| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế tiềm ẩn rủi ro, thông tin cần minh bạch

Thứ Ba 21/05/2013 , 08:54 (GMT+7)

Nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế được thảo luận ngay trong ngày họp Quốc hội đầu tiên

*Nền kinh tế vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn

*19.600 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động

Sáng 20/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trước giờ khai mạc, các đại biểu tham dự kỳ họp đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQVN, các vị khách mời và gần 500 đại biểu Quốc hội đã tham dự phiên khai mạc.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ kỳ họp thứ 5 được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững. Năm tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế trong nước cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn...

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tại phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012; tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2013.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về kết quả điều hành của Chính phủ

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,03% (Kế hoạch Quốc hội đề ra 6 – 6,5%); tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng. Chỉ số xuất siêu đạt 780 triệu USD.

Báo cáo của Chính phủ thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước không đạt kế hoạch đề ra. Nợ xấu còn cao, việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Cân đối ngân sách nhà nước gặp khó khăn do thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp so với dự toán. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt thấp. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng thấp, đồng thời nhu cầu nhập khẩu của khu vực này giảm nhiều, bộc lộ sức sản xuất sụt giảm của các DN trong nước.

Chính phủ cũng dự báo thời gian còn lại của năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn. Sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao. Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.

Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn.

Cần minh bạch thông tin

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày kết quả thẩm tra báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Đề cập đến kết quả xuất siêu trong năm 2012, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cho rằng đó là một tín hiệu tốt. Song  điều đó chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng đáng lo ngại là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.

Lạm phát giảm mạnh trong năm 2012 nhưng thực tế có thể duy trì ở mức thấp hơn nếu thực hiện hợp lý lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công đối với y tế và giáo dục. Khi duy trì lạm phát ở mức thấp, ổn định sẽ cho phép có thể hạ lãi suất ngân hàng nhanh hơn.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Ngọc Thuận, TGĐ VRG giờ giải lao

Một vấn đề khác là tái cơ cấu nền kinh tế chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2013 tăng 4,89% có cao hơn quý I/2012 (tăng 4,75%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý I/2011 (tăng 5,53%) và quý I/2010 (tăng 5,84%).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 5,5% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì sụt giảm. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I đạt 29,6% GDP, cũng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2012 (36,2%). Cùng với việc nguồn vốn FDI và tín dụng cho nền kinh tế tăng thấp, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự cải thiện.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm. Thực tế triển khai ở từng DN chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, TCy hoặc giữa các DNNN, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng KHKT, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội. Về việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, một số ý kiến đánh giá cao việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu và đảm bảo mục tiêu an toàn tiền gửi cho người gửi tiền.

Điều hành thị trường vàng với một số kết quả ban đầu, nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao, chưa đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế như Nghị quyết của Quốc hội. Số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường.

+ Trong 4 tháng đầu năm 2013, cả nước có 23.800 DN đăng ký thành lập mới trong khi đó có khoảng 3.000 DN hoàn thành các thủ tục giải thể; có 16.600 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 16,9%.

+ “Tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp. Tình trạng thiếu đói cục bộ xuất hiện ở một số địa phương, đáng chú ý là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thực trạng quá tải tại các bệnh viện trung ương và bệnh viện các thành phố lớn vẫn còn cao, trong khi đó nhân lực tuyến y tế cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng. Việc kiểm soát kém hiệu quả nhập khẩu hàng mất ATVSTP, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra trong nhiều năm qua đã tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng” – Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.