là những văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp mới chỉ đủ sức kiểm tra chừng ấy văn bản, mà đã phát hiện số văn bản trái pháp luật chiếm tới gần 20% (312/1.574). Nếu kiểm tra hết, thì số văn bản trái pháp luật chắc chắn phải là một con số rất lớn.

Những văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật, có nhiệm vụ điều chỉnh hành vi của mọi công dân. Ra văn bản trái pháp luật, khác gì vô tình hướng công dân đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Ra văn bản sai căn cứ pháp lý, dẫn đến cấp thực hiện thiếu chuẩn mực khi thực hiện. Ra văn bản sai thẩm quyền là hành vi lạm quyền, lộng quyền của cấp ra văn bản…

Tất cả những văn bản trái pháp luật trên đều gây thiệt hại rất lớn đến xã hội. Sự thiệt hại đó còn lớn hơn cả những thiệt hại do tham ô hay gây thất thoát nhiều. Vì tham ô, gây thất thoát chỉ do một hay vài cá nhân gây ra. Còn đây là toàn dân thực hiện sai những quy định của pháp luật, thậm chí sai với một chủ trương, một chính sách của Đảng và Nhà nước, thì mức độ thiệt hại không thể nào đo được.

Với không ít văn bản trái pháp luật, từ khi được ban hành, có hiệu lực thi hành đến khi bị Bộ Tư pháp phát hiện, bị “tuýt còi”, thường rất lâu. Và từ khi bị “tuýt còi” đến khi cơ quan ban hành văn bản đó điều chỉnh lại hay thu hồi văn bản, còn lâu hơn nữa, thì mức độ gây hại cho xã hội càng lớn. Và rất nhiều văn bản trái pháp luật đó đã gây hại trực tiếp đến người dân, vì đối tượng điều chỉnh của các văn bản đó là dân.

Ban hành văn bản trái pháp luật còn là hành vi gây nhiễu loạn cho một xã hội pháp quyền mà Đảng và Nhà nước ta đang tích cực xây dựng. Xã hội pháp quyền đòi hỏi tất cả mọi tổ chức, cá nhân đều phải hành xử theo luật, chịu sự điều chỉnh của luật.

Nhưng trong khi pháp luật quy định một đằng thì những văn bản đó lại quy định một nẻo. Những văn bản trái pháp luật đó còn trở thành những công cụ để một bộ phận công chức, viên chức hành dân.

Con số đó cũng nói lên một điều, là trình độ soạn thảo văn bản của những người trong các cơ quan có nhiệm vụ ban hành văn bản đó quá kém, thiếu hiểu biết những điều căn bản về pháp luật. Cũng không loại trừ những trường hợp thừa biết những văn bản đó là trái pháp luật, nhưng vẫn cứ ký ban hành, vì lợi ích cục bộ của một ngành hay một địa phương, vì lợi ích nhóm.

Để chấm dứt tình trạng này, không còn con đường nào khác, ngoài việc Bộ Tư pháp phải tăng cường công tác kiểm soát văn bản một cách tích cực hơn nữa, ráo riết hơn nữa. Và phải có một văn bản quy định rõ hình thức xử lý nghiêm với những người ký ban hành các văn bản trái pháp luật đó.