| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế phục hồi nhưng thiếu bền vững

Thứ Hai 12/10/2015 , 19:46 (GMT+7)

Nợ xấu vẫn còn, giá dầu giảm, nhập siêu quay trở lại, sản xuất nông nghiệp giảm cả về sản lượng và XK... là những vấn đề Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý ngay cả khi nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi.

Sáng 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc Phiên họp thứ 42. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu bật vị trí, tầm quan trọng của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Phiên họp thứ 42 diễn ra ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 10, nhằm chuẩn bị, hoàn tất các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Phiên họp này, ngoài công tác xây dựng pháp luật, cho ý kiến vào 9 dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng khác: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT- XH năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020…
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch 2016. 

Đánh giá tình hình kinh tế năm 2015, đồng tình với báo cáo của Bộ KH-ĐT về KT- XH đang có chuyển biến tích cực ở nhiều chỉ dấu: chỉ số giá tiêu dùng thấp, bình quân 9 tháng tăng 0,74%, thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng đầu năm đạt mức cao 683 ngàn tỉ đồng, tổng dư nợ tín dụng tăng trên 10%. Tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,5%, cao nhất so với cùng kì của 4 năm trước.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế vẫn cho rằng việc phục hồi tăng trưởng còn thiếu yếu tố bền vững bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Một trong những nguyên nhân là giá dầu giảm ở mức quá sâu gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như phải tăng sản lượng khai thác vượt kế hoạch đề ra để bù đắp. Đặc biệt, kinh tế thế giới bất ổn cũng dẫn đến giảm sản lượng XK nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Đánh giá chung về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian qua, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Nông nghiệp là ngành đóng góp XK lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng đang giảm cả về sản lượng và giá trị XK, cụ thể 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2014.

Và mặc dù báo cáo Chính phủ khẳng định XK vẫn đạt 120,7 tỉ USD, tăng trưởng 9,6% và NK 124,6 tỷ USD, tăng 15,9%, là mức nhập siêu cho phép nhưng thực tế phải xem xét là năm 2015 nhập siêu đã trở lại sau 3 năm xuất siêu.

Chỉ số lạm phát thực tế thấp xa so với kế hoạch đề ra, tạo niềm tin về kinh tế vĩ mô ổn định. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt quá đã tác động trực tiếp đến DN, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét, việc thực hiện một số chính sách mới như gói giải pháp hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 30 nghìn tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp. 

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản thấp xa so với nhu cầu chính đáng của ngư dân, chưa đáp ứng và góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo, vì vậy cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và đưa ra giải pháp khắc phục.  

Liên quan đến tái cơ cấu DN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính quá chậm so với kế hoạch nhưng các nguyên nhân gây nên sự chậm trễ chưa thuyết phục.

Nhất là chưa đề xuất điều chỉnh chính sách thích hợp và tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quy trách nhiệm cá nhân; một số DN đã cổ phần hóa nhưng chưa có chuyển biến về chất đối với quản trị, điều hành DN.

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất