| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim của Singapore

Thứ Ba 26/02/2019 , 08:50 (GMT+7)

Singapore tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên với khung thời gian hạn hẹp những vẫn đạt được thành công cuối cùng.

Singapore từng phải không ít lần “toát mồ hôi” với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 năm ngoái bởi tính chất thất thường của nó. Tổng thống Mỹ ban đầu nói ông muốn gặp lãnh đạo Triều Tiên song sau đó lại dọa hủy hội nghị. Cuối cùng, đảo quốc sư tử chỉ có hai tuần để chuẩn bị mọi việc, theo Al Jazeera.

nh1134009306
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái (Ảnh: Reuters)

Nhưng rút cục, sự kiện đã diễn ra thành công và dường như không có bất kỳ sai sót nào. Giới chuyên gia nhận định những kinh nghiệm tổ chức của Singapore sẽ là bài học quý cho Việt Nam khi chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội.

“Công việc của Việt Nam dễ dàng hơn đôi chút bởi chính phủ Mỹ và Triều Tiên đã có sẵn khuôn mẫu, kinh nghiệm từ hội nghị thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6”, Eugene Tan, phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, bình luận.

Vấn đề quan trọng nhất trong khâu tổ chức hội nghị ngày 12/6/2018 là an ninh, bắt đầu bằng câu hỏi bảo vệ hai lãnh đạo ra sao đến làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các địa điểm gặp mặt. Khi một địa điểm được đội tiền trạm Mỹ - Triều thống nhất, mỗi bên lại đánh giá và phê chuẩn riêng rẽ từng chi tiết liên quan đến sự kiện.

Chính phủ Singapore phải lên kế hoạch kiểm soát đám đông và dàn xếp những bất tiện không thể tránh khỏi đối với công chúng, chẳng hạn như việc cấm đường, điều hướng đường, trì hoãn phương tiện công cộng hay kiểm tra an ninh.

Không phận sẽ bị giới hạn để dọn đường cho các chuyến bay kiểm soát quân sự và những người mua vé máy bay thương mại phải chấp nhận bị hoãn chuyến, kể cả đi và đến Singapore.

Việc tuần tra trên biển cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là tại những vùng biển xung quanh đảo Sentosa, nơi Trump - Kim gặp mặt. Tàu hải quân và trực thăng liên tục được điều động, quan sát mọi dấu hiệu khả nghi. Cùng lúc, tàu tuần tra sẽ hộ tống các tàu dân sự đi qua khu vực.

Ngoài ra, thách thức ngoại giao mà Singapore gặp phải còn đến từ câu hỏi nhạy cảm rằng ai sẽ là bên trả chi phi ăn ở của Kim Jong-un và phái đoàn tháp tùng ông tại một trong những khách sạn đắt đỏ nhất quốc gia này.

Câu hỏi tiếp theo là cần làm gì với đội ngũ truyền thông đông đảo gồm hơn 2.500 phóng viên từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về Singapore để đưa tin sự kiện.

Những thách thức trên cùng nhiều vấn đề khác phải được xử lý nhanh chóng bởi thời gian gấp gáp của sự kiện, theo các quan chức ngoại giao am hiểu vấn đề. Những hội nghị thượng đỉnh thông thường phải mất từ 6 tháng đến một năm để chuẩn bị.

Các đội ngũ ngoại giao từ cả hai nước đã dành không ít thời gian đến Sentosa nhằm thảo luận từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của sự kiện như cách thức đón tiếp ra sao để cho thấy rằng hai lãnh đạo được đối xử công bằng hay Trump và Kim sẽ bước qua cánh cửa nào để chào hỏi, bắt tay nhau lúc mới gặp mặt.

Singapore trong lúc đó phải nỗ lực tìm kiếm người biết nói tiếng Triều Tiên trong đội ngũ cảnh sát và dân phòng để giúp việc giao tiếp cũng như phiên dịch cho đoàn quan chức Triều Tiên.

Cảnh sát và các nhân viên an ninh được yêu cầu không nghỉ phép trong thời gian diễn ra hội nghị. Lực lượng vũ trang nhận lệnh luôn ở trong tư thế sẵn sàng hành động cùng với chiến đấu cơ và trực thăng.

Ngoài 5.000 cảnh sát, dân phòng và các nhân viên an ninh, Singapore còn huy động cả những công ty an ninh tư nhân hỗ trợ việc kiểm soát tiếp cận, kiểm soát đám đông, điều phối giao thông…

Trước thềm hội nghị, cảnh sát Singapore đã khoanh vùng hai phần thành phố là "khu vực sự kiện an ninh tăng cường đặc biệt", bao gồm đảo Sentosa ở phía nam, xung quanh khách sạn Shangri-La và St Regis. Hai khách sạn kể trên là nơi lưu trú của Trump và Kim, còn khách sạn Capella trên đảo Sentosa là nơi tổ chức hội nghị.

Vài ngày trước sự kiện, cảnh sát Singapore thiết lập hàng loạt chốt kiểm soát an ninh bổ sung bên trong "khu vực sự kiện đặc biệt". Những vật dụng như cờ, biểu ngữ, vật liệu nổ đều bị cấm mang vào.

Dù Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều được bảo vệ bởi đội cận vệ riêng, Singapore vẫn huy động biệt đội Gurkha, một trong những lực lượng thiện chiến nhất, đảm bảo an ninh vòng ngoài cho sự kiện.

2134358251
Đặc nhiệm Gurkha của Singapore được triển khai trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên năm 2018

Các thành viên biệt đội Gurkha được cảnh sát Singapore tuyển mộ từ những bộ tộc chiến binh nổi tiếng ở Nepal. Cảnh sát Singapore được cho là có khoảng 1.800 đặc nhiệm Gurkha, phục vụ ở 6 công ty bán quân sự.

Gurkha hoạt động tương đối bí mật ở Singapore, tuy nhiên, trước hội nghị, lực lượng này bắt đầu xuất hiện công khai hơn.Để tạo điều kiện cho hàng nghìn phóng viên làm việc, Singapore đã nhanh chóng lập trung tâm truyền thông báo chí bên trong một tòa nhà có đường đua Công thức I, truyền hình trực tiếp diễn biến hội nghị thượng đỉnh từ đảo Sentosa, cách đó 10 km. Trung tâm dã chiến này được trang bị đầy đủ tiện nghi và phương tiện.

Thời điểm diễn ra hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông ước tính chi phí tổ chức sự kiện vào khoảng 14,8 triệu USD. Con số về sau được điều chỉnh giảm xuống còn 11,8 triệu USD.

Một số người dân Singapore tỏ ra không hài lòng với ý tưởng Singapore trả chi phí khách sạn cho Kim Jong-un với giá 7.400 USD một đêm. Tổng chi phí tiếp đón lãnh đạo Triều Tiên và đoàn tùy tùng không bao giờ được công khai. Trong khi đó, Mỹ tự trả mọi chi phí theo thông lệ đối với một cuộc gặp song phương được tổ chức ở một nước thứ ba.

Dù vậy, giới chuyên gia quảng cáo cho rằng Singapore được hưởng lợi ích truyền thông với giá trị lớn hơn ít nhất 10 lần chi phí bỏ ra.  “Với thượng đỉnh Trump - Kim, chúng ta có hẳn một tuần phủ sóng toàn cầu, mang đến cơ hội quảng bá thương hiệu tích cực và sự quan tâm thực sự dành cho Singapore với tư cách một quốc gia”, Jason Tan từ công ty truyền thông Zenith Singapore nhận định.

Mặt khác,theo ông Vũ Minh Khương, phó giáo sư Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, quan trọng hơn cả, thượng đỉnh Trump -  Kim đã thúc đẩy vị thế chiến lược của Singapore trên trường quốc tế.

Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam hôm 25/2, Giáo sư Charles K. Armstrong, chuyên gia về Triều Tiên của trường Đại học Colombia, Mỹ, cho rằng vấn đề cần quan tâm là kết quả cụ thể của hội nghị thượng đỉnh.

“Tôi hy vọng rằng hội nghị sẽ đưa ra tuyên bố các nguyên tắc chung của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều. Ngoài ra có thể là một số bước hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”, ông Armstrong nói.

Tuy nhiên, vị giáo sư Mỹ khẳng định rằng hai bên khó đạt thỏa thuận phi hạt nhân hóa trong ngắn hạn. Thay vào đó, sẽ là những cam kết để tiếp tục đàm phán trong các cuộc gặp sau.

“Tôi nghĩ Tổng thống Trump rất muốn có thỏa thuận nào đó với Triều Tiên để củng cố vị thế chính trị. Ở phía bên kia, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng muốn cụ thể hóa việc thúc đẩy quan hệ với Washington và cải thiện kinh tế của Bình Nhưỡng, vốn chịu nhiều ảnh hưởng do các lệnh cấm vận”.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất