| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm tưới "nông - lộ - sâu" ở Nam Sách

Thứ Hai 08/03/2010 , 11:13 (GMT+7)

Để góp phần phòng trừ dịch bệnh, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã chủ động đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện tưới nước "nông - lộ - sâu" cho tất cả các trà lúa vụ xuân 2010.

Để góp phần phòng trừ dịch virus vàng lùn và lùn xoắn lá (VL & LXL), lùn sọc đen (LSĐ) phát sinh gây hại, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã chủ động đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện tưới nước "nông - lộ - sâu" cho tất cả các trà lúa vụ xuân 2010.

Vụ này huyện Nam Sách có 4.760ha lúa được gieo cấy. Trà xuân sớm được gieo mạ dược từ 25/11 đến 10/12/2009, thời vụ cấy từ 20/1 - 10/2/2010; trà xuân muộn được gieo vỗ trên nền đất cứng từ 25/1 - 10/2/2010.

Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa cấy, đặt bằng mạ trên nền đất cứng đang bước vào đẻ nhánh, diện tích lúa gieo thẳng đang trong giai đoạn tưới dưỡng (nhiều nơi gọi là tưới sau tráng mống). Các trà lúa này đang trong tình trạng sinh trưởng phát triển tốt, chưa có triệu chứng bị hại do virus (VL&LXL) hoặc (LSĐ) gây nên. Tuy nhiên, tưới nước "nông - lộ - sâu” luôn là chủ đề được đề cập và phân tích trong các buổi tập huấn khuyến nông, các cuộc họp giao ban về sản xuất nông nghiệp ở huyện và cơ sở.

Rầy nâu là môi giới lây truyền virus gây bệnh VL & LXL còn rầy nâu nhỏ (RNN) và rầy lưng trắng (RLT) là môi giới lây truyền virus gây bệnh LSĐ. Do có độc tính cao nên khi xâm nhập vào cây lúa, làm cho cây lúa không tiếp tục sinh trưởng phát triển được, có triệu trứng bị hại đặc trưng và lây lan nhanh, sau cùng là tàn lụi. Có nhiều cách khống chế bùng phát rầy, nhất là không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có phổ tác động rộng để duy trì thiên địch của môi giới này như: nhện, bọ xít mù, bọ rùa, bọ cánh cứng, bọ xít gọng vó và ong ký sinh trứng v.v.

Huyện Nam Sách đã chọn kỹ thuật trồng cây khoẻ thông qua tưới nước "nông - lộ - sâu", có sự tuyên truyền chỉ đạo thực hiện thống nhất. Trong điều kiện không có rét đậm kéo dài, khoảng 35 đến 40 ngày sau khi tráng mống (với lúa gieo thẳng) và sau cấy (bằng mạ dược và mạ sân) thì mực nước trong ruộng luôn được duy trì từ 2,5 đến 5cm và được gọi là tưới "nông" nhằm làm cho chất dinh dưỡng được hoà tan, bộ rễ lúa được tiếp xúc đủ với ánh sáng và ánh nắng mặt trời; hạt cỏ dại không có điều kiện mọc để cạnh tranh dinh dưỡng. Từ đó, cây lúa sớm đẻ nhánh và đẻ nhánh tập trung, ít bị sâu bệnh phát sinh phá hại, lực lượng thiên địch được bảo tồn; là điều kiện thuận lợi cho một số thiên địch ưa nước, nhất là bọ xít gọng vó được sinh sống và phát triển nên sẽ khống chế rất nhiều đến RLT - hiện đang là môi giới truyền bệnh virus LSĐ cho lúa.

Với lợi thế về địa hình, nguồn nước tưới trực tiếp là hệ thống sông Thái Bình và sông Kinh Thầy bao quanh, nhận thức về tưới nước “nông – lộ - sâu” cho lúa của bà con nông dân đang được nâng cao. Công tác quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa đang được áp dụng rộng rãi. Mặc dù còn cần kết hợp với nhiều biện pháp khác, nhưng hy vọng tưới nước “nông – lộ - sâu” cho cây lúa vụ xuân ở Nam Sách cũng sẽ góp phần vào việc phòng trừ các loại virus nguy hiểm nói trên.

Tại thời điểm này, nếu điều kiện tưới tiêu thuận lợi và số dảnh hữu hiệu đã đạt mức quy định khoảng 320 - 375 dảnh/m2 (với từng phương thức gieo cấy) thì ruộng được tháo cạn nước và gọi là để "lộ" ruộng nhằm làm cho các chất độc trong vùng rễ được thoát ra ngoài, lượng ôxy quanh vùng rễ được tăng cao, hệ rễ lúa nhờ đó mà phát triển. Cây lúa cũng dừng đẻ nhánh vô hiệu do dinh dưỡng bị khống chế hoà tan, bộ rễ lúa ăn sâu giúp cây lúa ít đổ ngã sau này. Ruộng được tháo khô nên RLT cũng di trú đi nơi khác. Khi mặt ruộng có mùn giun (thực tế bà con thường để từ 7 - 10 ngày) thì tiếp tục tháo nước vào ruộng. Lúc này bộ rễ lúa do đã được phát triển cũng có điều kiện hấp thụ dinh dưỡng hoà tan khi bón đón đòng; nhu cầu về nước của cây lúa là rất cao, mực nước trong ruộng thường từ 7 - 10cm, gọi là tưới "sâu" và kéo dài đến giai đoạn lúa chín sáp.

Dự báo về chu kỳ ảnh hưởng của hiện tượng El nino ở nước ta còn kéo dài đến tháng 4/2010. Thực tế những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, trời nắng nóng khác thường, lượng bốc hơi nước cao. Nếu tình trạng này kéo dài thì việc duy trì tưới “nông” theo quy định càng trở nên phù hợp và cần thiết. Ở chỗ: Trong quá trình đi thăm đồng nhằm nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển cây lúa và diễn biến sâu bệnh để phục vụ cho nội dung tập huấn khuyến nông chiều ngày 6/3 tại xã An Bình, chúng tôi gặp chị Kiểm ở đội 9, xã Quốc Tuấn đang bơm nước vào ruộng, chị vui vẻ cho biết: "Với kỹ thuật tưới này, thời gian bơm ngắn và đỡ tốn tiền xăng hơn. Ruộng lúa nhanh kín đất”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.